Hơn 60 tác phẩm hội họa và gốm của họa sĩ 3 miền đang được triển lãm tại công viên Đất nung Thanh Hà trong thời gian từ đây đến 14.1.2020. Những tác phẩm này là kết quả của một tuần sáng tác miệt mài cùng Gốm và Màu của các hoạ sĩ, nghệ nhân điêu khắc tại làng gốm.

Triển lãm “Gốm và Màu” sáng tạo trên lùng binh, mang đầy cảm xúc về vùng đất Quảng Nam

30/12/2019, 11:57

Hơn 60 tác phẩm hội họa và gốm của họa sĩ 3 miền đang được triển lãm tại công viên Đất nung Thanh Hà trong thời gian từ đây đến 14.1.2020. Những tác phẩm này là kết quả của một tuần sáng tác miệt mài cùng Gốm và Màu của các hoạ sĩ, nghệ nhân điêu khắc tại làng gốm.

“Gốm và Màu” được thể hiện trên các tác phẩm của 15 hoạ sĩ hết sức đa dạng cả về ý tưởng, bút pháp lẫn chất liệu. Đặc biệt, trong lần này, tất cả các họa sĩ đều vẽ trên chiếc Lùng binh bằng đất nung, vật may mắn đặc trưng của Làng gốm Thanh Hà. Những cảm xúc và sự sáng tạo đa dạng về Gốm, Phố, Sông, Thiên nhiên, lửa, nước và đất đã biến chiếc lùng binh đựng tiền thành một biểu tượng.

Tác phẩm gốm làm trên lùng binh
Một tác phẩm của nghệ sĩ Anh Hoa

Lùng binh không chỉ là vật đựng tiền, tạo may mắn, Lùng binh là nơi chứa đựng những ký ức và ước mơ. Sắp đặt mang tên “Dòng sông mơ ước” từ những chiếc lùng binh vẽ ấy được đặt trên nền nước, là điểm nhấn của không gian triển lãm mà các họa sĩ mang đến làng gốm Thanh Hà, Hội An.

Trong lần triển lãm này có các họa sĩ, điêu khắc gia với các tác phẩm như Trần Quang Hải vốn nổi tiếng với các tác phẩm sơn mài với tạo hình hiện đại độc đáo, lần này đã thể hiện sự phồn thực, sự cân bằng âm dương của đất, lửa và nước qua hình tượng người phụ nữ hết sức tinh tế bằng chất liệu Acrylics. Hoạ sĩ Trần Thanh Thục đưa người xem tới với đêm phố cổ Hội An trong những sắc tím của Ánh đèn lồng qua bút pháp hiện thực và chất liệu Collage Vải, vốn đã làm nên tên tuổi chị.

Một họa sĩ đang say sưa với tác phẩm của mình

Nữ họa sĩ Anh Hoa lần đầu đến Hội An mang đầy cảm xúc tươi mới được truyền tải trong tác phẩm “Đèn lồng”. Hoạ sĩ giảng viên Mỹ thuật Việt Anh từ Hải phòng mang tới cho người xem câu chuyện về làng gốm thanh Hà qua bao thăng trầm của nghề gốm qua tác phẩm “Thì thầm”...

Tác phẩm đất nung của họa sĩ Họa My

Hoạ sĩ Đỗ Quang Hiển với 1 bộ 4 tranh phong cảnh làng gốm. Bức “Đứa con của Đất và Lửa” khiến ta liên tưởng tới những bông hoa lửa lấp lánh trong lò gốm. Sự kết hợp những màu nóng mà không chói, sự tung tẩy của đường nét, những bình gốm ẩn hiện, gợi lên nhiều suy nghĩ nơi người xem.

Tranh của Việt Thị Kim Quyên rực rỡ sắc màu từ cảm xúc về chiếc Lùng binh của người miền Trung, như một lời chúc may mắn nữ hoạ sĩ gửi tới làng gốm Thanh Hà.

Tranh của Hoạ sĩ Trần Chí Lý từ Đồng Nai bày tỏ những cảm xúc của anh về nhân tình thế thái, về người làng Gốm và những mái nhà, nơi nuôi dưỡng những ngọn lửa. Ngôn ngữ trừu tượng biểu hiện trong tranh anh gây hiệu ứng mạnh nơi người xem. Hay dòng sông trong các tác phẩm trừu tượng Acrylics trên lụa thô khổ lớn của Nguyễn Mạnh Quỳnh đến từ Hà Nội khiến người xem chìm trong những mảng màu chuyển sắc đầy ý nhị giữa nóng – lạnh và cuốn theo chuyển động của những vệt tút tát đen trắng, vàng, bạc, về với cội nguồn cảm xúc. Những tác phẩm của anh là điểm nhấn hoàn hảo cho không gian gốm thô mộc của phòng triển lãm lớn.

Tác phẩm của họa sĩ Thùy Linh

Họa sĩ Trần Thuỳ Linh và Đỗ Đình Cường là hai họa sĩ sử dụng Gốm và Màu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bức tranh mang tên “Gốm và Màu” của họa sĩ Thùy Linh lấy cảm xúc từ dòng sông được thể hiện với ngôn ngữ của hội hoạ tối giản, có chất liệu là Gốm nung màu nâu đỏ giã nhuyễn pha cùng dung môi, màu Acrylics và nhũ vàng. Trong cái xù xì thô mộc của chất gốm, trong những lấp lánh vàng son của nhũ, lịch sử vùng đất Quảng Nam hiện ra trong hình hài của một dòng sông nâu trầm, lặng lẽ cuốn những nỗi đau vào lòng. Series tranh của họa sĩ tại triển lãm này đều mang cảm xúc đó, dẫu cách thể hiện và chất liệu trên 5 tác phẩm có sự khác biệt từ Acrylics, đất, tới Collage và chất liệu tổng hợp.

Họa sĩ Đỗ Đình Cường thì dùng màu của bột gốm và đất chưa nung cùng rất ít màu rêu trong tác phẩm bộ ba về bức tranh làng quê bên dòng sông Thu. Các tông màu nâu khác nhau của đất đã tạo cho tác phẩm một hòa sắc mộc mạc và êm đềm, ẩn hiện là những thân cây đang ươm mầm bên mái nhà tường xưa vôi cũ.

Quá khứ là đây mà hiện tại cũng là đây.

Nhật Hạ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển lãm “Gốm và Màu” sáng tạo trên lùng binh, mang đầy cảm xúc về vùng đất Quảng Nam