Để ứng phó khẩn cấp dịch COVID-19, TP.HCM đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, có khả năng cung ứng vượt 100% nhu cầu so với ngày thường, đảm bảo không gián đoạn kể cả khi dịch bệnh lan rộng và nhiều khu vực bị cách ly.

TP.HCM lên phương án khẩn cấp cung ứng thực phẩm nếu COVID-19 lây lan

25/03/2020, 18:59

Để ứng phó khẩn cấp dịch COVID-19, TP.HCM đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, có khả năng cung ứng vượt 100% nhu cầu so với ngày thường, đảm bảo không gián đoạn kể cả khi dịch bệnh lan rộng và nhiều khu vực bị cách ly.

TP.HCM lên kịch bản cung ứng thực phẩm trong mọi tình huống - Ảnh: Phan Diệu

Theo Sở Công Thương TP.HCM, để ứng phó khẩn với dịch bệnh COVID-19, cơ quan này đã chuẩn bị nguồn cung cầu hàng hóa để cung ứng trong mọi trường hợp. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% -50% nhu cầu thị trường.

Cụ thể, lương thực là 3.830 tấn/tháng, đường 2.017 tấn/tháng, dầu ăn 1.072 tấn/tháng, thịt gia súc 6.238 tấn/tháng, thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng, trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng, thực phẩm chế biến 728,9 tấn/tháng, rau củ quả 7.395 tấn/tháng, thủy hải sản 184,5 tấn/tháng, gia vị 634,8 tấn/tháng.

Đối với mặt hàng khẩu trang y tế, qua báo cáo của 23 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp là 2.957.000 cái/ngày. Về khẩu trang vải kháng khuẩn, Sở đã ký hợp đồng phân phối với 22 doanh nghiệp với tổng cộng là 56.566.450 cái.

Về cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, cơ quan này đã phối hợp với Sở Y tế cung cấp suất ăn miễn phí và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị cách ly, lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng, người phục vụ tham gia chống dịch, bình quân ngày 23.3 là trên 10.000 suất ăn/ngày.

Đáng chú ý, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Có tổng cộng 3 tình huống được đặt ra để xác định nhu cầu thực phẩm thiết yếu hằng ngày.

Cụ thể, tình huống 1, nếu thành phố có dưới 100 ca bệnh mới, Sở Công Thương TP.HCM nhận định người dân sẽ thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch xuất hiện gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, chủ yếu ngày cuối tuần.

Lúc này, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, hệ thống phân phối. Đồng thời, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50-100% trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Các doanh nghiệp sẽ tăng cường bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử.

Tình huống 2, nếu thành phố có dưới 300 trường hợp nhiễm bệnh, dự báo người dân TP.HCM có thể hoang mang, tăng cường thu gom tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phòng chống dịch, nhu cầu tăng đột biến dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, sốt hàng cục bộ.

Trong trường hợp này, Sở huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP.HCM quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50-100% so với ngày thường, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Ở tình huống xấu nhất, nếu dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, người dân tiếp tục hoang mang, nhu cầu tăng mạnh, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, sốt hàng tại nhiều nơi. Người dân sẽ hạn chế đến nơi đông người, thói quen mua sắm thay đổi sang hình thức thương mại điện tử.

Vì vậy, ở trường hợp này, Sở sẽ trình thành phố chính sách huy động và phân phối hàng theo cơ chế đặc thù. Việc xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và mặt hàng phòng dịch bị hạn chế.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM lên phương án khẩn cấp cung ứng thực phẩm nếu COVID-19 lây lan