Một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Trung Quốc đã phóng thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 41 hôm 22.11, và loại vũ khí tấn công hạt nhân này được cho là có thể chỉ mất 30 phút để bay tới tấn công lãnh thổ Mỹ, Canada và châu Âu.
Nhưng người phát ngôn của Bộ và của Sứ quán Trung Quốc đều từ chối bình luận về vụ phóng thử này.
Trong khi đó, một blogger chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tên là Henri Kenhmann (điều hành blog “Quả Lắc Phương Đông”) đưa tin vụ phóng thử giả định đã xảy ra lúc 18 giờ 30 tối 22.11 (giờ Trung Quốc) và có thể quả DF-41 được phóng từ một bãi phóng ở vùng tây bắc Trung Quốc, sau đó nó rơi xuống một vùng hẻo lánh thuộc sa mạc Gobi.
Kenhmann viết: “Vùng ảnh hưởng tương tự vùng ảnh hưởng từ các lần thử DF-41 hồi tháng 12.2016; tháng 11.2017 và hồi tháng 1 và tháng 5.2018”.
Theo các nhà phân tích quân sự, DF-41 được cho là có thể mang theo từ 10-12 đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn 14.000km có thể tấn công mọi mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Hãng tin AP dẫn lời các nhà phân tích nói loại vũ khí này có thể bay đến Mỹ trong 30 phút.
Quả ICBM lưu động phóng từ trên bộ DF-41 là một phần trong nỗ lực xây dựng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, vốn gồm nhiều loại tên lửa ICBM, tầm trung, thiết bị lướt siêu thanh, các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cùng một loại máy bay ném bom chiến lược mới.
Hồi đầu năm 2019, Trung tướng Robert Ashley Jr, lãnh đạo Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) nói Trung Quốc đang trên đà tăng gấp đôi kho VKHN. Ông mô tả đấy là “sự mở rộng và đa dạng hóa nhanh nhất các loại VKHN trong lịch sử Trung Quốc”.
Một dấu chỉ về tầm cỡ của chương trình này là nhiều lần phóng thử tên lửa. Tướng Ashley còn nói: “Năm ngoái, Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo để thử nghiệm và huấn luyện nhiều hơn số lần phóng thử của tất cả các nước khác”.
Khi giải trình trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy của Bộ chỉ huy quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) nói Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ phóng thử tên lửa hạt nhân, gồm quả DF-41.
Theo báo Washington Times ngày 25.11, một quan chức giấu tên thuộc Lầu Năm Góc nói đây là vụ phóng quả tên lửa DF-41 đầu tiên kể từ tháng 5.2018 của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Một tuần trước vụ phóng này, Trung Quốc cũng phóng thử Đông Phong 31, một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũ hơn và có tầm bay ngắn hơn, và là một phần trong kho vũ khí hạt nhân (VKHN) ngày càng tăng của Trung Quốc.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng quả DF-41 đã được triển khai, dựa trên sự xuất hiện của 16 quả DF-41 ở cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh ngày 1.10.2019, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Lúc đó, các quan chức Bắc Kinh tuyên bố loại tên lửa mới nhất này là thành phần chính trong nỗ lực Trung Quốc đối đầu với Mỹ.
Vẫn theo Washington Times, trước đây Trung Quốc sử dụng những vụ phóng thử tên lửa nhằm phát tín hiệu “hù dọa” Mỹ. Ví dụ vụ phóng quả DF-41 hồi năm 2017 đã diễn ra hai ngày trước khi Tổng thống Donald Trump thăm Trung Quốc. Tương tự, vụ thử quả JL-3 trùng hợp chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tạm quyền lúc đó là ông Patrick M. Shanahan, người đến châu Á nhằm đề cập mối đe dọa từ Trung Quốc.
Cách đây 2 tuần, báo cáo hàng năm của Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung trình Quốc hội Mỹ cũng nêu: Trung Quốc đang thúc đẩy chủ trương duy trì một khả năng “răn đe hạt nhân” ở mức tối thiểu.
David Santoro, nhà nghiên cứu và là chủ nhiệm mảng chính sách hạt nhân ở Diễn đàn Thái Bình Dương, đã báo cáo với Ủy ban trên rằng với việc triển khai thêm DF-41, “Trung Quốc hiện sở hữu một kho vũ khí có nhiều khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ hơn bao giờ hết”, đồng thời nhấn thêm rằng Trung Quốc đang “tăng cường đáng kể khả năng này”.
Rick Fisher, một chuyên gia về các vấn đề quân sự ở Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế (Mỹ) nói vụ phóng thử quả DF-41 là lần phóng thử thứ 11 của loại tên lửa này kể từ năm 2012.
Ông còn cảnh cáo vụ phóng thử quả Đông Phong 31 đã chỉ ra việc Bắc Kinh đang phát triển một loại tên lửa mới: quả DF-31AG vốn cũng được phô trương tại cuộc duyệt binh ngày 1.10. Quả này cũng được cho là được dàn trên một dàn phóng lưu động trên bộ để có thể phóng từ nhiều vị trí, giúp tăng khả năng “sóng sót” của nó trong một cuộc chiến tranh.
Ông Fisher nói: “Khi quí vị xét khả năng Trung Quốc triển khai 3 hoặc 4 loại ICBM như DF-41, DF-5B và DF-5C, thì hiện chúng ta có thể chứng kiến một giai đoạn phát triển nhanh chóng trong số đầu đạn hạt nhân mà PLA có thể dùng để tấn công người Mỹ”.
Đấy là chưa kể loại tên lửa đạn đạo Cự Lãng (JL-3) phóng từ tàu ngầm hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm sơ bộ, theo ông Fisher.
Trong quá khứ, tên lửa hạt nhân Trung Quốc chỉ có thể gắn một đầu đạn lớn. Cho đến tháng 11 này, cuộc phóng thử tên lửa tầm xa gần đây nhất được Trung Quốc công bố là vụ phóng quả JL-3 hồi tháng 6.2019. Quả ICBM này được thiết kế để dàn trên tàu ngầm chạy bằng hạt nhân, khi chiến lược của PLA là mở rộng khả năng răn đe hạt nhân từ trên bộ qua trên biển.
Quả JL-3 có thể tung ra một cuộc tấn công hạt nhân vào bất kỳ nước nào trên thế giới, từ chiếc tàu ngầm Type 032 lớp Thanh. Nó có tầm bay khoảng 9.000km trong khi quả JL-2 có tầm bay 7.000km. Nhưng JL-3 (Cự Lãng có nghĩa “Sóng Lớn”) chưa thể bì với khả năng bay 12.000km của tên lửa Trident II của Mỹ và tên lửa đạn đạo Bulava phóng từ tàu ngầm của Nga.
Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm chạy bằng hạt nhân, mỗi chiếc có thể mang 16 quả JL-2, nhưng kiểu tàu ngầm Type 096 thế hệ mới sẽ có thể mang tối đa 24 quả JL-3, theo báo cáo hàng năm về khả năng quân sự của Trung Quốc mà Lầu Năm Góc báo cáo với Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, hải quân Mỹ có 18 tàu ngầm lớp Ohio chạy bằng hạt nhân, với 14 chiếc có khả năng mang tối đa 24 tên lửa Trident I.
Mỹ Trinh (theo Washington Times)