UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hành động bảo vệ chất lượng nước công trình thủy lợi trên địa bàn.

TP.HCM khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát, giám sát ô nhiễm nguồn nước

Tú Viên | 10/08/2023, 15:40

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hành động bảo vệ chất lượng nước công trình thủy lợi trên địa bàn.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% các khu công nghiệp, 100% các cụm công nghiệp, 100% làng nghề, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi (trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ) phải có giấy phép theo quy định Luật Bảo vệ môi trường.

Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trên các tuyến kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Kênh Đông - Củ Chi phục vụ cấp nước sinh hoạt (8 vị trí) và các tuyến kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh phục vụ sản xuất nông nghiệp (8 vị trí).

33-1651215114-anh-4.jpeg
Sau khi TP thực hiện dự án cải tạo, môi trường, nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở nên trong sạch hơn - Ảnh: Internet

Đến năm 2030, hoàn thành cơ bản việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trên hệ thống thủy lợi Kênh Đông - Củ Chi, hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh và các hệ thống công trình thủy lợi khác trên địa bàn TP.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM tập trung vào các giải pháp như: Triển khai thực hiện pháp luật về thủy lợi; giám sát việc xả thải vào công trình thủy lợi; truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, trong đó khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát, giám sát ô nhiễm nguồn nước.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập trung các giải pháp công trình để phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi. Cụ thể, xây dựng hệ thống giám sát và lưu trữ thông tin SCADA, từng bước tự động hóa công tác quan trắc, cập nhật số liệu mực nước, chất lượng nước trên các tuyến kênh trong các công trình thủy lợi.

Mới đây, tại buổi làm việc của Bộ Tài nguyên - Môi trường với UBND TP.HCM về bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý về môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đề nghị TP.HCM cần tăng tốc nâng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị bởi hiện nay tỷ lệ này còn khá thấp. Trong đó, TP cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; khi xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới, phải tách riêng hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt…

Cũng tại buổi làm việc trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ triển khai mọi giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. TP sẽ dồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt để phấn đấu đến năm 2026 sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên 67%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát, giám sát ô nhiễm nguồn nước