Theo CNBC, giới chức Trung Quốc đã hoàn thiện bộ quy định quản lý cách các công ty công nghệ sử dụng thuật toán – công cụ đứng sau thành công của nhiều “ông lớn” ngành này.
Bộ quy định chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1.3, sẽ giúp giới chức Trung Quốc quản lý chặt ngành công nghệ hơn nữa.
Thuật toán đóng vai trò rất quan trọng với nhiều hoạt động của công ty – từ giúp đề xuất mặt hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử, tính toán thời gian giao hàng cho đến đề xuất nội dung trên nền tảng mạng xã hội. Giới đầu tư đang chờ xem bộ quy định mới ảnh hưởng ra sao đến loạt “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như Alibaba hay Tencent, cũng như cách cơ quan chức năng Trung Quốc thực thi luật.
Bộ quy định có vài điểm đáng chú ý như: các công ty không được sử dụng đề xuất thuật toán để làm điều vi phạm luật pháp Trung Quốc, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia; dịch vụ đề xuất thuật toán cung cấp thông tin phải xin cấp phép và không cung cấp tin giả; các công ty phải thông báo cho người dùng nguyên tắc cơ bản, mục đích và cơ chế vận hành chính của dịch vụ đề xuất thuật toán; người dùng có quyền chọn không dùng dịch vụ đề xuất thuật toán, xóa thẻ được sử dụng để hỗ trợ các thuật toán đề xuất; các công ty phải tạo điều kiện cho việc sử dụng an toàn dịch vụ đề xuất thuật toán cho người lớn tuổi, bảo vệ họ khỏi gian lận và lừa đảo.
Chuyên gia Kendra Schaefer, thuộc đơn vị tư vấn Trivium China đánh giá: “Loạt thay đổi trên phản ánh một số mối lo ngại lớn nhất của xã hội Trung Quốc hiện nay: kiểm soát nội dung trực tuyến, khủng hoảng dân số già, tính minh bạch của các “ông lớn” công nghệ, hành vi phi cạnh tranh. Giới chức nước này muốn “đi trước đón đầu” tương lai, nơi thuật toán bị sử dụng để ăn mòn đoàn kết xã hội và làm trầm trọng thêm loạt vấn đề của thị trường”.
Công ty vi phạm sẽ bị phạt từ 10.000 - 100.000 Nhân dân tệ (1.570 - 15.740USD). Nhưng việc thực thi quy định có thể tạo ra xung đột giữa cơ quan quản lý với công ty công nghệ, vì để phát hiện vi phạm thì cơ quan quản lý phải kiểm tra các mã đằng sau thuật toán.
“Thuật toán là bí mật thâm sâu nhất của các công ty, là tài sản quý giá nhất, để chính phủ tìm hiểu sâu sẽ đem lại vấn đề. Vậy cơ quan quản lý tiếp cận được đến mức nào? Ngay cả khi được truy cập, họ có đảm bảo nội dung đó không xuất hiện nữa không?”, theo chuyên gia Schaefer.
Chuyên gia Ziyang Fan thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận xét, bộ quy định quá bao quát và nặng tính kỹ thuật, nên quá trình thực thi sẽ là quá trình học hỏi của cả cơ quan quản lý lẫn công ty công nghệ.