Hãng tin Nikkei đã đưa ra báo cáo từ kết quả phân tích ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng các cơ sở thử nghiệm hạt nhân ở Tân Cương.

Trung Quốc mở rộng cơ sở thử nghiệm hạt nhân tại Tân Cương?

Hoàng Vũ | 01/08/2022, 13:45

Hãng tin Nikkei đã đưa ra báo cáo từ kết quả phân tích ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng các cơ sở thử nghiệm hạt nhân ở Tân Cương.

Bắc Kinh đã tạm dừng các vụ thử hạt nhân khu vực này cách đây gần 20 năm. Sau khi quan sát các bức ảnh vệ tinh với một số chuyên gia, hãng tin Nikkei khẳng định Trung Quốc đang tăng cường các vụ thử hạt nhân tại đây.

Theo Nikkei, căn cứ vào ảnh chụp do vệ tinh bay phía trên khu vực bãi thử Lop Nur 450km phát hiện, nhiều mái che đã được dựng lên tại một sườn núi gần Lop Nur, một hồ nước mặn khô cạn nằm ở khu vực đông nam của Tân Cương, trong khi những tảng đá vỡ được chồng chất gần đó. Những dấu hiệu này được cho là bằng chứng cho thấy có hoạt động đào thêm đường hầm thứ 6 để phục vụ hoạt động thử nghiệm hạt nhân bên dưới.

hat-nhan-1.png
Các cơ sở dường như đã được nâng cấp ở bãi thử Lop Nur tại Tân Cương, Trung Quốc. Số 1 là đường hầm thứ 6, số 2 là các cơ sở hậu cần và hỗ trợ, số 3 là cơ sở truyền tải điện - Ảnh: Planet Labs

Bên cạnh đó, khu vực này gần đây cũng được lắp đặt thêm các đường dây tải điện và xây mới một cơ sở có thể được dùng làm kho chứa chất nổ có sức công phá mạnh trong khi những con đường đất màu trắng không trải nhựa tỏa ra nhiều hướng xuất phát từ một đồn chỉ huy. Nhiều nhà phân tích tin rằng khu vực thử hạt nhân bí mật này do quân đội Trung Quốc đảm bảo an ninh.

"Trung Quốc có thể tiến hành các vụ thử liên quan đến hạt nhân bất cứ lúc nào, đặc biệt vì hệ thống đường điện và đường sá hiện đã kết nối các cơ sở thử nghiệm hạt nhân quân sự phía tây của Lop Nur với các khu vực thử nghiệm mới ở phía đông", một chuyên gia giấu tên tại All Source Analysis, một công ty không gian địa lý tư nhân của Mỹ, nói với Nikkei.

hat-nhan-2.png
Khu vực thử nghiệm hạt nhân trên bản dồ - Ảnh: Nikkei

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự ngang hàng với Mỹ vào giữa thế kỷ 21.

Trung Quốc có 2,04 triệu quân nhân. Mặc dù đó đã là lực lượng thường trực lớn nhất trên thế giới, lớn hơn gấp 1,5 lần so với Mỹ, nhưng lực lượng này có thể không tuyển đủ quân trong tương lai do một số chính sách tuyển quân lỗi thời cùng với sự thiếu hào hứng của giới trẻ trong việc nhập ngũ, một sĩ quan quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu cho biết. Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số cộng với tỷ lệ sinh giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tuyển quân của Trung Quốc.

hat-nhan-3.png
Quá trình già hóa dân số cộng với tỷ lệ sinh giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tuyển quân của Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, hệ thống quân sự của Trung Quốc vẫn còn xuất hiện tình trạng tham nhũng và binh lính Trung Quốc hiện cũng chưa có được nhiều kinh nghiệm thực chiến.

Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang tính đến việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nhưng cuộc chiến tại Ukraine đã đưa ra một lời cảnh báo về những rủi ro có thể mắc phải, đặc biệt là đối với những thiếu sót nghiêm trọng về chất lượng trang thiết bị quân sự của Nga. Nga hiện là nhà cung cấp cho Trung Quốc hơn 66% khí tài quân sự nhập khẩu.

Do đó, thực hiện các vụ thử vũ khí hạt nhân có thể phù hợp với tất cả những tính toán này. Trung Quốc đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất tại Lop Nur, lần gần đây nhất vào năm 1996. Và rất có thể, một đường mới đã được đào lên để nối lại kế hoạch lần thứ 6.

Cũng có một số bằng chứng đáng kể được thu thập trong các phiên đấu thầu các thiết bị quân sự và bức xạ. Vào tháng 4, một trang web mua sắm chính thức của Trung Quốc đã mời thầu "10 thiết bị báo động liều bức xạ", "12 bộ quần áo bảo hộ" và "một máy phát hiện chấn thương". Đây dường như là một phần của "dự án giám sát khẩn cấp các tai nạn hạt nhân và bức xạ”. Các lời mời do Quân đoàn Sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC), một tổ chức bán quân sự thuộc quyền quản lý bởi đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mặc dù không có nhà máy điện hạt nhân nào ở Khu tự trị Tân Cương, XPCC cho biết họ sẽ "coi năm 2022 là năm khởi đầu cho việc tăng cường năng lực giám sát phóng xạ”.

Trước đó, các vệ tinh đã phát hiện có hoạt động san ủi đất ở Lop Nur vào tháng 10.2020. Xe tải lui tới khu vực này trong năm 2021 và cơ sở hạ tầng điện dành cho đường hầm số 6 được xây dựng trong nửa đầu năm 2022. Tháng 6, kho chứa thuốc nổ được hoàn tất. Sự gia tăng bức xạ đã được báo cáo trong vùng lân cận cùng với những phát hiện này. Các nhà phân tích nhận định, một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất có thể được sử dụng để phóng thử tên lửa.

“Ông Tập dường như đang ngăn sự can thiệp của Mỹ vào eo biển Đài Loan bằng cách đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ", Nobumasa Akiyama, giáo sư tại Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản), người nghiên cứu về an ninh Đông Á, nói với Nikkei.

Nếu có tình huống khẩn cấp ở eo biển Đài Loan, kiểm soát hàng hải tất nhiên sẽ là vấn đề then chốt. Các vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ với khả năng tấn công hạn chế có thể cho phép Trung Quốc cầm chân hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) Mỹ.

Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc “đã rất cũ” kể từ khi các cuộc thử nghiệm cuối cùng được tiến hành và cần có dữ liệu mới cho thế hệ vũ khí hạt nhân mới nhất trước khi triển khai chúng.

hat-nhan-4.png
Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ - Ảnh: Reuters

Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ một "thế giới không có hạt nhân", Mỹ được cho đã tiến hành các vụ thử hạt nhân vào tháng 6 và tháng 9.2021. Bằng cách nắm giữ hơn 1/4 số đầu đạn hạt nhân trên thế giới, Mỹ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc và Nga về vũ khí hạt nhân.

Việc ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể sẽ giảm xuống khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phát triển các thiết bị nhỏ hơn. Michiru Nishida, giáo sư tại Đại học Nagasaki cho biết: "Một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan có thể làm tăng nguy cơ Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ”.

Trong một báo cáo hồi tháng 6, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cũng cảnh báo rằng nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng đang ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh lạnh vào nửa sau thế kỷ 20.

Bài liên quan
Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc mở rộng cơ sở thử nghiệm hạt nhân tại Tân Cương?