Ngày 13.7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 gửi đến các địa phương, cơ sở y tế. Theo đó, TP.HCM chính thức triển khai cách ly tại nhà với trường hợp F0, F1.

TP.HCM triển khai thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà

P.V | 13/07/2021, 20:40

Ngày 13.7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 gửi đến các địa phương, cơ sở y tế. Theo đó, TP.HCM chính thức triển khai cách ly tại nhà với trường hợp F0, F1.

Được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.

Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Với khu vực nguy cơ rất cao (nơi phong tỏa), thành phố áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà có cách ly F1 phải treo biển báo bên ngoài, lập hàng rào mềm ngăn cách. Toàn bộ thành viên trong nhà không được ra ngoài.

F1 hạn chế tiếp xúc, phải được bố trí khu vực riêng/phòng riêng nếu có thể. F1 phải sử dụng đồ dùng riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng; khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần F1 sử dụng.

Việc quản lý, giám sát F1 cách ly tại nhà phải thực hiện nghiêm trong và sau thời gian cách ly; chất thải y tế lây nhiễm phải được tổ chức thu gom, vận chuyển để xử lý theo quy định.

Trường hợp F1 tại khu tập thể, chung cư có F0 tại nhà thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Với trường hợp nhiều F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư… cần áp dụng cách ly y tế tập trung khu vực này.

Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt bằng cách đưa ra khu cách ly tập trung. Thành phố bố trí, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu trực tiếp cho F1 và theo dõi, giám sát hàng ngày.

Trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao nhưng không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư, ký túc xá…), ngành y tế sẽ chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm PCR ngày thứ 7 thay vì ngày 14 như trước đây. Trường hợp âm tính thì xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Y tế địa phương được giao theo dõi những trường hợp này.

Với khu vực nguy cơ cao, F1 được áp dụng cách ly tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn 5152 của Bộ Y tế.

Riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe; có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.

Tuy nhiên, nếu có F0 tại nhà thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định là F1, có thể xem xét cách ly tất cả thành viên tại nhà, không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

Các khu vực khác (nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định là F1, có thể xem xét cách ly tất cả thành viên tại nhà, không yêu cầu có phòng cách ly riêng.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ngành y tế địa phương tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày với F0 cách ly tại nhà; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.

Với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà, ngành y tế yêu cầu xét nghiệm PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.

Trưa 13.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, cho biết để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, cơ quan này sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể và chi tiết về việc thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM.

Theo vị lãnh đạo này, một số F0 có thể được thí điểm cách ly tại nhà gồm nhân viên y tế mắc COVID-19, các bệnh nhân sau thời gian cách ly và không còn khả năng lây nhiễm; những người trẻ, khỏe, có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Phương án cách ly F0 tại nhà trước mắt được triển khai thí điểm tại TP.HCM. Dự kiến hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế được ban hành vào hôm nay (13.7).

Ngày 1.7, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ phận thường trực đặc biệt, Thứ trưởng Sơn cho biết trong đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã thay đổi nhiều chiến lược, với đợt dịch tại TP.HCM thì phải thay đổi quyết liệt hơn. Về trang thiết bị, test nhanh hay nhân lực y tế, nếu TP.HCM thiếu, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ ngay.

Là một trong những chuyên gia đầu tiên đề xuất phương án điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đánh giá trong đợt dịch này cơ quan chức năng cần chú trọng đến công tác điều trị, không để hệ thống bệnh viện quá tải mà bỏ hết các dịch vụ chăm sóc bệnh lý cấp thiết khác. Vì thế, ông cho rằng ngành y tế cần sớm phân loại F0 để có hình thức chăm sóc, theo dõi phù hợp.

"Không nên coi tất cả người dương tính với SARS-CoV-2 đều là bệnh nhân. Bệnh viện chỉ tiếp nhận những người thực sự cần chăm sóc y tế, khoảng tối đa là 20% số người dương tính", ông nói.

Để làm được điều đó, chuyên gia này cho rằng Bộ Y tế cần có kế hoạch đầy đủ, hướng dẫn khoa học chi tiết và quy trình kết nối trong và ngoài bệnh viện thông suốt, sử dụng toàn bộ nhân lực thầy thuốc tư nhân, y tế cơ sở, người tình nguyện, áp dụng công nghệ thông tin, phương tiện chuyên chở và các phương tiện cấp cứu cơ bản. Đặc biệt, phương pháp này cần có sự tham gia đắc lực của người dân.

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới cho bệnh nhân mắc COVID-19 cập nhật lần thứ 5 của Bộ Y tế, về tiêu chuẩn xuất viện, người bệnh cần có đủ các tiêu chuẩn: Hết sốt, triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.

Ngoài ra, người bệnh được xuất viện khi đã qua cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày từ thời điểm có triệu chứng lâm sàng đầu tiên, đồng thời những người này phải có tối thiểu 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau 48-72 giờ) có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.

Sau khi xuất viện, người bệnh cần được cách ly tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác, người bệnh phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Nguyễn Hữu Hưng cho biết cách ly, điều trị F0 tại nhà là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

"Chúng tôi cũng sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn điều kiện cách ly tại nhà cũng như vấn đề liên quan thì TP.HCM sẽ triển khai", ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định đây là vấn đề nhiều người dân quan tâm. Ngay cả khi Bộ Y tế chưa có yêu cầu, TP.HCM cũng đã chuẩn bị cân nhắc để có thể cách ly F0 tại nhà.

Bài liên quan
TP.HCM: Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dịp lễ 30.4
Kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay kéo dài 5 ngày nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao tại các bến xe, nhà ga trên địa bàn TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM triển khai thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà