Cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đưa tin về việc chính quyền cấm truy cập dịch vụ ChatGPT của OpenAI.

Trung Quốc cấm truy cập dịch vụ ChatGPT, cổ phiếu các hãng AI lao dốc

Sơn Vân | 23/02/2023, 14:55

Cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đưa tin về việc chính quyền cấm truy cập dịch vụ ChatGPT của OpenAI.

Các ứng dụng và trang web địa phương được yêu cầu chấm dứt các dịch vụ cho phép sử dụng ChatGPT, theo các câu chuyện trên nhiều ấn phẩm Trung Quốc và nước ngoài trong vài ngày qua. Chatbot AI của công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) không có sẵn chính thức ở Trung Quốc nhưng có thể truy cập được qua mạng riêng ảo (VPN).

Cổ phiếu Beijing Haiti Ruisheng Science Technology Ltd (công ty nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các sản phẩm tài nguyên dữ liệu AI) đã giảm tới 8,5% hôm 23.2.

Cổ phiếu Hanwang Technology Co (công ty tiên phong trong công nghệ nhận dạng ký tự và các sản phẩm tương tác thông minh) giảm hơn 10% sau khi tăng hơn gấp đôi trong tháng qua.

trung-quoc-cam-truy-cap-dich-vu-chatgpt-co-phieu-cac-hang-ai-lao-doc.jpg
Cổ phiếu Beijing Haiti Ruisheng Science Technology Ltd và Hanwang Technology Co lao dốc sau lệnh cấm truy cập dịch vụ ChatGPT của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Lệnh cấm ChatGPT phù hợp với sự ngờ vực từ lâu của Trung Quốc với công nghệ nước ngoài, thể hiện rõ qua việc cấm Twitter và Facebook. Việc này cũng được coi là cơ hội cho các công ty địa phương như Baidu, đang chạy đua để giới thiệu công nghệ liên quan đến AI có thể được chính phủ chấp thuận. Cổ phiếu Baidu đã tăng 1,6% tại Hồng Kông hôm 23.2.

Steven Leung, Giám đốc điều hành UOB Kay Hian Ltd (công ty môi giới hàng đầu châu Á, có trụ sở ở Hồng Kông), nhận xét: “Điều này sẽ rất tích cực với Baidu. Nói rộng hơn, các nhà đầu tư có thể cảnh giác với việc các nhà quản lý Trung Quốc đặt ra nhiều hạn chế hơn cho sự phát triển của AI và công nghệ liên quan đến ChatGPT".

Một số cổ phiếu AI tăng cao đã bắt đầu hạ nhiệt khi Trung Quốc cho công chúng biết về sự không hài lòng của họ với ChatGPT. Đầu tháng 2, tờ Thời báo chứng khoán (Trung Quốc) cảnh báo các nhà đầu tư trong một bài bình luận trên trang nhất rằng đừng mù quáng tham gia vào làn sóng đầu cơ.

ChatGPT có thể giúp chính phủ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch và thao túng các câu chuyện toàn cầu vì lợi ích địa chính trị của họ”, hãng truyền thông nhà nước China Daily viết hôm 20.2 trong bài đăng trên Weibo.

Theo trang SCMP, một số dịch vụ cung cấp quyền truy cập ChatGPT cho người dùng internet Trung Quốc đã bị chặn.

Kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11.2022, hàng chục tài khoản công khai đã xuất hiện trên siêu ứng dụng WeChat của Tencent Holdings, nhúng chatbot của OpenAI thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép hai phần mềm giao tiếp với nhau.

Các tài khoản đó cho phép người dùng ở Trung Quốc sử dụng ChatGPT. Song một số trong đó, gồm Yibai Technology, ChatGPRobot, Shenlan BL và AI Duihua, đã bị vô hiệu hóa, theo trang SCMP.

Yibai Technology đã xóa nút kích hoạt ChatGPT, trong khi chương trình nhỏ của ChatGPRobot đã bị đình chỉ vì “vi phạm luật và quy định có liên quan”.

