Trang Straits Times cho biết nắng nóng cực đoan không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho con người mà còn cho cả động vật.
Nghiên cứu “Đánh giá về ảnh hưởng của căng thẳng nhiệt đến sinh lý, trao đổi chất và chất lượng thịt ở động vật” đăng trên Tạp chí Science Direct xác định, căng thẳng nhiệt là một trong những tình trạng gây căng thẳng nhất trong đời sống vật nuôi, gây nhiều hậu quả cho sức khỏe, năng suất và chất lượng nông sản.
Cũng theo nhóm tiến hành nghiên cứu, động vật nhai lại, lợn, gia cầm dễ bị căng thẳng nhiệt vì tốc độ trao đổi chất cùng tốc độ tăng trưởng đều nhanh. Thậm chí, sản lượng và loạt đặc điểm như quá trình lên men ở dạ cỏ, khả năng tiết mồ hôi, khả năng cách nhiệt cũng bị nắng nóng ảnh hưởng.
Tuần trước, Chủ tịch Hiệp hội Trứng Philippines Francis Uyehara cho biết nắng nóng cực đoan đang khiến nhiều nông trại gặp khó khăn. Lượng thức ăn tiêu thụ giảm ảnh hưởng đến sản lượng trứng. Không những vậy trứng còn nhỏ đi.
Nghiên cứu “Tác động của căng thẳng nhiệt với sản xuất gia cầm” do Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ công bố kết luận, thời gian căng thẳng nhiệt nếu kéo dài 12 ngày sẽ làm lượng thức ăn tiêu thụ mỗi ngày giảm 28,58g trên mỗi cá thể, dẫn đến sản lượng trứng giảm 28,8%. Vài nghiên cứu trước đây chỉ ra lượng thức ăn tiêu thụ giảm 31% thì sản lượng và trọng lượng trứng lần lượt giảm 36,4% và 3,41%. Cả độ dày vỏ trứng cũng thay đổi vì nắng nóng.
Đối với thịt, nghiên cứu đăng trên Science Direct cho biết căng thẳng nhiệt cấp tính ngay trước khi giết mổ có thể dẫn đến thịt nhợt nhạt, mềm và tiết dịch (khả năng giữ nước kém). Căng thẳng nhiệt mãn tính khiến thịt bị sẫm màu, cứng và khô. Căng thẳng nhiệt còn dẫn đến căng thẳng oxy hóa (mất cân bằng giữa các gốc tự do với chất chống oxy hóa), oxy hóa lipid cùng protein, làm giảm thời hạn sử dụng lẫn độ an toàn vì vi khuẩn phát tán và sinh trưởng.
Theo Kế hoạch Hành động quốc gia đối phó El Nino năm 2023 của Philippines, nắng nóng có thể gây ra nhiều hậu quả với nông nghiệp chẳng hạn như làm giảm sản lượng thực phẩm, đẩy giá lên cao và khiến trang trại giảm thu nhập. Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 16.4 đưa ra ước tính ngành nông nghiệp nước này đã thiệt hại đến 4 tỉ peso (gần 70 triệu USD), trong đó ngành chăn nuôi thiệt hại 6,95 triệu peso.
Dựa trên dữ liệu từ trang Veterinaria Digital và Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương hiệu chăm sóc sức khỏe Dr.Shiba xác định mỗi năm căng thẳng nhiệt khiến sản lượng trứng tại Mỹ giảm 0,5 - 7,2%. Ngành sữa cũng thiệt hại 1,2 tỉ USD.
Dấu hiệu vật nuôi bị căng thẳng nhiệt
Nhà sáng lập công ty Pet Partner Philippines Glenn Albert Almera cho biết dấu hiệu ban đầu là tăng tiết nước bọt và thở gấp. Nếu không được can thiệp thì vật nuôi sẽ hôn mê. Chúng còn có thể nôn mửa, trường hợp nghiêm trọng còn lên cơn co giật.
Trang Agriculture Victoria của chính phủ Úc khuyến cáo: thở gấp, chán ăn, uống nhiều nước, mất ý thức cũng là dấu hiệu căng thẳng nhiệt ở động vật.
Lợn cùng gia cầm đặc biệt dễ bị căng thẳng nhiệt vì thiếu các tuyến mồ hôi, khả năng cách nhiệt của da phụ thuộc vào lớp mỡ (ở lợn) hoặc lớp lông (ở gia cầm).
Để phòng tránh, ông Almera khuyên rằng cần đảm bảo cung cấp đủ nước và tránh cho vật nuôi vận động nhiều. Ngoài ra cũng nên đưa chúng vào nơi thoáng mát cả ngày, cắt ngắn lông và giữ sạch sẽ.