Hiện có gần 13 triệu người lao động và khoảng 38.000 đơn vị sử dụng lao động thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ gần 13 triệu người lao động khó khăn do dịch COVID-19

Tuyết Nhung | 28/09/2021, 15:30

Hiện có gần 13 triệu người lao động và khoảng 38.000 đơn vị sử dụng lao động thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Ngày 28.9, ông Lê Hùng Sơn - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

202005230435chunnamed-17.jpg
Sử dụng 38.000 tỉ đồng kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 - Ảnh: Internet

Ông Sơn cho biết hiện nay cả nước có gần 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, có gần 13 triệu người lao động và khoảng 38.000 đơn vị sử dụng lao động thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.

Người lao động thuộc diện thụ hưởng chính sách này là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30.9.2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 30.9.2021. Còn người sử dụng lao động là các doanh nghiệp đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đối với người lao động, cơ quan BHXH sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời xác định chính xác thời gian tham gia.

Với đơn vị sử dụng lao động, các đơn vị được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022), sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. "Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng để đối chiếu, tính toán", ông Sơn cho hay.

Nếu đủ điều kiện thụ hưởng, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp sẽ được chi trả qua tài khoản cá nhân. Một số trường hợp đặc biệt, mà người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, thì cơ quan BHXH sẽ chi trả qua doanh nghiệp.

Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hiện không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan BHXH tại các địa phương tiếp nhận, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Với khoảng 38.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng thì số tiền giảm đóng dự kiến là hơn 8.000 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến từ dư luận vẫn băn khoăn về số tiền kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hơn 90.000 tỉ đồng, khi trích ra 38.000 tỉ đồng để triển khai gói hỗ trợ thì quỹ có bảo đảm sự an toàn hay không.

Về vấn đề này, ông Lê Hùng Sơn nhấn mạnh: "Trước khi quyết định mức hỗ trợ gắn với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối quỹ trong dài hạn. Với đánh giá tác động và dự báo tình hình, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ bảo đảm cân đối trong dài hạn và đủ để chi trả trong điều kiện diễn biến tình hình như hiện nay".

Để chính sách hỗ trợ đến đúng người, đối tượng thụ hưởng, ông Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng về nguồn dữ liệu để xác định các đối tượng cũng như mức hưởng; về lực lượng, con người, nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ.

Đối với khoảng 2,5 triệu người lao động đang bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, về các địa phương, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến cho người lao động thuộc diện thụ hưởng để họ chủ động đến với cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện làm thủ tục hỗ trợ.

banghotro_20210925044245pm.png
Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động
Ngày 24.9 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Chính phủ quyết định sử dụng khoảng 30.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 để hỗ trợ đối tượng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30.9.2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 30.9.2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1.10.2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31.12.2021.

Nghị quyết nêu rõ, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bài liên quan
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi hơn 4.000 tỉ đồng
Tính đến ngày 30.5, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi trực tiếp hơn 4.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ gần 13 triệu người lao động khó khăn do dịch COVID-19