Tại SEA Games 32 vừa qua, trong khi 9 đội cầu lông, gồm cả Lào, Campuchia, Brunei đều có huy chương thì chỉ Việt Nam và Timor Leste là không có huy chương nào.

Huy chương Olympic môn cầu lông: Thái Lan đã vươn mình, bao giờ mới đến Việt Nam?

Đặng Hoàng | 29/05/2023, 18:50

Tại SEA Games 32 vừa qua, trong khi 9 đội cầu lông, gồm cả Lào, Campuchia, Brunei đều có huy chương thì chỉ Việt Nam và Timor Leste là không có huy chương nào.

Nói về thế mạnh của thể thao Đông Nam Á trên đấu trường Olympic, nhiều người sẽ dễ dàng nghĩ đến bộ môn cầu lông. 21/37 huy chương giành được tại các Thế vận hội của Indonesia thuộc về môn cầu lông, đồng thời 8 HCV Indonesia có được trong các cuộc tranh tài Olympic đều là chiến tích của các tay vợt cầu lông. Tại Olympic 2020, dù chịu cạnh tranh lớn từ các tay vợt Trung Quốc, Indonesia vẫn có HCV cầu lông đôi nữ và HCĐ đơn nam.

Tương tự, Malaysia có 9 huy chương cầu lông trong số 13 huy chương Olympic mà họ giành được, trong đó có HCĐ đôi nam tại Olympic 2020.

Với điều kiện địa lý ở trong vùng cầu lông phát triển và trình độ đạt đẳng cấp thế giới, Việt Nam đáng ra cũng phải tập trung đầu tư để biến cầu lông trở thành thế mạnh tại Olympic. Khác với quần vợt đòi hỏi tố chất thể lực và tốc độ, cầu lông cần sự khéo léo, dẻo dai và bền bỉ trong không gian hẹp nên phù hợp với thể hình của người Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Thành công của các tay vợt Indonesia và Malaysia cho thấy người Việt Nam có thể thành công trong thi đấu đỉnh cao từ bộ môn này.

Thành tích cầu lông Việt Nam đang đi xuống

Lịch sử tham dự Olympic của cầu lông Việt Nam từng nuôi nhiều hy vọng nhưng rồi nhận về những thất vọng. Tại Olympic 2008, Nguyễn Tiến Minh sau khi may mắn không phải đánh vòng 64 thì để thua 0-3 ngay vòng 32 trước Hsieh Yu-Hsing của Đài Bắc nội dung đơn nam. Còn nội dung đơn nữ, Lê Ngọc Nguyên Nhung sau khi thắng một tay vợt Sri Lanka ở vòng 64 đã thua tay vợt Nhật Hirose 0-2 ở vòng 32.

Tại Olympic 2012, chỉ có Tiến Minh đại diện cho cầu lông Việt Nam tham dự và bị loại từ vòng bảng khi có 1 trận thắng trước tay vợt Kashyap của Ấn Độ và thua tay vợt Y Tan của Bỉ.

Tại Olympic 2016, vợ chồng Tiến Minh - Vũ Thị Trang tham dự nhưng đều dừng bước ở vòng bảng. Trong lần thứ 3 liên tiếp dự Olympic, Tiến Minh thắng 2 tay vợt người Nga và Áo nhưng thua Lin Dan (33 tuổi) từng là tay vợt số 1 thế giới và được coi là xuất sắc nhất mọi thời đại của môn cầu lông. Còn Vũ Thị Trang thua tay vợt người Nhật Okuhara trận đầu nên trận sau đó thắng Fanetri của Indonesia cũng không có ý nghĩa gì.

tien-minh.jpg
Tiến Minh đã 4 lần dự Olympic nhưng chưa bao giờ vào đến vòng 16 

Tại Olympic 2020, Tiến Minh (khi đó đã 37 tuổi) thua liên tiếp trước các tay vợt Antonsen của Đan Mạch, Dwicahyo của Azerbaijzan và bị loại từ vòng bảng. Tay vợt nữ Nguyễn Thùy Linh khá hơn khi có 2 trận thắng trước các tay vợt Pháp và Thụy Sỹ nhưng chỉ xếp thứ 2 vòng bảng do thua Tai Tzu Ying của Đài Bắc nên cũng bị loại sớm.

