Máy bay ném bom B-52 Mỹ chọc tức Trung Quốc, sau một sự cố “không cố tình”, theo lời các quan chức quốc phòng Mỹ.
Báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 18.12 dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc, rằng họ đang điều tra, sau khi TQ phàn nàn hai chiếc B-52 bay tuần tra biển Đông đã bay trong khu vực 12 hải lý của bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
WSJ nêu bãi đá Châu Viên cách phía nam đảo Hải Nam của TQ những 1.000km. Từ giữa năm 2014, hoạt động cải tạo đất của TQ đã mở rộng bãi này thêm 230.000 mét vuông, gồm 2 bãi đáp trực thăng, có thể đã bố trí ụ pháo hoặc tên lửa, cùng 2 tháp radar, theo Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, ở Washington).
Người phát ngôn Bill Urban của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành các chương trình bay tuần tra của B-52, nhưng không có kế hoạch đưa B-52 bay vào khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Châu Viên.
Ông cho biết người TQ đã cảnh báo chiếc B-52 khi nó bay, nhưng không có dấu hiệu quân đội đưa chiến đấu cơ lên chặn.
Từ năm 2004, Mỹ đã tiến hành chương trình bay tuần tra định kỳ của B-52-cất cánh từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam đến khắp vùng châu Á - Thái Bình Dương nhằm chứng minh Mỹ quyết tâm bảo vệ an ninh khu vực.
Bộ Quốc phòng TQ nói cả 2 chiếc B-52 ngày 10.12 “bay trái phép vào vùng trời quanh các đảo và bãi đá”của Trường Sa, nhưng không nói vùng nào.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ |
Chuyến bay “không cố tình” của B-52 vào lúc căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, liên quan vụ xây đảo nhân tạo trên biển Đông của TQ, trong khi Mỹ có những hoạt động thách thức tuyên bố độc chiếm biển Đông vô lý của TQ.
TQ đã tuyên bố tôn trọng quyền tự do hàng hải, nhưng lại khẳng định chủ quyền của họ trên biển Đông “không ai có thể cãi được”. TQ cũng nói các đảo nhân tạo nhằm mục đích dân sự, như dự báo thời tiết chẳng hạn, và cũng để phòng thủ.
Cuối tháng 10.2015, khu trục hạm USS Lassen trang bị tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hai chiếc B-52 cũng bay sát gần các đảo nhân tạo vào ngày 12.11, nhưng không đi vào vùng 12 hải lý.
TQ đã phản ứng mạnh, gọi đó là hành vi “hết sức vô trách nhiệm”. TQ đã bồi đắp Đá Xubi trong năm qua. Trước đó, bãi đá này thường ngập dưới nước khi nước biển dâng.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), giới hạn 12 hải lý không được thừa nhận xung quanh những đảo nhân tạo được bồi đắp từ những bãi đá nửa chìm dưới nước.
Theo WSJ, Mỹ hiện ráng duy trì quan hệ ổn định với TQ, đồng thời phản ứng với sức ép từ các đồng minh châu Á của Mỹ, Lầu Năm Góc và quốc hội Mỹ cho rằng phải xử lý sự hung hăng quân sự gần đây của Bắc Kinh.
Ngày 16.12,Bắc Kinh cũng phản đối việc Mỹ thông qua thỏa thuận bán vũ khí trị giá 1,83 tỉ USD cho Đài Loan vốn bị TQ xem là một tỉnh hải ngoại.
TQ cũng vừa tập trận hải quân trên biển Đông, gồm tàu ngầm và chiến đấu cơ “tấn công giả tàu chiến địch bằng tên lửa hành trình”.
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong vụ tranh chấp biển Đông nhưng các quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, nói Mỹ sẽ đưa tàu chiến, máy bay đến bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)