TP.HCM đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại chợ truyền thống sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với lộ trình từng bước.

TP.HCM sẽ mở cửa lại chợ truyền thống theo lộ trình

Tuyết Nhung | 28/09/2021, 17:01

TP.HCM đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại chợ truyền thống sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với lộ trình từng bước.

Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công Thương cho biết, một số quận, huyện, chợ đầu mối, chợ truyền thống tại TP.HCM đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với lộ trình từng bước. Mục tiêu đến cuối năm, các chợ đầu mối có thể phục hồi 100% công suất hoạt động.

Về lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, kế hoạch của TP là sau ngày 30.9 sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

anh-dai-dien.png
TP.HCM sẵn sàng mở cửa lại chợ truyền thống - Ảnh: BCT

TP.HCM cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn theo lộ trình ban đầu là 10% rồi tiến dần lên 20%, 30%, 50%... với điều kiện là tất cả thương nhân và nhân viên lao động tham gia làm việc, buôn bán tại chợ được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chí đánh giá trong Bộ Tiêu chí hoạt động an toàn chợ đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM ban hành.

Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn mà các quận, huyện, TP. Thủ Đức sẽ xây dựng lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống. "Việc khôi phục kênh phân phối truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường nội địa", đại diện Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối.

Cơ quan này cho rằng, việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, theo lộ trình dự kiến mở cửa trong điều kiện an toàn phòng chống dịch của TP.HCM (nhất là kể từ sau ngày 1.10), nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa được tạo điều kiện thông thoáng hơn, nhu cầu "đi chợ hộ" sẽ tiếp tục giảm, khả năng gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP nên Sở Công Thương đặc biệt xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa hoạt động đối với các chợ truyền thống trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch COVID-19; đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

"Sở Công Thương đã đề nghị UBND các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát, xây dựng phương án hoạt động phù hợp để tổ chức hoạt động chợ trở lại trong điều kiện an toàn. Bên cạnh đó là cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, UBND quận huyện, khu công nghiệp - khu chế xuất TP để hướng dẫn tổ chức xây dựng phương án hoạt động sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn khi mở cửa trở lại", bà Ngọc nói.

Tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp thời gian qua khiến các chợ truyền thống gần như đóng cửa hoàn toàn. Các chợ đầu mối phải hoạt động cầm chừng, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân luôn cần được đáp ứng.

Trước bối cảnh trên, mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng ổn định cung cầu, giảm áp lực mua sắm hàng hóa tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, cuối tháng 9 đã có khoảng 14 chợ truyền thống hoạt động thử nghiệm.

Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, lượng hàng về các điểm trung chuyển nhiều hơn, ngay lập tức không chỉ góp phần cung ứng hàng hóa cho TP.HCM mà còn cung ứng cho các tỉnh, thành khác.

Theo Bộ Công Thương, tại 3 chợ đầu mối ở TP.HCM, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong ngày 23.9 tăng 5% so với ngày 22.9, ước đạt 790 tấn/đêm. Trong đó, 60% cung ứng cho hệ thống phân phối và 40% cung ứng ra thị trường lẻ.

Song, điều quan trong nhất với TP hiện nay là các chợ truyền thống phải hoạt động trở lại trong tình trạng bình thường mới. Trong khi đó, UBND TP.HCM vừa yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức góp ý cho Dự thảo chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế từ ngày 1.10, trong đó có quy định: "chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống; cắt tóc, gội đầu... được hoạt động tối đa 50% công suất.

Hiện, Sở Công Thương TP.HCM đang xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa lại các chợ truyền thống trên địa bàn, chuẩn bị cung ứng hàng hóa cho TP sau ngày 30.9.

Bài liên quan
TP.HCM muốn cấp mã số cho người dương tính khi test nhanh COVID-19
Ngày 27.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cấp mã số cho người có kết quả test nhanh kháng nguyên (test nhanh) dương tính COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM sẽ mở cửa lại chợ truyền thống theo lộ trình