Tờ Bloomberg News đưa tin Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc cùng với Mỹ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

Nhật, Hà Lan đồng ý tham gia cùng Mỹ kiềm chế Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến

Sơn Vân | 13/12/2022, 08:30

Tờ Bloomberg News đưa tin Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc cùng với Mỹ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

Ngày 7.10, chính quyền Biden đã công bố hàng loạt biện pháp kiềm chế nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip và một số loại chip được sản xuất thông qua thiết bị của Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới sang Trung Quốc.

Ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp, Tokyo Electron Ltd (Nhật Bản) và ASML Holding NV (công ty Hà Lan chuyên gia sản xuất thiết bị in thạch bản cực tím) là hai bên tham gia quan trọng cần thiết để các biện pháp trừng phạt hiệu quả, làm cho việc chính phủ của họ áp dụng các hạn chế trở thành cột mốc quan trọng, Bloomberg News cho biết.

Theo Bloomberg News, các hạn chế mới có thể được công bố trong vài tuần tới.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản không trả lời ngay lập tức câu hỏi của hãng tin Reuters về vấn đề này, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan từ chối bình luận.

Mỹ đã lôi kéo các đồng minh gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập Liên minh Chip 4, một động thái mà Bắc Kinh coi là nỗ lực nhằm loại bỏ vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỹ cũng tăng áp lực lên chính phủ Hà Lan để hạn chế các lô hàng hệ thống in thạch bản từ ASML Holding NV đến Trung Quốc.

ASML là công ty thống trị thị trường thiết bị sản xuất chip tiên tiến độc nhất vô nhị. Cụ thể hơn, ASML là công ty độc quyền toàn cầu trong việc cung cấp các hệ thống in thạch bản cực tím, những chiếc máy lớn có giá từ 160 triệu USD mỗi chiếc và được sử dụng bởi TSMC, Samsung Electronics, Intel... để tạo ra mạch của chip máy tính. Vì thế, ASML Holding NV đã trở thành trọng tâm trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc của chính phủ Mỹ.

Hôm 22.11, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan - Liesje Schreinemacher nói rằng Hà Lan sẽ đưa ra quyết định của riêng mình liên quan đến việc bán thiết bị sản xuất chip từ ASML Holding NV cho Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán về quy tắc thương mại với Mỹ và các đồng minh khác.

Điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ lợi ích của chính mình - an toàn quốc gia, nhưng cũng là lợi ích kinh tế của chúng ta. Nếu chúng tôi đưa thứ đó vào một giỏ hàng của Liên minh châu Âu rồi đàm phán với Mỹ, cuối cùng hóa ra chúng tôi cung cấp máy in thạch bản cực tím sâu cho Mỹ, chúng tôi còn tệ hơn”, Liesje Schreinemacher nói với các nhà làm luật tại Quốc hội ở thành phố The Hague (Hà Lan).

Phát ngôn từ Liesje Schreinemacher dường như cho thấy sự phản đối của Hà Lan với việc Mỹ kêu gọi nước này hợp tác về kiểm soát xuất khẩu nhằm làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước và cải thiện khả năng quân sự. Song cuối cùng Hà Lan cũng đồng ý tham gia cùng Mỹ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

nhat-ha-lan-dong-y-tham-gia-cung-my-kiem-ket-trung-quoc-san-xuat-chip-tien-tien1.jpg
Ngành chip Trung Quốc gặp khó khăn khi Nhật Bản và Hà Lan đồng ý về nguyên tắc cùng với Mỹ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang nước này

ASML Holding NV sản xuất và phân phối máy in thạch bản cực tím cho các hãng sản xuất chip hàng đầu, chẳng hạn TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan). Chế tạo chip tiên tiến cần đến máy in thạch bản cực tím và ASML Holding NV là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất thiết bị này.

