Trong nỗ lực trở thành siêu cường toàn cầu, Trung Quốc thường xuyên vướng vào tranh chấp lãnh thổ với láng giềng và bất chấp luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, họ còn nhắm đến một khu vực có hệ thống luật lệ chưa hoàn chỉnh, ít đối thủ cũng như ít nhận phải sự chú ý hơn: Bắc cực.
Bắc Kinh đánh giá tình trạng băng tan tại Bắc cực tạo điều kiện thuận lợi. Nước này bắt đầu thúc đẩy tăng ảnh hưởng bằng cách mở ra nhiều tuyến thương mại mới, thăm dò dầu khí lẫn tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu.
Cường quốc châu Á không có biên giới nằm trong hay giáp Vòng bắc cực (vĩ tuyến 66 độ 33 phút Bắc). Điều này gây ra bất lợi về mặt chính trị so với 8 thành viên Hội đồng Bắc cực bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển cùng Mỹ.
Các nền kinh tế nhỏ như Iceland hay Na Uy xem chuyện Trung Quốc ngày càng quan tâm khu vực này là cơ hội, trong khi những bên có lợi ích chiến lược (Nga, Canada) lại giữ thái độ cảnh giác. Theo chuyên gia Marc Lanteigne đến từ đại học Massey: “Nhìn chung thì mọi người đều chấp nhận cho Trung Quốc góp mặt tại đây. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về ý định của nước này”.
Con đường tơ lụa Bắc cực
Trong Sách trắng về chính sách với Bắc cực công bố đầu năm nay, Trung Quốc tự nhận mình là “quốc gia gần Bắc cực” có hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái bị ảnh hưởng bởi tình hình khu vực này.
Văn kiện này còn giới thiệu chi tiết về “Con đường tơ lụa Bắc cực” nhưmột phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Chuyên gia Lanteigne lưu ý một số quốc gia Bắc Âu bị nỗ lực thương mại này thu hút.
Quan điểm xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi chính là thông điệp mà Bắc Kinh sử dụng để trấn an Hội đồng Bắc cực, vốn e sợ cường quốc châu Á lặp lại những hành động phi pháp và đầy tính khiêu khích ở Biển Đông ngay tại vùng cực bắc Trái Đất.
Vì lợi ích kinh tế - chính trị
Trung Quốc trong Sách trắng tuyên bố mong muốn nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu để giải quyết những vấn đề môi trường toàn cầu. Nhưng nhiều người hoài nghi điều thực sự thúc đẩy cho tham vọng của họ chính là sức hấp dẫn về kinh tế lẫn chính trị khi thống trị được một vùng giàu tài nguyên như vậy.
Tiến sĩ Rachael Gosnell thuộc đại học Maryland ước tính Bắc cực nắm giữ 1/3 lượng khí đốt tự nhiên trên thế giới cùng với 13% trữ lượng dầu toàn cầu, là khu vực tràn đầy tiềm năng kinh tế.
Nhiều tuyến vận tải mới khi băng tan do hiện tượng ấm lên cũng là thứ thu hút Trung quốc. Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) từng dự đoán Bắc cực có khả năng không có băng trong vài tháng mùa hè vào giữa thể kỷ này. Theo chuyên gia Lanteigne, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn đạt vị thế tranh giành được tài nguyên tại đây.
Cường quốc châu Á không ngừng tăng cường năng lực bản thân. Nước này vào tháng 9 bắt đầu đóng tàu phá băng thứ hai mang tên Tuyết Long-2, dự kiến có chuyến thám hiểm đầu tiên trong nửa đầu năm 2019.
Trung được, Mỹ mất
Nhà nghiên cứu Harriet Moynihan thuộc đơn vị nghiên cứu Chatham House đánh giá Trung Quốc rất nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào Bắc cực trong giai đoạn tại đây ít đối thủ cạnh tranh lẫn luật lệ.
Mối quan tâm ngày càng tăng của Bắc Kinh còn trùng với thời điểm Mỹ thiếu quan tâm khu vực này, do chính quyền Tổng thống Donald Trump không ưu tiên đến chuyện biến đổi khí hậu.
Sau Thế chiến thứ 2 Washington sở hữu đến 7 tàu phá băng, nhưng đến năm 2018 chỉ còn 2 chiếc đang hoạt động (1 trong số này đã quá lỗi thời).
Chính quyền ông Barack Obam từng theo đuổi một chiến lược giúp Mỹ duy trì vị thế cường quốc tại Bắc cực, nhưng đến nay không rõ chiến lược đã đi về đâu.
“Bắc cực không nằm trong danh sách ưu tiên thời chính quyền Trump, nên Trung Quốc đẩy nhanh thực thi chính sách Bắc cực”, chuyên gia Lanteigne nhận định.
Nga chắc chắn là quốc gia hoạt động tại Bắc cực năng động nhất. Họ có hơn 40 tàu phá băng và không muốn nước khác phát triển khu vực này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều trừng phạt từ phương Tây, Moscow quyết định xây dựng quan hệ tốt với Bắc Kinh, hợp tác chiếm lĩnh Bắc cực.
Cẩm Bình (theo CNN)