Đại sứ quán Trung Quốc mới đây đã lên tiếng phản đối việc chính phủ Úc quyết định cung cấp nơi trú ẩn cho hàng ngàn người Hồng Kông và chấm dứt hiệp ước dẫn độ với đặc khu của Trung Quốc.

Trung Quốc phản pháo việc Úc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

09/07/2020, 18:00

Đại sứ quán Trung Quốc mới đây đã lên tiếng phản đối việc chính phủ Úc quyết định cung cấp nơi trú ẩn cho hàng ngàn người Hồng Kông và chấm dứt hiệp ước dẫn độ với đặc khu của Trung Quốc.

Quan hệ Trung - Úc đang xấu đi trong thời gian gần đây - Ảnh: Reuters

"Trung Quốc rất lấy làm tiếc và phản đối mạnh mẽ những cáo buộc vô căn cứ cũng như các biện pháp mà chính phủ Úc công bố liên quan đến Hồng Kông", phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Canberra cho biết trong một tuyên bố hôm 9.7.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng chỉ trích Úc "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và can thiệp thô bạo" vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. "Chúng tôi kêu gọi phía Úc ngay lập tức dừng mọi việc can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông", tuyên bố nêu rõ.

Phản ứng này được đưa ra sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo nước này sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ những người Hồng Kông đang sống ở nước này nhằm đáp trả việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia dành riêng cho đặc khu của Trung Quốc.

Trong buổi họp báo ngày 9.7, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết chính phủ nước này đã đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông và sẽ cấp thị thực tạm thời với thời hạn lên tới 5 năm cho khoảng 10.000 người Hồng Kông để họ có thể tiếp tục ở Úc. Ngoài ra, Canberra cũng sẽ tạo điều kiện cấp tình trạng thường trú nhân cho người Hồng Kông hiện ở Úc bằng thị thực sinh viên hoặc lao động tạm trú.

Ông Morrison cho biết chính phủ Úc đã thông báo cho chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông về những động thái này. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Úc khuyến cáo công dân Úc tại Hồng Kông về nguy cơ "bị giam giữ tùy tiện" ở Trung Quốc theo luật an ninh quốc gia "đầy mơ hồ".

Đáng chú ý, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cũng cho biết các đối tác an ninh trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) của Úc, gồm Mỹ, Anh, Canada và New Zealand đã thảo luận các động thái của Trung Quốc tại Hồng Kông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước đã lên tiếng chỉ trích luật an ninh mà Trung Quốc vừa áp đặt tại Hồng Kông, đồng thời tuyên bố giới hạn thị thực một số quan chức Trung Quốc có liên quan đến luật này.

Còn Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters nói rằng nước này cũng đang xem xét mối quan hệ với Hồng Kông do luật an ninh mới, bao gồm hiệp ước dẫn độ, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa chiến lược và khuyến cáo đi lại.

Canada cũng đã thông báo sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, đồng thời sẽ xem xét việc cho phép người dân Hồng Kông nhập cư sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới. Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne tuyên bố chính phủ nước này cũng sẽ không cho phép xuất khẩu các mặt hàng quân sự nhạy cảm sang Hồng Kông.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng "việc kích hoạt và áp dụng Luật an ninh mới là sự vi phạm rõ ràng, nghiêm trọng với tuyên bố chung Trung - Anh" do đó, Anh sẽ cân nhắc việc cho phép những người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại Anh đến Anh sinh sống, làm việc và nộp đơn xin nhập tịch.

Đài Loan mới đây cũng đã khai trương văn phòng hỗ trợ những người Hồng Kông rời khỏi đặc khu và muốn chuyển đến sống ở Đài Loan.

Dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng các mối quan hệ ngoại giao đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây trong bối cảnh Úc cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các cuộc tấn công mạng và cố gắng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính quyền Canberra.

Những động thái trên của Canberra được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh leo thang trong thời gian qua kể từ khi Thủ tưởng Scott Morrison cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.

Bắc Kinh gần đây cũng đã hạn chế thương mại với Canberra khi áp mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc và đình chỉ nhập khẩu từ 4 nhà sản xuất nông nghiệp Úc, đồng thời khuyến cáo người dân Trung Quốc không đến Úc, cũng như cảnh báo du học sinh nước này cân nhắc rủi ro khi học tập tại Úc.

Hoàng Vũ (theo AFP, Reuters)

Bài liên quan
Người Nhật đau đầu đối phó với nạn cát vàng đến từ Trung Quốc
Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc phản pháo việc Úc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông