Ba nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc đang thực hiện gói hỗ trợ trị giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 143 tỉ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Trung Quốc bơm hơn 143 tỉ USD thúc đẩy ngành chip trong nước, cạnh tranh với Mỹ

Sơn Vân | 13/12/2022, 15:16

Ba nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc đang thực hiện gói hỗ trợ trị giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 143 tỉ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Đây là một bước quan trọng hướng tới khả năng tự cung tự cấp chip để chống lại các động thái của Mỹ nhằm làm chậm tiến bộ công nghệ của nước này.

Các nguồn tin cho biết Trung Quốc có kế hoạch triển khai một trong những gói khuyến khích tài chính lớn nhất trong 5 năm, chủ yếu dưới dạng trợ cấp và tín dụng thuế để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Theo các nguồn tin, kế hoạch có thể được thực hiện ngay trong quý 1/2023.

Hai trong số các nguồn tin tiết lộ phần lớn khoản hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng để trợ cấp cho việc mua thiết bị bán dẫn trong nước của các công ty Trung Quốc, chủ yếu là các nhà máy chế tạo chất bán dẫn.

Theo ba nguồn tin, những công ty như vậy sẽ được hưởng khoản trợ cấp 20% cho chi phí mua hàng.

Trung Quốc có chính sách ưu tiên đã nêu để phát triển ngành công nghiệp chip độc lập.

Kế hoạch hỗ trợ tài chính của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden vào tháng 8 thông qua đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỉ USD tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, cũng như tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỉ USD.

Đạo luật Chips and Science là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm duy trì và thậm chí mở rộng vai trò lãnh đạo công nghệ của nước này trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc xoay quanh chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Với gói ưu đãi của mình, Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ các công ty chip Trung Quốc xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, lắp ráp, đóng gói, nghiên cứu và phát triển trong nước.

Các nguồn tin cho biết kế hoạch mới nhất của Trung Quốc cũng bao gồm cả các chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước này.

Các nguồn từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về thông tin trên.

trung-quoc-bom-hon-143-ti-usd-thuc-day-chip-trong-nuoc.jpg
Một nhà nghiên cứu đặt chất bán dẫn lên bảng mạch trong quá trình nghiên cứu thiết kế và phát triển sản phẩm tại công ty Tsinghua Unigroup ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Hôm 12.12, tờ Bloomberg News đưa tin Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc cùng với Mỹ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

Ngày 7.10, chính quyền Biden đã công bố hàng loạt biện pháp kiềm chế nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip và một số loại chip được sản xuất thông qua thiết bị của Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới sang Trung Quốc.

Ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp, Tokyo Electron Ltd (Nhật Bản) và ASML Holding NV (công ty Hà Lan chuyên gia sản xuất thiết bị in thạch bản cực tím) là hai bên tham gia quan trọng cần thiết để các biện pháp trừng phạt hiệu quả, làm cho việc chính phủ của họ áp dụng các hạn chế trở thành cột mốc quan trọng, Bloomberg News cho biết.

Theo Bloomberg News, các hạn chế mới có thể được công bố trong vài tuần tới.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản không trả lời ngay lập tức câu hỏi của hãng tin Reuters về vấn đề này, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan từ chối bình luận.

Mỹ đã lôi kéo các đồng minh gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập Liên minh Chip 4, một động thái mà Bắc Kinh coi là nỗ lực nhằm loại bỏ vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỹ cũng tăng áp lực lên chính phủ Hà Lan để hạn chế các lô hàng hệ thống in thạch bản từ ASML Holding NV đến Trung Quốc.

ASML là công ty thống trị thị trường thiết bị sản xuất chip tiên tiến độc nhất vô nhị. Cụ thể hơn, ASML là công ty độc quyền toàn cầu trong việc cung cấp các hệ thống in thạch bản cực tím, những chiếc máy lớn có giá từ 160 triệu USD mỗi chiếc và được sử dụng bởi TSMC, Samsung Electronics, Intel... để tạo ra mạch của chip máy tính. Vì thế, ASML Holding NV đã trở thành trọng tâm trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc của chính phủ Mỹ.

Hôm 22.11, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan - Liesje Schreinemacher nói rằng Hà Lan sẽ đưa ra quyết định của riêng mình liên quan đến việc bán thiết bị sản xuất chip từ ASML Holding NV cho Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán về quy tắc thương mại với Mỹ và các đồng minh khác.

Điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ lợi ích của chính mình - an toàn quốc gia, nhưng cũng là lợi ích kinh tế của chúng ta. Nếu chúng tôi đưa thứ đó vào một giỏ hàng của Liên minh châu Âu rồi đàm phán với Mỹ, cuối cùng hóa ra chúng tôi cung cấp máy in thạch bản cực tím sâu cho Mỹ, chúng tôi còn tệ hơn”, Liesje Schreinemacher nói với các nhà làm luật tại Quốc hội ở thành phố The Hague (Hà Lan).

Phát ngôn từ Liesje Schreinemacher dường như cho thấy sự phản đối của Hà Lan với việc Mỹ kêu gọi nước này hợp tác về kiểm soát xuất khẩu nhằm làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước và cải thiện khả năng quân sự. Song cuối cùng Hà Lan cũng đồng ý tham gia cùng Mỹ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

ASML Holding NV sản xuất và phân phối máy in thạch bản cực tím cho các hãng sản xuất chip hàng đầu, chẳng hạn TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan). Chế tạo chip tiên tiến cần đến máy in thạch bản cực tím và ASML Holding NV là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất thiết bị này.

Nhà phân tích Pranay Kotasthane (Viện Takshashila) cho biết loạt hạn chế đơn phương Mỹ áp đặt sẽ trở nên vô ích nếu Trung Quốc vẫn mua được thiết bị từ Tokyo Electron Ltd và ASML Holding NV. Đó là lý do Mỹ muốn biến hạn chế đơn phương thành đa phương bằng cách kêu gọi thêm nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan hưởng ứng.

Ngày 6.12, TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan) thông báo xây dựng nhà máy thứ 2 tại bang Arizona và tăng đầu tư vào Mỹ lên 40 tỉ USD.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã đến thăm nhà máy TSMC đang xây dựng trên địa bàn thành phố Phoenix, thủ phủ bang Arizona. Nhà máy thứ 2 được dự kiến bổ sung 28 tỉ USD vào tổng đầu tư của TSMC tại bang Arizona. Hai nhà máy sẽ tạo ra 10.000 công việc cùng 10.000 việc làm xây dựng khác.

TSMC cũng thông báo sẽ sản xuất nhiều loại chip hơn ở nhà máy đầu tiên. Ban đầu công ty Đài Loan chỉ dự định sản xuất chip 5 nanomet tại đây, nhưng sắp tới sẽ làm cả chip 4 nanomet. Nhà máy thứ 2 của TSMC sẽ sản xuất chip 3 nanomet với ba khách hàng đầu tiên dự kiến là Apple, Nvidia và AMD.

Thời báo Hoàn cầu (ấn phẩm thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc) đã gọi khoản đầu tư của TSMC ở bang Arizona (Mỹ) là “một bước ngoặt đen tối” trong ngành công nghiệp bán dẫn. Xem chi tiết tại đây.

Bài liên quan
Báo Trung Quốc: TSMC xây nhà máy mới ở Mỹ ‘bước ngoặt đen tối' cho ngành công nghiệp chip
Thời báo Hoàn cầu đã gọi khoản đầu tư của TSMC ở bang Arizona (Mỹ) là “một bước ngoặt đen tối” trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
17 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc bơm hơn 143 tỉ USD thúc đẩy ngành chip trong nước, cạnh tranh với Mỹ