Trọng tài sai sót đã ảnh hưởng đến kết quả không ít trận đấu nên VPF và VFF đã mời trọng tài Mongkolchai Pechsri (Thái Lan) bắt chính trận CLB TP.HCM và Đà Nẵng ở vòng 10 V.League.
Trong khi đó, trọng tài biên Nguyễn Thành Sơn sẽ bị treo cờ ít nhất 3 trận vì nhận định sai lầm của mình, khiến SLNA mất oan bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 và sau đó, thua ngược Công an Hà Nội (CAHN) 1-2.
Giải pháp mời trọng tài ngoại điều hành những trận quan trọng, đồng thời, những trọng tài sai sót sẽ nhận kỷ luật đã trở thành “bình thường” trong môi trường “bất thường” của bóng đá Việt Nam.
Không phải giải pháp tốt nhất và dài lâu
Nếu không có gì thay đổi, VPF và VFF sẽ tiếp tục nhờ trọng tài ngoại điều hành hai trận ở vòng 11. Đó là trận giữa CLB Đà Nẵng với Bình Dương và trận CLB Thanh Hóa gặp CAHN, đều vào ngày 5.6.
Trước đó, ở vòng 7, VPF đã sử dụng trọng tài ngoại là ông Mohd Yaasin Bin Harafiah (trận Khánh Hòa - Đà Nẵng) và ông Razlan Joffri Bin Ali (trận Thanh Hóa - CLB TP.HCM).
Cần nhớ lại vòng 24 V-League, Ban tổ chức giải đã phân công 2 tổ trọng tài người nước ngoài điều hành 2 trận CLB TP.HCM - CLB Đà Nẵng và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - HAGL. Thật oái oăm, cả hai trọng tài người nước ngoài bắt 2 trận đấu này đều mắc sai lầm khi một người thổi phạt đền sai, người còn lại thì cho trận đấu tiếp diễn trước tình huống phải có 11m.
Thêm chi tiết này không thể không nhắc đến: vòng 23 V-League 2022, trọng tài Thái Lan, Mongkolchai Pechsri được mời bắt chính trận Đà Nẵng – Sài Gòn FC và Pechsri đã mắc sai sót khi bỏ qua quả phạt 11m cho đội Đà Nẳng. Phút 87, Đình Duy đột phá vào vòng 16m50 và bị hậu vệ Liễu Quang Vinh (SGFC) phạm lỗi rất rõ ràng. Trọng tài Pechsri đứng gần tình huống này, góc nhìn rất rõ, nhưng ông lại không cho Đà Nẵng hưởng quả phạt 11m. May mà Đà Nẵng thắng SGFC 1-0, nên sai sót của trọng tài Pechsri đã không được nhắc đến nhiều.
Và, vòng 10 này, trọng tài Pechsri tiếp tục được VPF mời điều hành trận CLB TP.HCM – Đà Nẵng vào ngày mai, 31.10.
Thật ra, các trọng tài ngoại khi được mời điều hành những trận quan trọng ở V-League hơn 10 năm qua đã mắc không ít sai sót, cho dù là trọng tài đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Thực tế này cho thấy việc nhờ trọng tài ngoại là để giải quyết “niềm tin” khi cả nền bóng đá Việt Nam, bởi từ người trong cuộc cho đến người hâm mộ đều thất vọng và mất niềm tin về trọng tài Việt Nam, khi sai sót đã có tính hệ thống và thường quyết định của trọng tài luôn thuộc về đội mạnh. Các đội bóng thấp cổ bé họng, thường phải nhận những quyết định trớ trêu từ sai lầm của trọng tài.
Tóm lại, VFF chỉ đạo VPF nhờ trọng tài ngoại điều hành chỉ là phương án chữa cháy.
Quan chức trọng tài sai thì sao?
V-League 2023 có 2 sự kiện bất đồng quan điểm giữa Ban trọng tài VFF với các đội bóng cùng chuyên gia và người hâm mộ.
Nổi bật nhất là trường hợp trọng tài Trương Hồng Vũ thổi phạt đền cho Nam Định ở trận đấu với Khánh Hòa, giúp đội chủ sân Thiên Trường gỡ hòa 1-1 ở những phút cuối trận. Trong tình huống này, tiền đạo Nam Định đã phạm lỗi cao chân với thủ môn Khánh Hòa khi cố gắng dứt điểm, nhưng đội chủ nhà lại được hưởng phạt đền.
Vấn đề đáng nói ở đây là tình huống này không chỉ giới hạn trong sân cỏ. Trong khi các chuyên gia và người hâm mộ đều cho rằng trọng tài Trương Hồng Vũ đã sai, thì người phát ngôn của Ban trọng tài VFF lại cho biết là trọng tài Vũ đúng.