Điểm lại trong 4 kỳ dự Olympic, các tay vợt Việt Nam chưa bao giờ lọt vào top 16 tay vợt mạnh nhất chứ chưa nói đến việc tiếp cận huy chương. Tuy nhiên điều này cũng không có gì bất ngờ nếu nhìn vào việc cầu lông Việt Nam chưa bao giờ có thành tích vượt trội ở khu vực, dễ thấy nhất là tại SEA Games. Ngay cả khi Tiến Minh trong thời đỉnh cao lọt vào top 10 thế giới năm 2009 rồi top 5 cuối 2010, anh vẫn chưa bao giờ được chơi một trận chung kết SEA Games ở bất kỳ nội dung nào, thay vào đó chỉ là những tấm HCĐ đơn nam 2007, 2013, 2017 và 2021.

Trong lịch sử tranh tài SEA Games, cầu lông Việt Nam chỉ giành được HCĐ mà chưa bao giờ biết đến màu bạc ra sao chứ đừng nói đến màu vàng. Ngay tại SEA Games 31 trên sân nhà, cầu lông Việt Nam cũng chỉ có 3 tấm HCĐ và thành tích này được coi là thành công nhất lịch sử. Còn tại SEA Games 32 vừa qua, dù thể thao Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn nhưng cầu lông lại mang về nỗi buồn tê tái.

Cầu lông Việt Nam tham dự 7/8 nội dung (trừ nội dung đồng đội hỗn hợp). Trong khi 9 đội cầu lông, gồm cả Lào, Campuchia, Brunei đều có huy chương thì chỉ Việt Nam và Timor Leste không có huy chương nào. Cần biết rằng, chỉ cần vào đến bán kết là đã có HCĐ ở SEA Games, vậy mà các tay vợt Việt Nam cũng không thể thực hiện được.

Cũng phải nhớ rằng SEA Games năm nay, các cường quốc cầu lông ở Đông Nam Á và châu Á như Indonesia, Malaysia và Thái Lan không cử các VĐV xuất sắc nhất dự giải. Trong khi đó, cầu lông Việt Nam tham dự với lực lượng mạnh nhất. Niềm hy vọng số một - Nguyễn Thùy Linh, hạt giống số 3 đã thất bại 8-21, 21-14, 17-21 trước tay vợt Indonesia - Ester Nurumi Tri Wardoyo ở tứ kết. Năm nay, Wardoyo 17 tuổi mà đã hạ được tay vợt số 1 của Việt Nam. Từ thành tích kém tại SEA Games 32, thật khó hy vọng về một tương lai màu hồng cho cầu lông Việt Nam.

Vì sao cầu lông Thái Lan vươn lên mạnh mẽ?

Nhìn sang Thái Lan chúng ta sẽ chạnh lòng. Đẳng cấp cầu lông Thái Lan từng có thời gian kém hơn Indonesia và Malaysia ở khu vực Đông Nam Á. Tại Chiang Mai 1995, Thái Lan là chủ nhà nhưng cầu lông không có tấm HCV nào. Đến SEA Games 2017, Thái Lan gây sốc khi lần đầu tiên xếp số 1 môn cầu lông với 4 HCV. Tại SEA Games 31 ở Việt Nam, Thái Lan một lần nữa xếp số 1 môn cầu lông với 4 HCV. Tại SEA Games 32 vừa qua, Thái Lan có 2 HCV, xếp dưới Indonesia.

