Nguồn tin quân sự của tờ SCMP (Hồng Kông) nói rằng quân đội Trung Quốc đang nâng cấp các căn cứ tên lửa, triển khai tên lửa siêu thanh tiên tiến nhất DF-17 gần Đài Loan. Chuyên gia nhận định gì về động thái này của Trung Quốc?
Trích lời một nguồn tin quân sự giấu tên, tờ SCMP cho biết các căn cứ tên lửa trên bờ biển Phúc Kiến và Chiết Giang (Trung Quốc) - hai tỉnh gần với Đài Loan - đã được nâng cấp và trang bị tên lửa siêu thanh tiên tiến nhất DF-17.
"Tên lửa siêu thanh DF-17 sẽ dần thay thế các tên lửa DF-11 và DF-15 cũ đã được triển khai ở khu vực đông nam trong nhiều thập kỷ. Tên lửa mới có tầm bắn xa hơn và có thể bắn trúng mục tiêu chính xác hơn", nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết vì tính nhạy cảm của chủ đề này.
Có tầm bắn tối đa 2.500 km, DF-17 trình làng trong lễ duyệt binh Ngày Quốc khánh Trung Quốc 1.10.2019, để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo Andrei Chang, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Kanwa có trụ sở tại Canada, các hình ảnh vệ tinh cho thấy cả các căn cứ của Lực lượng Thủy quân Lục chiến và Lực lượng Tên lửa ở tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông (Trung Quốc) đã mở rộng trong những năm gần đây.
"Mọi lữ đoàn tên lửa ở Phúc Kiến và Quảng Đông hiện đã được trang bị đầy đủ. Quy mô của một số căn cứ tên lửa ở Bộ tư lệnh miền Đông và miền Nam thậm chí đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây, cho thấy Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đang đẩy mạnh chuẩn bị cho một cuộc chiến nhằm vào Đài Loan", Andrei Chang nói.
Khi được yêu cầu bình luận, cơ quan phòng vệ Đài Loan nói với truyền thông địa phương rằng các lực lượng vũ trang của hòn đảo nắm được toàn bộ việc triển khai và diễn tập của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Dựa trên dữ liệu tình báo, giám sát và trinh sát, quân đội Đài Loan đã thực hiện các biện pháp phòng vệ thích hợp.
Trong khi đó, Su Tzu-yun, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính quyền Đài Loan tài trợ, nói với hãng thông tấn CNA (Đài Loan) rằng DF-17 có thể được sử dụng để tấn công hòn đảo này. Song với tầm bắn xa của chúng, tên lửa có thể được triển khai nhiều hơn như một vũ khí tấn công chống lại các tàu sân bay và căn cứ của Mỹ, hơn là Đài Loan, theo Su Tzu-yun.
Su Tzu-yun nhận định, nhiều khả năng việc triển khai DF-17 nhằm ngăn chặn các tàu chiến Mỹ tiến vào eo biển Đài Loan và can thiệp vào một cuộc chiến xuyên eo biển.
Bày tỏ quan điểm tương tự Su Tzu-yun, Qi Yue-yi, chuyên gia quân sự Đài Loan về các vấn đề của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói với CNA rằng Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ sử dụng một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung với đầu đạn thông thường, như DF-11 và DF-15, tấn công Đài Loan.
Về các phương án đáp trả của Đài Loan với DF-17, Su Tzu-yun cho biết Trạm radar Lạc Sơn cảnh báo sớm sẽ có thể phát hiện tên lửa trong giai đoạn bay lên, trong khi hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo RIM-161 Standard III và PAC-3 có thể đánh chặn và diệt tên lửa đang bay tới.
Hiện Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chỉ có khoảng 100 tên lửa DF-17, nhưng dự kiến sẽ tăng cường sản xuất và triển khai trong những năm tới, Su Tzu-yun nói. Trong khi đó, quân đội Đài Loan đang phát triển một hệ thống vũ khí laser có khả năng đánh chặn tên lửa.
Quan hệ xuyên eo biển trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Tiến bộ Dân chủ trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan vào tháng 5.2016.
Vài tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực đưa các khí tài quân sự của họ vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan và qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, khi Mỹ - Đài đang thảo luận về hợp tác quân sự và chính trị gần gũi hơn.