Trung Quốc đã đình chỉ hoạt động của lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng quốc tế “Business 20” vào đầu năm 2016, ngay sau khi trở thành chủ tịch của G20.
“Business 20” hay B20 là một lực lượng chống tham nhũng bao gồm các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, được thành lập bởi nhóm các nền kinh tế lớn G20. B20 có nhiệm vụ tăng tính minh bạch trong các hoạt động tài chính ở nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đình chỉ mọi hoạt động của B20 vào cuối tháng 1.2016, khi các công ty của nước này từ chối tham gia.
Trung Quốc hiện là một trong những nước chịu nhiều áp lực về việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến các công ty, sau khi vụ bê bối Panama Papers xảy ra. Vụ bê bối đã tiết lộ cách thức những cá nhân và tổ chức giàu có che dấu tài sản và trốn thuế thông qua “công ty ma”.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc đình chỉ hoạt động của B20 gây ra trở ngại cho nỗ lực của toàn cầu chống lại hoạt động tham nhũng.
Hồi đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc (CCPIT), cơ quan đứng đầu B20 trong năm 2016, đã không đưa ra bất cứ giải thích nào cho việc đình chỉ hoạt động của lực lượng chống tham nhũng, đồng thời từ chối trả lời email, fax và các cuộc điện thoại liên quan. Theo quy ước, hoạt động của B20 sẽ do các công ty thuộc quốc gia giữ chức chủ tịch G20 quyết định.
Các tổ chức quốc tế tại Mỹ và châu Âu cho biết họ không thể thuyết phục được một công ty Trung Quốc nào đảm nhiệm vai trò dẫn đầu trong B20, mặc dù có khoảng 150.000 doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang hoạt động. Một quan chức CCPIT cho biết, một hội nghị chống tham nhũng được tổ chức vào cuối tháng 4.2016 sẽ thay thế cho B20, bất sự phản đối từ các doanh nghiệp quốc tế và tổ chức phi chính phủ.
“Điều này là một dấu hiệu đáng thất vọng về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc, khi không có công ty nào sẵn sàng đảm nhiệm vai trò chống lại hoạt động tham nhũng”, một nguồn tin cho hay.
Trung Quốc đã cố gắng tăng cường hợp tác quốc tế trong chiến dịch “đả hổ đập ruồi”, chống lại các quan chức tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài trước đó. Nhưng một số nước phương Tây đã từ chối hợp tác với các yêu cầu của Bắc Kinh, khi cho rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm các vấn đề nhân quyền và từ chối cung cấp những bằng chứng buộc tội đối với những người được yêu cầu dẫn độ.
Một số thành viên trong B20 vẫn tiếp tục công việc của mình với hy vọng Đức, chủ tịch tiếp theo của G20, sẽ khôi phục mọi hoạt động chống tham nhũng và B20.
Hàn Giang(theoReuters)