Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với Thành phố để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Ngày 16.4, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TP.HCM.
Trước đó, trong chiều 15.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thực địa, nghe báo cáo về dự án xây dựng nút giao thông An Phú, khảo sát dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên); dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (cơ sở 2), khảo sát, nghe báo cáo và kiến nghị về dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.
Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước.
Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với Thành phố để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua và tới đây tình hình thế giới diễn biến phức tạp: Kinh tế thế giới suy giảm; các nước thực hiện chính sách thắt chặt; thị trường của Việt Nam thu hẹp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá nguyên nhiên liệu tăng; việc Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội, còn tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam…
Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, cuộc làm việc này của Thường trực Chính phủ với TP.HCM nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố;
Rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển; kiểm điểm sự phối hợp giữa Thành phố với các bộ, ngành Trung ương và các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.
Tình hình kinh tế của TP.HCM gặp nhiều khó khăn, vai trò đầu tàu giảm sút
Báo cáo của Thành ủy TP.HCM cho biết, kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý 1 năm 2023 của Thành phố chưa đạt như mong muốn. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế có phần giảm sút. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập. Quy hoạch quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhìn nhận, nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, sự trì trệ của hệ thống hành chính cũng là một nguyên nhân quan trọng đối với kết quả quý 1.
Đồng thời, những động lực tăng trưởng của Thành phố vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn rất lớn sau đại dịch COVID-19, trong khi đó, những vướng mắc cũ phát sinh trong đại dịch và gần đây chưa được giải quyết triệt để và những động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng và phát huy.
"Qua đánh giá tình hình trước mắt, Thành phố chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu đạt được tăng trưởng cao nhất có thể trong năm", ông Phan Văn Mãi cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trong những tháng còn lại của năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung lãnh đạo chỉ đạo tổ chức sơ kết nửa nhiệm kỳ, triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương; Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai Nghị quết 05 của Thành ủy về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố.
Tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ là có thật
Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo các cơ quan Thành phố phối hợp tham mưu trình Quốc hội nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng như xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết này sau khi Quốc hội thông qua.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất các nội dung dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 4 năm 2023 sớm chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định mới hướng dẫn, để triển khai ngay sau khi Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, đầu tư công và đầu tư tư nhân. Tập trung các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tập trung đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm như Nhà ga T3; Tuyến Metro số 1; dự án rạch Xuyên Tâm; nút giao An phú…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị gắn với kế hoạch thúc đẩy đầu tư công.
"Việc Thành phố có tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ công chức viên chức là có thật. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thành phố sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc về thủ tục; kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xuất khẩu, cung ứng lao động, đào tạo nghề…
Tập trung bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục lao động, triển khai các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương do giá cả gia tăng, mất việc.
Kiến nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu cơ chế phát triển đột phá TP.HCM
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá Thành phố nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định.
Thành phố kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng (Dự án cao tốc TP.HCM-Mộc Bài; Dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc Thành phố-Trung Lương; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây; Đường Vành đai 3 TP.HCM; Đường Vành đai 4 TP.HCM; Dự án cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; Dự án đường sắt TP.HCM-Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu; các dự án đường sắt đô thị...) và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ Thành phố.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản: Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo hướng tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề; Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương, chương trình chuyển đổi số; đồng thời có cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; Chủ động quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố năm 2023.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc UBND Thành phố giai đoạn 2021-2025.
Đối với khó khăn của thị trường bất động sản, Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phẩn hóa; doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất.