Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13.9 cho biết nước này chưa ban hành lệnh cấm mua và sử dụng các thương hiệu điện thoại di động nước ngoài, sau khi truyền thông đưa tin một số cơ quan chính phủ và công ty nhà nước đã yêu cầu nhân viên ngừng dùng iPhone tại nơi làm việc.
“Trung Quốc chưa ban hành luật, quy định hoặc văn bản chính sách cấm mua và sử dụng điện thoại thương hiệu nước ngoài như của Apple”, Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo thường kỳ sau khi được hỏi về các thông tin nêu trên.
Bà cho biết thêm: “Nhưng gần đây chúng tôi nhận thấy rất nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về các sự cố bảo mật liên quan đến điện thoại của Apple. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng thông tin, an ninh mạng và đối xử bình đẳng với cả công ty trong và ngoài nước”.
Reuters gần đây đưa tin rằng Trung Quốc đã mở rộng các hạn chế hiện có với việc sử dụng iPhone của nhân viên nhà nước, yêu cầu lực lượng lao động tại một số cơ quan chính phủ ngừng dùng smartphone của Apple tại nơi làm việc.
Lệnh cấm được cho là trùng hợp với thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời báo hiệu những thách thức ngày càng với Apple, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc để tăng trưởng doanh thu và sản xuất.
Bà Mao Ninh cho biết Trung Quốc hy vọng tất cả công ty điện thoại di động sẽ tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của nước này, cũng như “tăng cường quản lý an ninh thông tin”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phát ngôn trên sau khi Apple trình làng dòng iPhone 15.
Trung Quốc ngày càng khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm công nghệ sản xuất trong nước, vì công nghệ đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia lớn với Trung – Mỹ.
Lệnh cấm iPhone ngày càng gia tăng trong các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khiến các nhân viên văn phòng lo lắng chủ của họ có thể bắt đầu tham gia vào phong trào chống Apple.
Một số cơ quan và công ty nhà nước đang yêu cầu nhân viên ngừng mang các thiết bị của Apple đến văn phòng dù chính phủ Trung Quốc chưa chính thức công bố lệnh cấm như vậy, trang Bloomberg và The Wall Street Journal đưa tin.
Một số nhân viên nói với Bloomberg rằng Trung Quốc có ý định áp dụng những hạn chế này với nhiều doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức liên quan đến chính phủ hơn.
Khi tin tức về lệnh cấm dùng iPhone lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào tuần trước, một số nhân viên văn phòng lo ngại sếp cũng có thể muốn họ ngừng sử dụng iPhone trong bối cảnh có không có bằng chứng cho thấy Mỹ có thể theo dõi người Trung Quốc thông qua các thiết bị của Apple.
Nhiều người đã chia sẻ cảm xúc của mình trên mạng xã hội Weibo.
“Nơi làm việc không cho phép sử dụng thiết bị Apple, vì vậy tôi đã mua một chiếc Redmi để tránh rắc rối”, một người dùng Weibo viết.
"Buồn cười. Nhà tuyển dụng sẽ không cho sử dụng iPhone nữa. Điện thoại tôi mua năm 2018 vẫn không hề bị lag. Chỉ là pin không bền thôi. Đổi sang máy mới phí quá", một người dùng iPhone chia sẻ.
"Các văn phòng không cho phép bạn sử dụng thiết bị Apple nữa. Tôi ghét điều này", một người khác viết.
Những người khác cho hay công ty đã yêu cầu họ mua một chiếc smartphone khác, nhưng không rõ có bao nhiêu người trong số này làm việc tại các công ty nhà nước hoặc tư nhân.
"Nơi làm việc của chồng tôi không cho anh ấy sử dụng iPhone nữa vì sợ rò rỉ thông tin. Anh ấy buộc phải mua một thiết bị địa phương", một người phụ nữ viết và than thở rằng cô không thể tìm thấy Huawei Mate 60 Pro để mua.
Một người khác cho biết vừa xếp hàng để đặt mua một chiếc iPhone mới để làm việc vào cuối tuần qua và viết hôm 11.9: “Hôm nay, tôi đến văn phòng và nghe nói rằng công ty không cho tôi sử dụng điện thoại Apple nữa”.
Blogger Sister Ka viết: "Bạn bị căng thẳng hơn nữa nếu thu nhập của mình không cao". Sister Ka nói rằng cô không còn được phép sử dụng iPhone tại nơi làm việc và xin gợi ý về một chiếc smartphone thứ hai.
Nếu người tiêu dùng ở Trung Quốc đang muốn từ bỏ Apple, Mate 60 Pro của Huawei có thể là sự lựa chọn thay thế. Mate 60 Pro và Pro+ có màn hình và pin lớn hơn dòng iPhone 15 Pro. Smartphone 5G mới của Huawei cũng có camera độ phân giải cao và giá thành thấp hơn so với đối thủ tại Mỹ.
Trong khi đó, blog Digital Tech Boom (có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông) lại cảnh cáo những người phàn nàn về các lệnh cấm. Trang này viết: “Nhân viên có thông tin mật thường phải tuân theo một số yêu cầu về điện thoại. Nếu không thích, bạn có thể thay đổi công việc của mình. Dù vậy, rất nhiều công ty không quan tâm bạn sử dụng điện thoại gì".
Quy mô thực sự từ tác động tiêu cực của lệnh cấm iPhone vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc có hơn 56 triệu nhân viên vào năm 2021 trên 150.000 công ty nhà nước, gồm cả các công ty năng lượng, ngân hàng và tập đoàn xây dựng, theo đài CGTN.
Song ngay cả giữa các cơ quan chính phủ, công ty cá nhân và chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng có xu hướng giải thích và thực thi các lệnh cấm dùng iPhone ở mức độ rất khác nhau.
Trang Nikkei đưa tin rằng ít nhất một công ty liên quan đến nhà nước cũng bắt đầu yêu cầu nhân viên ngừng sử dụng AirPods và Apple Watch tại nơi làm việc.
Apple gần đây đã thống trị thị trường smartphone ở Trung Quốc, với iPhone chiếm 1/4 tổng số điện thoại di động được bán tại nước này trong quý 4/2022, theo công ty nghiên cứu Counterpoint (Hồng Kông).
Báo cáo từ Counterpoint Research cho biết, Samsung Electronics và Apple thống trị thị trường smartphone toàn cầu trong quý 2/2023, đồng thời dẫn đầu phân khúc ĐTDĐ cao cấp khi ngành này chứng kiến doanh số bán hàng trên toàn thế giới giảm trong quý thứ 8 liên tiếp.
Samsung Electronics đứng đầu doanh số smartphone toàn ngành trong quý 2/2023 với 22% thị phần, nhờ hiệu suất mạnh mẽ của dòng Galaxy A toàn cầu. Tuy nhiên, gã khổng lồ Hàn Quốc đã chứng kiến tổng doanh số bán smartphone trong quý 2/2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là công ty có giá trị nhất thế giới, Apple đã ghi nhận thị phần smartphone trong quý 2/2023 cao nhất từ trước đến nay ở mức 17%, theo Counterpoint Research.
Tổng doanh số smartphone toàn cầu của Apple đã giảm 2% trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, sức mạnh của Apple trong phân khúc cao cấp giúp doanh số smartphone ở Ấn Độ tăng trưởng kỷ lục 50% vào quý 2/2023. Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Hiệu suất bán smartphone mạnh mẽ của Samsung Electronics và Apple đã nhấn mạnh rằng phân khúc cao cấp trên thị trường smartphone toàn cầu (giá từ 600 USD) không bị ảnh hưởng như những mẫu máy giá thấp hơn.
Theo Counterpoint Research, hơn 1/5 smartphone được bán trên toàn cầu trong quý 2/2023 thuộc về phân khúc cao cấp. Đây là phân khúc duy nhất tăng trưởng trong giai đoạn này.
Counterpoint Research nhận định: "Thị trường smartphone toàn cầu dường như đã vượt qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng”. Báo cáo cho thấy người tiêu dùng giữ thiết bị của họ lâu hơn do kinh tế tăng trưởng chậm lại, điều này làm giảm nhu cầu cho các smarthone tầm trung và cấp thấp.