Shenlan BL và AI Duihua đã thông báo riêng với người dùng vào cuối tuần qua rằng các dịch vụ truy cập ChatGPT của họ không còn khả dụng mà không nêu rõ lý do. Họ yêu cầu người dùng chuyển sang các tài khoản công khai mới cung cấp các dịch vụ tương tự, vẫn hoạt động vào chiều 22.2.

Một số cá nhân cho biết họ gặp phải vấn đề tương tự. Một người dùng giấu tên nói tài khoản WeChat của anh bị chặn vào tuần trước, ba ngày sau khi anh nhúng API ChatGPT. Theo người này, WeChat nói rằng anh chỉ có thể lấy lại quyền truy cập vào tài khoản sau khi hứa sẽ không tùy tiện nhúng API vào tài khoản của mình nữa.

Chính quyền Trung Quốc tăng cường điều tra các dịch vụ giống như ChatGPT và có kế hoạch đóng cửa các proxy trong nước cung cấp quyền truy cập vào chatbot này, theo báo cáo hôm 21.2 của tờ báo địa phương 21st Century Business Herald.

Tencent và Ant Group (chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba) được hướng dẫn không cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ ChatGPT trên nền tảng của họ dù dưới dạng trực tiếp hay thông qua bên thứ ba. Những người có kiến ​​thức về vấn đề đã tiết lộ thông tin này với trang Nikkei Asia.

Các nguồn tin trong ngành công nghệ cho biết họ không ngạc nhiên trước việc Trung Quốc yêu cầu các hãng công nghệ lớn không cung cấp dịch vụ ChatGPT.

"Ngay từ đầu, chúng tôi hiểu rằng ChatGPT không bao giờ có thể xâm nhập vào Trung Quốc do các vấn đề về kiểm duyệt và nước này sẽ cần các phiên bản ChatGPT của riêng mình", một lãnh đạo hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc chia sẻ với trang Nikkei Asia.

Một giám đốc hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc khác nói rằng ngay cả khi không có cảnh báo trực tiếp, công ty của ông sẽ không sử dụng ChatGPT.

Ông nói: “Chúng tôi đã là mục tiêu của cơ quan quản lý Trung Quốc trong bối cảnh ngành công nghệ bị kiểm soát những năm gần đây. Thế nên ngay cả khi không có lệnh cấm như vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ chủ động thêm ChatGPT vào nền tảng của mình vì phản hồi từ nó là không thể kiểm soát được. Chắc chắn sẽ có một số người dùng hỏi chatbot này những câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị, nhưng nền tảng sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả”.

DingTalk, nền tảng cộng tác doanh nghiệp của Alibaba, đã xóa hướng dẫn về cách thêmChatGPT vào các cuộc trò chuyện nhóm, từng được xuất bản vào đầu tháng 2.

Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, hai cơ quan chính của Trung Quốc giám sát lĩnh vực internet, không trả lời ngay lập tức các câu hỏi.

Hai nhà khai thác có tài khoản proxy ChatGPT trên WeChat vẫn hoạt động nói không nhận được bất kỳ thông báo đặc biệt nào từ ứng dụng của Tencent. Dù vậy, một trong những nhà khai thác tài khoản proxy ChatGPT trên WeChat cho biết các nhà quản lý yêu cầu họ không nói chuyện với giới truyền thông.

Cách đây 2 tuần, nền tảng thương mại điện tử Taobao thuộc sở hữu của Alibaba vẫn có hàng trăm danh sách các dịch vụ giúp người dùng Trung Quốc truy cập tài khoản ChatGPT. Các bài đăng tương tự cũng có thể được tìm thấy trên WeChat. Song kể từ ngày 10.2, những danh sách đó trên cả hai nền tảng đã bị xóa, theo trang SCMP.

Hôm 17.2, cảnh sát Bắc Kinh khuyên người dân cảnh giác với tin đồn do ChatGPT tạo ra. Đây là một trong những bình luận đầu tiên mà bộ máy an ninh Trung Quốc đưa ra về chatbot AI của OpenAI đang lan truyền.

