Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn.

Trung Quốc dừng thông quan qua cửa khẩu Cốc Nam, DN cần lưu ý gì?

Tuyết Nhung | 28/08/2021, 14:20

Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn.

Vụ Thị trường Á - Phi (Bộ Công Thương) cho biết chính quyền TP.Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 27.8 đã thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu phụ Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam) từ 18 giờ ngày 26.8 để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 khu vực biên giới.

cuakhau120520-158929516632774798576.jpg
Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Internet

Thời gian khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh và nhu cầu thông quan hàng hóa qua khu vực này. Theo thống kê của tỉnh Lạng Sơn, đến cuối ngày 26.8, cửa khẩu Cốc Nam không còn tồn xe hàng nào chờ xuất khẩu đi Trung Quốc.

Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tới các doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu phụ Cốc Nam để dừng đưa hàng lên cửa khẩu Cốc Nam.

Để giữ cho hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với UBND các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng xây dựng phương án điều tiết phương tiện di chuyển qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn hoặc tới các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như Tà Lùng (phía Trung Quốc là Thủy Khẩu) và Trà Lĩnh (phía Trung Quốc là Long Bang). Các cửa khẩu này hiện vẫn thông quan bình thường.

Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp.

Ngoài ra, cơ quan này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần coi trọng xuất khẩu chính ngạch. Thực tiễn cho thấy vào những thời điểm khó khăn nhất, các cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế vẫn thông quan bình thường.

Riêng đối với nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để tránh làm gia tăng chi phí, giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan, hạn chế xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

Thời gian gần đây, phía Trung Quốc luôn siết chặt quản lý, hạn chế thông quan hàng hóa với các biện pháp như các loại hàng nông sản khi đến cửa khẩu đều phải chuyển từ xe đông lạnh sang xe không đông lạnh, chờ hàng hết lạnh mới cho chuyển sang xe tải nhỏ vận chuyển qua biên giới.

Từ ngày 18.8 vừa qua, phía Trung Quốc cũng đã yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch.

Theo đó, Trung Quốc không cho tài xế và chủ hàng đưa xe hàng của Việt Nam sang mà phải giao xe hàng để tài xế của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, họ sẽ đưa xe không ra bãi trao trả.

Quy định trên đã phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như phát sinh một số rủi ro.

Bài liên quan
Thực hư việc Trung Quốc dừng thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh
Bộ Công Thường vừa lên tiếng trước thông tin Trung Quốc đột ngột dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc dừng thông quan qua cửa khẩu Cốc Nam, DN cần lưu ý gì?