Sau đó thì ai cũng biết, trọng tài Vũ đã sai và phải nhận án kỷ luật. Nhưng người "bí ẩn" thay mặt Ban trọng tài VFF phát ngôn vẫn được giấu kín và tất nhiên, không có ai trong Ban trọng tài VFF phải nhận bất kỳ hình phạt nào khi bênh vực sai trọng tài Vũ.
Đó là lý do mọi người đã mất niềm tin trọng tài đã đành, bây giờ mất luôn cả niềm tin Ban trọng tài VFF.
Chuyện thứ hai cũng liên quan đến Ban trọng tài VFF, mà lần này là trưởng ban Đặng Thanh Hạ.
Ở vòng 9 V-League 2023, Hải Phòng đã cắt mạch 6 trận liên tiếp không thắng khi đá bại Khánh Hòa 2-1 trên sân nhà Lạch Tray. Tuy nhiên, đó lại là chiến thắng tranh cãi, xuất phát từ quả phạt đền không rõ ràng. Khi hai đội đang hòa nhau 1-1 ở phút 67, Joseph Mpande đi bóng thẳng vào vòng cấm Khánh Hòa và bị Minh Huy cản ngã, trọng tài Nguyễn Viết Duẩn lập tức thổi phạt đền.
Pha quay chậm cho thấy chân Minh Huy đã phá quả bóng trước nên bóng đi lệch hướng di chuyển của Mpande, sau đó, Mpande mói vướng vào chân Minh Huy té ngã. Cựu tuyển thủ Việt Nam, tiền đạo Đặng Phương Nam hiện nay vừa là chuyên gia, vừa là bình luận viên các kênh truyền hình thể thao cho rằng, trọng tài Nguyễn Việt Duẩn đã thổi phạt đền sai. Nhận định của chuyên gia Đặng Phương Nam cùng quan điểm với nhiều người.
Thế nhưng, trưởng ban trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ lại cho rằng trọng tài Viết Duẩn đã đúng, bởi lẽ Minh Huy đã khóa chân Mpande dù chạm bóng.
Hai tình huống này đã cho thấy rất rõ sự bất đồng quan điểm giữa chuyên gia và người hâm mộ với trọng tài, từ thượng tầng cho đến những người trực tiếp điều hành trên sân cỏ.
Chính vì vậy, niềm tin ngày càng mất nhiều khi trọng tài sai còn nhận kỷ luật, còn quan chức trọng tài sai thì vẫn "bình yên".
Công nghệ VAR không phải là cứu tinh
Việc sử dụng công nghệ VAR trong bóng đá thế giới chứ không riêng gì Việt Nam sẽ giúp cho các trọng tài bớt sai sót, từ đó, giảm thiểu tối đa những trận đấu có kết quả sai lệch do sai sót của trọng tài.
Thế nhưng, VAR không phải là tất cả, thậm chí VAR sẽ là con dao hai lưỡi nếu như tổ trọng tài VAR năng lực yếu kém và không đưa ra được những quyết định tư vấn trọng tài, để trọng tài quyết định tạm dừng trận đấu để xem lại tình huống trước khi cho trận đấu tiếp diễn.
Lấy ví dụ tình huống trọng tài Duẩn cho Hải Phòng hưởng quả phạt 11m. Trưởng ban trọng tài VFF nói rằng quyết định cho Hải Phòng hưởng quả phạt 11m là đúng, nhưng chuyên gia và người hâm mộ cho là sai. Vậy cuối cùng là như thế nào?
Không thể phủ nhận thực tế chất lượng chuyên môn của trọng tài V-League cũng như Hạng Nhất hiện tại vừa yếu lại vừa thiếu (số lượng trọng tài giỏi rất ít). Từ đây, người hâm mộ nghi ngờ có quyền nghi ngờ hiệu quả của VAR đem lại cho V-League là có cơ sở.
Do đó, song song với việc mời trọng tài ngoại, và V-League bắt buộc phải sớm có VAR, nhưng quan trọng hơn hết là VFF và VPF phải đưa ra được lộ trình cụ thể để vừa nâng cấp trình độ trọng tài hiện tại cũng như là đào tạo thêm đội ngũ trọng tài trẻ.
Không giải quyết tận gốc rễ, không có kế hoạch chiến lược phát hiện, đào tạo, đầu tư đội ngũ trọng tài, thì VFF và VPF sẽ mãi mãi để bóng đá Việt Nam sống với giải pháp chữa cháy hơn là xây dựng được kế hoạch phòng cháy, chữa cháy.
Và như tựa bài này đã đặt ra vấn đề nan giải của bóng đá Việt Nam: trọng tài sai bị kỷ luật còn lãnh đạo trọng tài sai thì sao?
Nếu VFF và VPF vẫn không xử lý triệt để những sai sót ở thượng tầng trọng tài, thì vấn nạn trọng tài bóng đá Việt Nam hôm nay và ngày mai cũng sẽ giống như ngày hôm qua!