“Trong giáo dục hay trong mọi mối quan hệ xã hội, việc xưng hô thế nào – là câu chuyện của các bên đối tác tham gia giao tiếp. Các bên cảm thấy thoải mái, tạo được hiệu quả trong giao tiếp là được. Có gì để phải tranh cãi trong việc này nhỉ?”, TS. Đỗ Anh Vũ nói.

Tranh cãi không được gọi học sinh là “con”: Có gì để phải tranh cãi trong việc này nhỉ?

Nhật Hạ | 15/02/2022, 15:44

“Trong giáo dục hay trong mọi mối quan hệ xã hội, việc xưng hô thế nào – là câu chuyện của các bên đối tác tham gia giao tiếp. Các bên cảm thấy thoải mái, tạo được hiệu quả trong giao tiếp là được. Có gì để phải tranh cãi trong việc này nhỉ?”, TS. Đỗ Anh Vũ nói.

Sự việc bắt nguồn từ khẩu hiệu chào đón các em học sinh trở lại của một trường tại Hà Nội. Khẩu hiệu gây tranh cãi khi 'chào mừng các con học sinh trở lại trường học'.

khauehieu1.jpg
Khẩu hiệu gây tranh cãi khi 'chào mừng các con học sinh trở lại trường học' - Ảnh: Website THCS Giảng Võ

Sau đó, Nhà nghiên cứu – Phê bình Văn học Lại Nguyên Ân đã bày tỏ trên trang cá nhân rằng đây là cách xưng hô trong mối quan hệ gia đình, không nên sử dụng trong các mối quan hệ xã hội như giáo viên – học sinh.

Vị này yêu cầu giáo viên, cán bộ giáo dục không gọi học sinh là con. Đồng thời đề xuất với Bộ GD&ĐT nên sớm thảo quy chế về xưng hô ở trường học. Điều thiết yếu là giáo viên không xưng hô học trò là “con”, “các con”. Thầy cô phải gọi là “trò, các trò, các em, các bạn”.

Sự việc sau đó càng dấy lên nhiều tranh cãi trên các diễn đàn và mạng xã hội. Người thì đồng tình, người thì không đồng tình.

Thậm chí, theo có vị phụ huynh tỏ ra gay gắt khi nói rằng thầy cô gọi học sinh là “con” là cướp công sinh thành của người khác.

denghi.jpg
Một phụ huynh tỏ ra gay gắt phản đối giáo viên gọi học sinh là "con" vì cho rằng cướp công sinh thành của cha mẹ - Ảnh chụp màn hình

Theo vị phụ huynh này, giáo viên gọi học sinh là “con” là sai tiếng Việt. Cách gọi như vậy là cướp công sinh thành của người khác. Việc tất cả người lớn đều gọi trẻ em là con sẽ khiến cha mẹ và người lạ không còn điểm khác biệt.

Đáng chú ý phụ huynh này còn thẳng thắn bày tỏ giáo viên là “người đi làm nhận lương lại dám gọi đối tác trong công việc của mình, khách hàng của mình là “con”. Có ai cho “con” ăn mà lại bắt “con” trả tiền không?”.

Trong khi đó, các giáo viên và nhiều phụ huynh tỏ ra bình thường với cách xưng hô này, ủng hộ và cho rằng cách xưng hô thầy, cô với “con” nghe ấm áp và thân thương.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Lan, trường Tiểu học Chu Văn, Hà Nội đã trả lời trên VTC rằng: "Chúng tôi không muốn thay thế vị trí của ai trong lòng học trò. Do đó, việc xưng hô này không nên làm lớn chuyện. Tuỳ vào hoàn cảnh thực tế và mục đích giáo tiếp mà biểu thị".

Một phụ huynh khác cho rằng, “nói thầy cô gọi học sinh là “con” là “cướp” đi công sinh thành của cha mẹ là cực đoan, chỉ thấy bề nổi. Học sinh gọi “thầy, cô” xưng con, chứ có học sinh nào gọi thầy, cô là bố, mẹ đâu nhỉ?”. 

Trên một diễn đàn liên quan đến giáo dục “Làm mẹ/ Thông tin giáo dục”, một người bày tỏ quan điểm rằng “thầy cô gọi học sinh là “con” thì chẳng có gì sai. Chừng nào xưng hô “mày, tao” mới đáng nói”.

ykien.jpg
Ý kiến cá nhân của một phụ huynh

Người này cho rằng “Quan trọng là cách các thầy cô đối xử, dạy dỗ các em học sinh. Chứ làm khó nhau chỉ vì cách giáo viên gọi học sinh là con hay đôi ba từ xưng hô thì không đáng”.

web.jpg
Và những ý kiến cho rằng cách xưng hô của giáo viên với học sinh là "con" rất bình thường, không có vấn đề gì - Ảnh chụp màn hình 

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng việc gọi học trò là "con" trong trường học không có gì là sai và cần tôn trọng cách xưng hô của thầy - trò.

Trên Dân Trí, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng việc giáo viên gọi học sinh bằng "con/các con" hay "em/các em" đều chỉ là những cách gọi mang tính quy ước, không nói lên bản chất tốt xấu của mối quan hệ thầy - trò.

Ngoài ra, ông Khuyến cho rằng, cần tôn trọng cách xưng của mỗi thầy cô với học sinh. Do đó, việc đưa ra quy chế về xưng hô trong nhà trường là không thực sự cần thiết. "Ngành giáo dục còn rất nhiều việc cần phải làm, ta không nên đi quá sâu vào những điều chi li, tiểu tiết. Có hay chăng là cần nghiêm cấm những cách xưng hô bỗ bã như "tao-mày" giữa giáo viên với học sinh" - TS Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Trên Lao Động, ông TS. Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - công tác tại Viện Ngôn ngữ học cho biết:

Cách xưng hô của người Việt bắt nguồn sâu xa từ văn hóa. Ông nhận định rằng, cách học sinh xưng “con” với thầy cô giáo bắt nguồn từ miền Nam, sau này được mang ra Bắc. Và “Cá nhân tôi không nhìn thấy sự nghiêm trọng nào trong việc xưng hô này. Ở cấp mầm non, tiểu học, cách học sinh xưng con với thầy cô – còn cho thấy sự dễ thương, đáng yêu của lứa tuổi”.

Còn ở bối cảnh nhà trường, tôi cho rằng, cách thức xưng hô không thể ảnh hưởng đến giáo dục, hay chất lượng giáo dục. Việc các thầy cô gọi học sinh là “con”, sẽ chẳng thể tác động hay ảnh hưởng xấu gì đến đạo đức của nhà giáo.

Cũng theo TS. Đỗ Anh Vũ thì “chất lượng và sự phát triển giáo dục phải đến từ tư duy. Cách để giúp học sinh trở nên sáng tạo, tự tin, hết thụ động cũng phải đến từ phương pháp giáo dục, chứ không nằm ở việc xưng hô”.

“Trong giáo dục hay trong mọi mối quan hệ xã hội, việc xưng hô thế nào – là câu chuyện của các bên đối tác tham gia giao tiếp. Các bên cảm thấy thoải mái, tạo được hiệu quả trong giao tiếp là được. Có gì để phải tranh cãi trong việc này nhỉ?”, TS. Đỗ Anh Vũ nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi không được gọi học sinh là “con”: Có gì để phải tranh cãi trong việc này nhỉ?