Kể từ năm 2019, ASML Holding NV không thể vận chuyển máy in thạch bản cực tím cho Trung Quốc bởi nhiều hạn chế xuất khẩu mà Hà Lan áp đặt.

Mỹ lo ngại nếu ASML Holding NV cung cấp thiết bị cho Trung Quốc, các nhà sản xuất của cường quốc châu Á có thể chế tạo nhiều chip tiên tiến với ứng dụng trí tuệ nhân tạo và quân sự rộng rãi.

Mỹ bắt đầu gây sức ép với Hà Lan từ năm 2018, khi ông Donald Trump còn nắm quyền tổng thống. Năm 2020, Reuters từng đưa tin chính phủ Hà Lan đã rút giấy phép xuất khẩu máy in thạch bản cực tím sang Trung Quốc của ASML Holding NV.

Dưới thời ông Trump, Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thương chiến sau đó dần trở thành cạnh tranh giành ưu thế công nghệ. Trong đó, Mỹ tìm mọi cách cắt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng cho Trung Quốc.

Đối mặt với hàng loạt hạn chế, hãng công nghệ khổng lồ Huawei (Trung Quốc) không có đủ chip để sản xuất smartphone công nghệ tiên tiến, khiến hoạt động kinh doanh mảng này gần như tê liệt. SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc) cũng chịu tác động lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vào tháng 10, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ ra quy định cấm người Mỹ tham gia vào các cơ sở chip tiên tiến ở Trung Quốc. Không lâu sau đó, ASML Holding NV đã yêu cầu nhân viên Mỹ của mình, bao gồm cả những người có thẻ xanh, không được phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho khách hàng ở Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Thứ trưởng Thương mại Mỹ - Alan Estevez cùng quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - Tarun Chhabra trong tháng qua đã làm việc với quan chức Hà Lan.

Nhà phân tích Pranay Kotasthane (Viện Takshashila) cho biết loạt hạn chế đơn phương Mỹ áp đặt sẽ trở nên vô ích nếu Trung Quốc vẫn mua được thiết bị từ Tokyo Electron Ltd và ASML Holding NV. Đó là lý do Mỹ muốn biến hạn chế đơn phương thành đa phương bằng cách kêu gọi thêm nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan hưởng ứng.

Trước đó, Trung Quốc nỗ lực để đảm bảo các nước khác không tuân theo yêu cầu của Mỹ. Trong cuộc họp thượng đỉnh G20 hôm 15.11, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã hối thúc Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte tránh làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Mark Rutte: “Chúng ta phải phản đối việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Nhập khẩu chip của Trung Quốc năm 2022 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 11 tháng tính đến ngày 30.11 do sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất, cuộc chiến công nghệ sâu rộng với Mỹ và những khó khăn kinh tế tiếp tục đè nặng lên thị trường chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

Nhập khẩu vi mạch tích hợp (IC) đã giảm 14,4% xuống còn 498,5 tỉ chiếc trong 11 tháng này, giảm so với mức 582,1 tỉ chiếc trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu công bố hôm 7.12 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Mức giảm đó đã vượt qua mức giảm 13,2% trong 10 tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, tổng giá trị IC nhập khẩu chỉ giảm 1,8% xuống còn 381,2 tỉ USD trong 11 tháng của năm 2022. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã mua chip với chi phí cao hơn, bất chấp việc giảm giá chất bán dẫn trên toàn thế giới do dư cung và nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.

Bài liên quan
Trung Quốc đặt cược vào chip RISC-V để thoát các hạn chế xuất khẩu công nghệ từ Mỹ
Trung Quốc đang đặt cược rằng kiến trúc thiết kế chip nguồn mở có thể giúp nước này đạt được khả năng tự cung tự cấp về chất bán dẫn, khi Mỹ thắt chặt các hạn chế với việc xuất khẩu thiết bị và công nghệ chip tiên tiến cho các thực thể nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật, Hà Lan đồng ý tham gia cùng Mỹ kiềm chế Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến