CHDCND Triều Tiên nổi tiếng với vũ khí hạt nhân, nhưng mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này lại vô hại và rất mỏng manh.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố gần đây, trong năm 2023 tóc và lông mi giả chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang nước láng giềng - tăng gấp hơn 13 lần so với năm 2022, từ 163 triệu USD lên 292 triệu USD.
Giáo sư Mimura Mitsuhiro (Đại học tỉnh Niigata) nhận định sự bùng nổ nhu cầu với tóc và lông mi giả - hai mặt hàng mà Triều Tiên sản xuất suốt hơn 10 năm qua - có thể do chúng không thuộc danh sách hàng hóa bị Liên Hợp Quốc áp đặt trừng phạt. Ông đánh giá tình trạng hiện tại khá bất thường nhưng quốc gia Đông Bắc Á không còn lựa chọn nào khác ngoài thay thế xuất khẩu quần áo bằng xuất khẩu tóc và lông mi giả nhằm duy trì nguồn thu ngoại tệ lẫn đảm bảo việc làm.
Vào năm 2016, sản phẩm dệt may là mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ hai (sau than đá và khoáng sản) đem về đến 752 triệu USD cho Triều Tiên. Thế nhưng trong hai năm 2016 - 2017, Liên Hợp Quốc siết chặt trừng phạt vì Bình Nhưỡng thử tên lửa cùng vũ khí hạt nhân. Loạt mặt hàng chủ lực như than đá, sắt, hải sản, sản phẩm dệt may bị triệt đường xuất khẩu.
Giáo sư Mitsuhiro cho biết Triều Tiên rất cần ngoại tệ để mua dầu cùng nhu yếu phẩm. Lạm phát cộng thêm nguồn thu ngoại tệ ngày càng sụt giảm khiến sức mua yếu đi, nhưng nước này lại không thể tăng giá hàng thiết yếu như gạo hay ngô nên tình hình kinh tế hiện tại đang rất khó khăn.
Theo Sách trắng về Nhân quyền ở Triều Tiên 2022 công bố bởi Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc năm ngoái, dệt tóc giả là việc làm thêm phổ biến mà học sinh trung học Triều Tiên đảm nhận với hy vọng giúp cải thiện bữa ăn gia đình.
Dẫn lời một người đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2021, Sách trắng cho biết dệt một bộ tóc giả cần 4 - 5 tiếng đồng hồ và có thể đổi lại được 12kg gạo.
Trang Daily NK vào tháng 11.2023 đưa tin nhiều người bán hàng ở chợ Sinuiju (giáp thành phố Đan Đông phía Trung Quốc) bỏ công việc hàng ngày chuyển sang dệt tóc giả vì công việc này nhận được nhiều tiền hơn.
Phần lớn nguyên liệu tóc dùng làm tóc và lông mi giả được nhập từ Trung Quốc, tuy nhiên doanh nghiệp quốc doanh Triều Tiên vẫn sẵn sàng dùng 20 - 25kg ngô đổi lấy những bó tóc dài 25cm.
Sản xuất tóc và lông mi giả cần nhiều lao động, tóc giả dệt thủ công đạt chất lượng cao hơn nên bán được giá hơn. Chủ một nhà máy làm lông mi tại thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc) nói với trang tin Jiemian News rằng sản phẩm từ Triều Tiên là hàng tinh xảo vì mỗi sợi mi được mài sắc đến từng milimet rồi gắn từng sợi một.
Thanh Đảo là trung tâm sản xuất lông mi giả lớn nhất Trung Quốc, ước tính chiếm 70% thị phần toàn cầu. Thành phố nhập khẩu 80% sản phẩm từ Triều Tiên.
Chi phí nhân công cho một bộ tóc giả cao cấp làm ở Trung Quốc lên đến 1.000 Nhân dân tệ, trong khi một bộ tóc giả do Triều Tiên sản xuất chỉ có khoảng 300 tệ.
Trên nền tảng bán buôn Alibaba 1688, lông mi giả do Triều Tiên sản xuất - đạt tiêu chuẩn Mỹ hoặc châu Âu - có giá từ 15 tệ mỗi bộ, tóc giả Triều Tiên loại tinh xảo giá 350 tệ.
Tiến sĩ Troy Stangarone (Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc) đánh giá xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất tóc và lông mi giả sang Triều Tiên là điều hợp lý. Làm vậy giúp doanh nghiệp Trung Quốc giảm chi phí.
Xu hướng trên có nghĩa tóc và lông mi giả gắn mác sản xuất tại Trung Quốc có khả năng xuất xứ từ Triều Tiên. Năm 2019, công ty mỹ phẩm Mỹ E.L.F.BEAUTY từng bị phạt 1 triệu USD vì kiểm toán nội bộ phát hiện một số bộ lông mi giả họ nhập từ Trung Quốc dùng nguyên liệu nguồn gốc Triều Tiên.
Song song với trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Washington còn áp đặt trừng phạt riêng cấm nhập khẩu bất cứ hàng hóa Triều Tiên nào vào Mỹ.
Theo tiến sĩ Stangarone, một ngành công nghiệp triển vọng khác là sản xuất linh kiện đồng hồ đeo tay. Sản xuất linh kiện đồng hồ đeo tay cùng sản xuất tóc và lông mi giả đều cần nhiều lao động. Việc phát triển hai ngành này giúp gia tăng việc làm, khiến không chỉ nhà nước mà cả người dân Triều Tiên cũng hưởng lợi.