Trong khi những chiếc xe tăng đời mới như Armata của Nga hay Altay của Thổ Nhĩ Kỳ đang thu hút sự chú ý của thế giới, Trung Quốc đã lặng lẽ chế tạo một khẩu pháo, với khả năng xuyên giáp đủ mạnh để hạ gục các “siêu tăng” kể trên.
Trang tin PopSci hôm 20/6 cho biết Học viện nghi lễ số 127 thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh của Trung Quốc đã chuyển một khẩu pháo cỡ nòng 125mm cho các sĩ quan thuộc Quân giải phóng Trung Quốc, trong một sự kiện diễn ra vào ngày 10/6/2015.
Khẩu pháo với đạn bay nhanh gấp 6 lần âm thanh
Học viện nói rằng đây là một khẩu pháo đa năng đời mới, có tầm bắn xa nhất, tốc độ lớn nhất và sức xuyên phá mạnh nhất so với các loại pháo 120/125mm khác trên thế giới.
Cụ thể, khẩu pháo có vận tốc đầu nòng lên tới 2.000 mét/giây hay (tức hơn gấp 6 lần tốc độ âm thanh, vốn chỉ là 340,2 mét/giây) khi sử dụng đạn xuyên thép thoát vỏ ổn định bằng cánh (APFSDS). Sơ tốc đầu nòng lớn khiến viên đạn bay nhanh tới mục tiêu, giúp nó có khả năng xuyên phá và chống mục tiêu di động rất tốt.
Để so sánh, đạn APFSDS bắn từ pháo 125mm thông thường do Trung Quốc sản xuất hiện có vận tốc đầu nòng là 1700 m/ giây, trong khi pháo L55 của Đức có vận tốc đầu nòng 1.750m/ giây khi bắn cùng loại đạn. Đạn APFSDS thuộc loại M829A3 của Mỹ có vận tốc đầu nòng chỉ 1.555m/ giây.
Khẩu pháo mới có thể đạt được tốc độ bắn lớn kể trên nhờ chiều dài nòng pháo lớn, tại đó tỷ lệ chiều dài nòng pháo so với cỡ đạn lên tới ít nhất 60:1. Trong khi đó, khẩu pháo xe tăng 120mm dài nhất đang hoạt động trong quân đội Đức cũng chỉ có tỷ lệ 55:1. Pháo cũng sử dụng viên đạn cỡ lớn hơn, khiến nó chứa nhiều thuốc phóng hơn.
Đơn cử như nằm ở giữa nòng pháo là một thiết bị ngăn hơi thuốc bay trở ngược lại đầu nhét đạn. Thiết bị này thường chỉ dùng trên xe tăng, pháo tự hành, để ngăn khí độc tích tụ trong không gian khép kín và khiến tổ lái bị ngộ độc, đồng thời làm hỏng pháo. Ngoài ra, hệ thống giảm giật được tối ưu hóa cho hoạt động bắn trực xạ (để tiêu diệt xe tăng), thay vì bắn cầu vồng như ở pháo bình thường.
Nếu được gắn lên trên xe tăng, đây sẽ là vũ khí diệt tăng rất lợi hại. Ngoài việc có nòng dài, làm tăng sơ tốc, khả năng xuyên phá của khẩu pháo mới còn tăng lên nhờ chỉ sử dụng một viên đạn duy nhất, thay vì đạn 2 thành phần như đang sử dụng trên các loại xe tăng gắn pháo 125mm của Trung Quốc, gồm ZTZ-99 và ZTZ-96.
Đạn 2 thành phần chỉ có thanh xuyên dài 650mm nên sức xuyên phá cũng yếu hơn so với đạn 125mm đời mới, với thanh xuyên dài đến 1.200mm. Ngoài ra, viên đạn mới sẽ cho phép gắn thanh xuyên có đường kính lớn hơn, giúp tăng sức xuyên phá, trong khi vẫn giữ cỡ đạn tiêu chuẩn là 120 - 125mm.
PopSci cho biết pháo 125mm đời mới sẽ được gắn lên một loại xe tăng mới của Trung Quốc. Có khả năng chiếc xe này sẽ phải chuyển hệ thống nạp đạn tự động ra phía sau tháp pháo, không để ở trong tháp pháo như xe ZTZ-99. Chiều dài của pháo này cũng có nghĩa xe tăng tương lai của Trung Quốc sẽ khó xoay sở trong không gian đô thị chật hẹp. Tuy nhiên sức mạnh của nó thì không thể coi thường.
Hiện các thông tin về khẩu pháo mới đã bị xóa bỏ khỏi trang web của Đại học Sư phạm Bắc Kinh |
Nhiều khả năng khẩu pháo còn đóng vai trò cung cấp hỏa lực hỗ trợ bộ binh của Trung Quốc muốn tấn công vào vị trí đối phương. Nguồn tin Trung Quốc nói rằng khẩu pháo có tầm bắn xa tới 40km. Tuy nhiên cơ chế giảm giật và điều kiện không gian chật hẹp của tháp pháo xe tăng khiến cho nó khó có thể đạt được góc nâng lớn và bắn xa như Trung Quốc công bố.
Điều khiến câu chuyện quanh khẩu pháo mới trở nên hay ho hơn là tới ngày 14/6, toàn bộ thông tin về nó đã bị xóa sạch khỏi trang web của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho thấy giới chức Trung Quốc muốn phủ bức màn bí mật lên nó. Mặc dù vậy, với những thông tin đã được tiết lộ, khẩu pháo mới của Trung Quốc vẫn để lại ấn tượng không nhỏ.
Có thể thấy, trong khi tập trung đầu tư vào các công nghệ mới như rô bốt, máy bay điều khiển từ xa, xương máy, tên lửa thông minh, Trung Quốc còn tiến hành nhiều cải tiến công nghệ quân sự hiện nay như xe tăng và pháo binh.
Tường Linh/ Thể thao & Văn hóa