Trang ASEAN Briefing cho biết Indonesia và Mỹ đang cân nhắc triển vọng thiết lập quan hệ hợp tác ở lĩnh vực khoáng sản và kim loại, đặc biệt là khoáng sản dùng cho sản xuất pin xe điện (EV) chẳng hạn như niken.
Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong chuyến thăm Mỹ vào giữa tháng 11 của Tổng thống Joko Widodo - hoạt động ngoại giao nâng tầm quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Theo ASEAN Briefing, Indonesia đang theo đuổi một thỏa thuận thương mại về khoáng sản quan trọng với Mỹ, qua đó tiếp cận thị trường EV khổng lồ này. Nhật Bản đã thành công trong việc ký thỏa thuận tương tự vào tháng 3 nên ngành công nghiệp ô tô của quốc gia Đông Bắc Á được hưởng lợi từ chính sách trợ cấp quy định bởi Đạo luật Giảm lạm phát Mỹ (IRA). Đạo luật này cung cấp cho người tiêu dùng Mỹ khoản trợ cấp 7.500USD để mua phương tiện sử dụng năng lượng sạch mới, tuy nhiên khoáng sản phải là từ Mỹ hoặc quốc gia mà Mỹ ký hiệp định thương mại tự do chẳng hạn như Úc hay Canada.
Tiềm năng sản xuất pin EV của Indonesia
Trữ lượng niken lớn khiến Indonesia giữ vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp EV toàn cầu. Nước này đặt mục tiêu trở thành trở thành trung tâm xe điện thế giới.
Bộ trưởng Vấn đề hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết một số hãng xe điện như Tesla (Mỹ) hay BYD (Trung Quốc) chuẩn bị hoàn tất thỏa thuận đầu tư vào quốc gia vạn đảo. Indonesia muốn vào danh sách 3 nước sản xuất pin EV hàng đầu vào năm 2027.
Nhu cầu dùng cho sản xuất pin dự kiến chiếm 1/3 tổng nhu cầu niken năm 2030, khi các quốc gia tìm cách giảm phát thải carbon và đạt mục tiêu đưa phát thải về 0.
Không chỉ nắm giữ trữ lượng niken lớn nhất thế giới với khoảng 21 triệu tấn – 22% trữ lượng toàn cầu, Indonesia còn là nước sản xuất kim loại hàng đầu với sản lượng năm 2021 đạt 1 triệu tấn.
Nỗi lo Trung Quốc
ASEAN Briefing cho biết giới chức Mỹ lo ngại một thỏa thuận thương mại về khoáng sản với Indonesia sẽ tạo ra “cửa sau” cho doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập thị trường. Hiện doanh nghiệp Trung Quốc đang thống trị ngành niken ở Indonesia với khoản đầu tư khoảng 30 tỉ USD vào chuỗi cung ứng niken của quốc gia này.
Mặc dù giới chức Mỹ lo ngại, nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong đó có cả doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu tìm đến đơn vị Trung Quốc hợp tác. Đầu năm nay, Vale Indonesia cùng công ty cobalt Hoa Hữu Chiết Giang ký thỏa thuận xây dựng nhà máy kết tủa hydroxit hỗn hợp (MHP) năng suất 120.000 tấn ở tỉnh Sulawesi Tenggara với hãng Ford Motor. Liên doanh Vale - Hoa Hữu cũng nhất trí sẽ xây một nhà máy MHP thứ hai với công suất 60.000 tấn.
Về phía Indonesia, nước này đang tìm cách giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, chuyển hướng sang xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, họ cần khiến Mỹ tin tưởng rằng các chính sách của mình không quá nghiêng về Trung Quốc cũng như cần đảm bảo sẽ tăng cường bảo vệ môi trường.