Cầu lông Thái Lan đã vươn lên trở thành 1 trong 3 thế lực cầu lông Đông Nam Á và có phần nhỉnh hơn Malaysia, trong khi Việt Nam vẫn ở “mâm dưới”. Tuy cầu lông Thái Lan chưa có huy chương tại Olympic, nhưng với sự phát triển nhanh và ổn định trong hơn 20 năm qua, sớm muộn gì Thái Lan cũng sẽ có huy chương Olympic môn cầu lông.

Nhưng vì sao cầu lông Thái Lan thành công? Các chuyên gia đã phân tích như sau:

1. Truyền thống lâu đời: Cầu lông là môn thể thao phổ biến ở Thái Lan với lịch sử lâu đời. Đất nước này có nền văn hóa cầu lông sôi động và nhiều trẻ em được làm quen với môn thể thao này khi còn nhỏ.

2. Sự hỗ trợ của chính quyền: Chính phủ Thái Lan đã cung cấp kinh phí, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho những chương trình đào tạo và phát triển cầu lông. Sự hỗ trợ này đã giúp ươm mầm tài năng và tạo môi trường cạnh tranh cho các tay vợt.

3. Đào tạo và huấn luyện: Thái Lan đã đầu tư phát triển hệ thống đào tạo và cơ sở hạ tầng huấn luyện cầu lông rộng khắp. Đất nước này đã thành lập các trung tâm đào tạo và học viện cung cấp các chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên biệt cho các tay vợt trẻ tài năng. Việc dồn lực vào đào tạo và huấn luyện này đã giúp tạo ra số lượng tay vợt có kỹ năng ổn định.

4. Phát hiện tài năng: Thái Lan đã thực hiện các chương trình phát hiện tài năng hiệu quả để tìm ra các tay vợt trẻ có tiềm năng. Các cá nhân tài năng được xác định sớm và được cung cấp các nguồn lực cũng như cơ hội cần thiết để phát triển các kỹ năng của họ.

5. Tiếp xúc quốc tế: Các vận động viên cầu lông Thái Lan thường xuyên tham gia các giải đấu quốc tế. Được tiếp xúc, trau dồi ở môi trường chuyên nghiệp sẽ giúp các tay vợt tài năng Thái Lan nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu để đi đến thành công.

6. Cơ sở hạ tầng: Thái Lan đã xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc cho môn cầu lông, gồm các cơ sở đào tạo được trang bị tốt, nhà thi đấu cùng hệ thống hỗ trợ khoa học thể thao. Cơ sở hạ tầng này cho phép người chơi tập luyện, thi đấu trong một môi trường thuận lợi để phát triển toàn diện.

7. Đội tuyển quốc gia mạnh: Thái Lan có một đội tuyển cầu lông quốc gia mạnh, luôn thể hiện tốt ở các giải đấu lớn. Thành công của đội tuyển quốc gia cùng với thành tích của các tay vợt đã tạo động lực và cảm hứng để giới trẻ phấn đấu vươn lên.

8. Tận tâm và chăm chỉ: Các vận động viên cầu lông Thái Lan rất cống hiến và chăm chỉ. Họ dành hàng giờ để luyện tập và rèn luyện để cải thiện kỹ năng, thể chất và sự dẻo dai. Tinh thần chuyên nghiệp đối với môn thể thao này đã góp phần tạo nên thành công của họ.

***

Sự thành công của bất kỳ quốc gia nào trong môn cầu lông (hoặc bất kỳ môn thể thao nào) là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Như thành công của cầu lông Thái Lan là kết quả của những nỗ lực bền bỉ và đầu tư lâu dài vào môn thể thao này ở nhiều cấp độ khác nhau.

Cầu lông Việt Nam còn thiếu bao nhiêu thứ trong những thứ kể trên để thành công như Thái Lan?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy chương Olympic môn cầu lông: Thái Lan đã vươn mình, bao giờ mới đến Việt Nam?