Trong những ngày tới, nhiều bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức, Bệnh viện hồi sức COVID-19 tại TP.HCM sẽ ngưng hoạt động, kết thúc sứ mệnh để nhường chỗ cho các hoạt động bình thường khác.

TP.HCM kiến nghị ngưng hoạt động Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có quy mô lớn nhất

Hồ Quang | 10/02/2022, 18:37

Trong những ngày tới, nhiều bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức, Bệnh viện hồi sức COVID-19 tại TP.HCM sẽ ngưng hoạt động, kết thúc sứ mệnh để nhường chỗ cho các hoạt động bình thường khác.

Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vào chiều 10.2, ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, đơn vị này đã có tờ trình UBND TP giải thể nhiều bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức COVID-19 do tình hình số ca mắc ít và số ca tử vong giảm.

Ngoài việc đảm bảo công tác phòng chống dịch, TP vẫn tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị tại quận huyện; các cơ sở thu dung điều trị tại các khu chế xuất- khu công nghiệp như:Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghệ cao TP.

tphcm-kien-nghi-ngung-hoat-dong-benh-vien-hoi-suc-covid-19-co-quy-mo-lon-nhat-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 sẽ kết thúc sứ mệnh và ngưng hoạt động - Ảnh: PV 

Đồng thời sắp xếp lại các bệnh viện chuyển đổi công năng, bệnh viện tách đôi điều trị COVID-19 như: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện Điều trị COVID -19 Lê Minh Xuân. Các bệnh viện này sẽ được phục hồi lại công năng hoặc thành lập khoa, đơn vị điều trị COVID-19.

Đặc biệt, TP sắp xếp lại các bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có quy mô 1.000 giường. “Chúng tôi đã trình UBND TP ngưng hoạt động đối với Bệnh viện Hồi sức COVID-19 để chuẩn bị đưa Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động; tạm ngưng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến số 6, 8, 12. Đây là những bệnh viện dã chiến đã hoàn thành sứ mệnh và hiện không còn bệnh nhân. Ngoài ra, TP vẫn duy trì Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, 14, 16”, bà Mai thông tin.

Đề cập đến việc ngưng hoạt động Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có quy mô lớn nhất nước với 1.000 giường hồi sức tại TP. Thủ Đức, bà Mai cho biết, ngoài việc đã đến thời điểm trả lại cho cơ sở 2, Bệnh viện Ung Bướu đi vào hoạt động thì bệnh viện này cũng đã hoàn thành sứ mệnh. Hiện nay, số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã giảm dần. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (đơn vị quản lý và điều hành Bệnh viện Hồi sức COVID-19) đã đề xuất ngưng hoạt động. “Đối với những trường hợp bệnh nhân nhẹ và những bệnh nhân đã xử lý xong đang còn điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 sẽ được chuyển đến Trung tâm hồi sức tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 hoặc số 16 nhằm đảm bảo việc điều trị cho những bệnh nhân này”, bà Mai cho hay.

Theo Sở Y tế TP.HCM dù ngưng hoạt động các bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, nhưng TP vẫn đảm bảo sẵn sàng 1.000 giường hồi sức phục vụ cho điều trị COVID-19. Trong đó, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 và số 16 có trung tâm hồi sức với quy mô 600 giường; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn duy trì 200 giường hồi sức ở mỗi bệnh viện.

“Mặc dù vậy, khi cần thiết chúng tôi sẵn sàng kích hoạt lại các bệnh viện điều trị COVID-19 đã tạm ngưng trong vòng 24 giờ”, bà Mai nói.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, bà Mai cho biết trong thời gian tới có thể số ca mắc COVID-19 sẽ tăng lên nên TP tiếp tục tăng cường truyền thông 5K, ý thức tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường tiêm vắc xin; lập danh sách trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi để chuẩn bị sẵn sàng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm nhanh cho đối tượng này; đẩy mạnh công tác bảo vệ người nhóm nguy cơ…

“Thành phố đã thực hiện rất tốt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 này, TP tiếp tục thực hiện chiến dịch này, và được mở rộng cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Hiện các đơn vị đang phối hợp với Sở Y tế lập danh sách để triển khai các công việc như nhóm người từ 65 tuổi trở lên đã thực hiện trước đó”, bà Mai chia sẻ.

  Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVD-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 9.2.2022, TP có 515.816 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố, trong đó có 514.909 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 907 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 9.2, TP có 97 bệnh nhân nhập viện, 39 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện từ ngày 1.1.2021 đến nay là 317.519 bệnh nhân), 4 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ ngày 1.1.2021 đến nay là 20.389 người).

Hiện TP đang điều trị 618 bệnh nhân, trong đó có 35 trẻ em dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tổng số mũi vắc xin mà TP đã triển khai tiêm đến ngày 9.2.2022 được 8.106.421 mũi 1, 7.294.716 mũi 2, 661.269 mũi bổ sung, 3.919.001 mũi nhắc lại.

Bài liên quan
TP.HCM: Xử phạt và đình chỉ hoạt động nhiều cơ sở khám chữa bệnh
Ngày 24.4, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố quyết định xử phạt và đóng cửa nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn do có nhiều sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM kiến nghị ngưng hoạt động Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có quy mô lớn nhất