Giống như hầu hết sản phẩm internet không thuộc Trung Quốc, ChatGPT không điều chỉnh các cuộc thảo luận chính trị theo quan điểm của Bắc Kinh.

Cảnh sát Bắc Kinh cảnh báo rằng OpenAI không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào hoặc ủy quyền cho bất kỳ công ty nào vận hành ChatGPT ở Trung Quốc. Họ cảnh báo công chúng nên hết sức thận trọng vì chatbot này có thể mang thông tin sai lệch và gây mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Ngoài ra, cảnh sát Bắc Kinh cho biết ngày càng có nhiều sản phẩm kỹ thuật số ở Trung Quốc bắt chước ChatGPT, dụ người dùng sử dụng dịch vụ rồi tính phí cao, trong khi các vụ lừa đảo khác liên quan đến tội phạm nước ngoài sử dụng AI để tạo email lừa đảo nhằm gây hại cho người dùng Trung Quốc.

ChatGPT thú vị và đã lan truyền gần đây, nhưng hãy cẩn thận rằng những kẻ xấu có thể sử dụng điều này để phạm tội và lan truyền tin đồn. Các viện nghiên cứu đã thử nghiệm và phát hiện ra rằng khi được hỏi những câu hỏi liên quan đến âm mưu và gây hiểu lầm, ChatGPT có thể nhanh chóng tạo ra thông tin hấp dẫn mà không trích dẫn nguồn”, một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Cục Công an thành phố Bắc Kinh cho biết.

trung-quoc-cam-truy-cap-dich-vu-chatgpt-co-phieu-cac-hang-ai-lao-doc1.jpg
Một cuộc trò chuyện bằng tiếng Trung với ChatGPT - Ảnh: Getty Images

Trung Quốc từ lâu đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin trực tuyến từ nước ngoài thông qua Great Firewall (tường lửa vĩ đại), hệ thống kiểm duyệt tinh vi và lớn nhất thế giới ngăn chặn Google, Facebook cùng các trang web lớn khác ở nước này. Các hạn chế đã bảo vệ những gã khổng lồ internet trong nước khỏi sự cạnh tranh với đối thủ toàn cầu, giúp họ phát triển mạnh mẽ tại quê nhà.

Khi ChatGPT đạt được sức hút trên toàn cầu, một số công ty Trung Quốc cho biết đang phát triển các đối thủ của riêng mình để cạnh tranh với chatbot này.

Baidu, nhà điều hành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất của Trung Quốc, cho biết đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot vào tháng 3 trước khi đưa chatbot ra công chúng. Trong khi Alibaba cũng cho biết họ đang thử nghiệm một dịch vụ giống ChatGPT.

Những người trong ngành công nghệ cho biết sẽ rất khó để xây dựng phiên bản tiếng Trung của ChatGPT vì sẽ yêu cầu nhiều lớp lọc và xử lý văn bản mà nó tạo ra để vượt qua cơ quan kiểm duyệt internet ở Trung Quốc.

Họ cho biết việc đào tạo một mô hình AI của Trung Quốc cũng sẽ khó khăn hơn vì hệ sinh thái nguồn mở và dữ liệu liên quan bằng ngôn ngữ này ít rộng rãi hơn so với những mô hình được dùng bởi mô hình của Mỹ.

Bài liên quan
Sách điện tử do ChatGPT viết bùng nổ trên Amazon: Từ ý tưởng đến xuất bản chỉ vài giờ
Đến gần đây, Brett Schickler không bao giờ tưởng tượng mình có thể trở thành một tác giả cuốn sách được xuất bản dù từng mơ ước về điều đó. Song sau khi biết về ChatGPT, Brett Schickler nghĩ rằng cơ hội đã đến với mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc cấm truy cập dịch vụ ChatGPT, cổ phiếu các hãng AI lao dốc