Tổng thống đắc cử Joe Biden sắp tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo...
Có nhiều yếu tố làm xấu đi viễn cảnh quan hệ song phương. Trong một cuộc tranh luận Tổng thống tháng 10 trước, ông Biden đã dùng những từ không tốt khi nhắc đến nhà lãnh đạo Kim và chỉ trích đương kim Tổng thống Donald Trump vì quá thân thiết với nhà lãnh đạo Kim.
CHDCND Triều Tiên không thuộc nhóm vấn đề ưu tiên hàng đầu của Biden. Ông cần tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề trong nước mà đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Biden chú trọng vấn đề nhân quyền, mạng lưới đồng minh, tiến triển thực chất trong thỏa thuận quốc tế. Tất cả đều chẳng hợp với ưu tiên của Tổng thống Trump lẫn nhà lãnh đạo Kim.
Bước tiến nhỏ
Nhưng nỗ lực không bị dừng lại. Theo một số nguồn tin ngoại giao, đội ngũ trợ lý cùng chuyên gia chính sách đối ngoại cố vấn cho ông Biden đang cố thúc đẩy tái khởi động đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân.
Được xác định sở hữu 20 - 60 đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo khó đánh chặn để mang các đầu đạn. Quốc gia Đông Bắc Á trong nửa cuối năm 2017 liên tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đủ sức vươn đến Mỹ.
Chương trình vũ khí nước này theo đuổi gồm 3 phần: số đầu đạn hiện có, hoạt động hạt nhân đang diễn ra, kế hoạch tương lai.
Theo nhóm ủng hộ tiếp tục đàm phán, giới chức Washington nên ngăn chặn tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên xấu đi đồng thời giảm mối đe dọa trực tiếp nhắm vào lãnh thổ Mỹ. Họ đề xuất “làm ngơ” số vũ khí mà quốc gia Đông Bắc Á đã có từ trước, tập trung đóng băng hoạt động phát triển hạt nhân hiện tại.
Một cựu quan chức Hàn Quốc cấp cao nhận định chính quyền Tổng thống Biden chọn cách tiếp cận phi hạt nhân hóa từng giai đoạn – hướng đàm phán mà giới chức Bình Nhưỡng mong muốn.
Cựu quan chức Hàn Quốc cho biết một quan chức Triều Tiên sau một lần phóng thử ICBM từng tự tin nói với ông rằng: “Giờ chúng tôi đủ khả năng gây thiệt hại cho thủ đô nước Mỹ. Hai bên sẽ ngửa bài dần, tiếp tục đàm phán với vị thế ngang hàng (đều là quốc gia hạt nhân) về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chon Yong-u cũng xem “phi hạt nhân hóa từng giai đoạn” là lựa chọn đáng cân nhắc. Đội ngũ chuyên gia về Triều Tiên của ông Biden đều nhận ra phi hạt nhân hóa toàn diện và ngay lập tức khó lòng thực hiện.
“Họ có thể sẽ tìm cách ngăn Triều Tiên nâng cao năng lực hạt nhân, sau đó thuyết phục cắt giảm vũ khí hạt nhân bắt đầu từ vũ khí đe dọa lãnh thổ Mỹ”, cựu cố vấn Chon phân tích.
Cũng theo cựu cố vấn Chon, ông Biden có kinh nghiệm ngoại giao và dễ chấp nhận bước tiến nhỏ – không như đương kim Tổng thống Trump vốn xuất thân doanh nhân nên thích thỏa thuận tầm cỡ.
Phi hạt nhân hóa từng giai đoạn nhiều khả năng được Trung Quốc (hậu thuẫn Triều Tiên) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (chủ trương hòa hợp 2 miền) ủng hộ. Tuy nhiên Nhật Bản và phe bảo thủ tại Hàn Quốc sẽ lo ngại vì Triều Tiên còn giữ lại tên lửa tầm ngắn lẫn tầm trung.
Khoảng thời gian im lặng
Vậy điều gì thúc đẩy Mỹ - Triều nối lại đàm phán? Nỗ lực ngoại giao đình trệ suốt hơn 1 năm qua, Tổng thống đắc cử Biden và nhà lãnh đạo Kim hoài nghi lẫn nhau, chưa kể giới chức Bình Nhưỡng đặt ra điều kiện rất cao để khôi phục thương lượng (dỡ bỏ trừng phạt, chấm dứt tập trận chung Mỹ - Hàn,…)
Đã hơn 1 tháng rưỡi kể từ khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, cả truyền thông Triều Tiên lẫn nhà lãnh đạo Kim đều chẳng nhắc gì đến chuyện này. Chỉ có Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho biết giới chức Bình Nhưỡng căn dặn đội ngũ ngoại giao tại nước ngoài tránh khiêu khích Mỹ trong thời gian chuyển giao quyền lực.
Theo giới chuyên gia, Triều Tiên một mặt muốn tránh xa rắc rối lúc Tổng thống Trump còn nắm quyền, mặt khác đang chuẩn bị mọi “lá bài mặc cả” sử dụng cho đàm phán sắp khôi phục. Nhà lãnh đạo Kim có thể thu hút sự chú ý của ông Biden bằng một đề xuất táo bạo chẳng hạn như đóng băng hoạt động phát triển hạt nhân hiện tại.
Các nhà phân tích đang cố đoán định lúc nào nhà lãnh đạo Kim phá vỡ sự im lặng. Nhằm tìm hiểu xem ông Biden muốn gì, giới chức Bình Nhưỡng dự kiến sẽ lên tiếng kêu gọi tân chính quyền tôn trọng cam kết trong tuyên bố chung đạt được qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018.
Nếu ông Biden phản ứng thiếu thiện chí, Triều Tiên dùng đến hành động khiêu khích như phóng tên lửa đạn đạo – thúc đẩy đội ngũ cố vấn thuyết phục tân Tổng thống Mỹ nhanh chóng khôi phục đàm phán.
Cơ hội gửi thông điệp đến Mỹ gần nhất sẽ là bài phát biểu đầu năm 2021. Trước đó nhà lãnh đạo Kim đều nhờ vào nhiều dịp phát biển quan trọng thông báo chính sách đối ngoại (phát biểu đầu năm 2018 ngỏ ý thương lượng với Mỹ và Hàn Quốc, phát biểu cuối năm 2019 cảnh báo cho ra mắt vũ khí chiến lược mới).
Hiện Triều Tiên cũng có ưu tiên cấp bách: cứu vãn nền kinh tế thiệt hại do trừng phạt, đại dịch COVID-19 và lũ lụt. Vì vậy có thể đến tháng 3 năm sau giới chức Bình Nhưỡng mới thực hiện hành động khiêu khích.