Đài Loan tìm cách tăng cường sự hiện diện quốc tế trong khi tránh bị Trung Quốc tấn công.

‘Lằn ranh đỏ' của Trung Quốc với Đài Loan khi Biden nói Trump mềm mỏng với Bắc Kinh

Nhân Hoàng | 16/10/2020, 10:55

Đài Loan tìm cách tăng cường sự hiện diện quốc tế trong khi tránh bị Trung Quốc tấn công.

Tháng 12.2016, Tổng thống Donald Trump báo hiệu một bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Đài Loan khi trả lời cuộc gọi từ bà Thái Anh Văn để chúc mừng ông về chiến thắng trong cuộc bầu cử. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979, một tổng thống Mỹ hoặc tổng thống đắc cử đã trực tiếp nói chuyện với nhà lãnh đạo Đài Loan.

Việc phá vỡ giao thức này đã khiến Trung Quốc tức giận vì luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình.

Đài Bắc đã tận dụng lợi thế của căng thẳng thương mại, công nghệ và an ninh Mỹ - Trung do ông Trump gây ra, tâm lý chống Trung Quốc gia tăng trên toàn cầu và khai thác thành công để thúc đẩy cả nền kinh tế địa phương lẫn quan hệ quốc tế nhờ sớm chế ngự được đại dịch COVID-19.

Với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn chưa đầy một tháng nữa, vẫn chưa rõ liệu Đài Loan và Mỹ có duy trì sự hợp tác gần gũi hơn để chống lại Trung Quốc hay không nếu ông Joe Biden thắng Donald Trump.

Các chuyến thăm chính thức, bán vũ khí và các động thái tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ dưới thời ông Trump đã nâng cao vị thế quốc tế của Đài Loan. Song, việc vượt qua "lằn ranh đỏ" của Trung Quốc, Đài Loan có nguy cơ bị trả thù dưới hình thức cô lập ngoại giao, trả đũa kinh tế và hành động quân sự.

Tháng trước, chuyến thăm cấp cao thứ hai của một quan chức Mỹ (Keith Krach - Thứ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế) tới Đài Loan trong vòng hai tháng khiến Trung Quốc tức tối và huy động 19 máy bay quân sự băng qua đường trung tuyến nhạy cảm trên eo biển Đài Loan, buộc Đài Bắc phải điều máy bay chiến đấu để đáp trả.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, nhận định: “Đài Loan phải đối mặt với thách thức này khi muốn củng cố an ninh, thịnh vượng kinh tế, nâng cao tiếng nói của mình trong cộng đồng quốc tế, nhưng đồng thời không muốn gặp rủi ro bị Trung Quốc tấn công. Đài Loan sẽ phải đối mặt với những thách thức này bất kể ai được bầu làm Tổng thống Mỹ. Ngay cả khi có thêm áp lực từ Trung Quốc, có thể đến dưới nhiều hình thức khác nhau, thì đó cũng là điều mà Đài Loan phải hứng chịu”.

Tâm lý chống Trung Quốc, được ông Trump hâm nóng và khai thác, đã thúc đẩy sự ủng hộ với Đài Loan của Mỹ.

Bonnie Glaser cho biết, người Mỹ, bao gồm cả trong Quốc hội, nhận thức rõ hơn bao giờ hết các giá trị, nền dân chủ và tự trị của Đài Loan: "Chúng tôi thực sự đang ở điểm cao trong sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan".

Bonnie Glaser nói Mỹ chiếm một "danh mục độc nhất" trong cách họ sẵn sàng đặt lợi ích của mình vào rủi ro để hỗ trợ Đài Loan.

Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Mỹ có nghĩa vụ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, mặc dù không đưa ra lời đảm bảo chính thức nào để can thiệp trong trường hợp có xung đột.

Doanh số bán vũ khí cho Đài Loan đã được tăng lên dưới thời ông Trump, đạt 12,42 tỉ USD. Ngoài ra, một thỏa thuận mới trị giá 7 tỉ USD bao gồm mìn biển, tên lửa và máy bay không người lái - những vũ khí tối tân mà Đài Loan cần để tự vệ trước đối thủ có ngân sách quân sự gấp 10 lần là Trung Quốc - đã được báo cáo vào tháng trước.

Người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, Barack Obama, chỉ chủ trì bán vũ khí trị giá 8,67 tỉ USD cho Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình và hủy bỏ việc bán máy bay phản lực F-16 vào năm 2011.

Từng được coi là thân thiện với Trung Quốc nhưng ông Biden trong chiến dịch tranh cử của mình đã có lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, cam kết ủng hộ các biện pháp trừng phạt nặng hơn nữa với Trung Quốc vì các cuộc đàn áp quyền tự do ở Hồng Kông và coi Trump là ứng cử viên mềm mỏng hơn với Trung Quốc?!

Sự ủng hộ cho chiến thắng của ông Trump hoặc Biden gần như bị chia rẽ ở Đài Loan với nhiều nhóm khác nhau ủng hộ từng ứng cử viên. Một cuộc khảo sát của tạp chí Newsweek (Mỹ) do công ty thăm dò Redfield & Wilton Strategies có trụ sở tại London thực hiện vào tháng 7 cho thấy, 29% cư dân ở Đài Loan nói rằng họ thích Biden nhậm chức vào tháng 11, trong khi 26% chọn Trump. Khoảng 44% cho biết không có ứng viên ưa thích.

Dù vậy, Đài Loan theo truyền thống vẫn ủng hộ các chính quyền của đảng Cộng hòa vì sẽ nhận được nhiều hơn vũ khí từ Mỹ.

lan-ran-do-cua-trung-quoc-voi-dai-loan-khi-biden-noi-trump-mem-mong-voi-bac-kinh.jpg
Đài Loan đã được hưởng lợi từ các chính sách của Tổng thống Trump, nhưng cư dân hòn đảo bị chia rẽ về việc nên ủng hộ ông Trump hay Biden

Bonnie Glaser cho biết: Nếu làm Tổng thống Mỹ, Biden có thể có những cách tiếp cận khác nhau và một số hành động có thể ít thể hiện hơn, nhưng Đài Loan sẽ vẫn là một đối tác quan trọng của Mỹ. Có một yếu tố ở đây mà chúng tôi không thể đánh giá được. Đó là Tập Cận Bình dễ bị tổn thương như thế nào với Đài Loan, nếu ông ấy bị coi là quá mềm yếu, không làm đủ để bảo vệ chủ quyền, chúng tôi có thể buộc ông ấy ra tay không?".

Đài Loan với TSMC (nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới) đã vượt qua cuộc chiến thương mại. Các đơn đặt hàng xuất khẩu sang cả Trung Quốc và Mỹ đều tăng do thuế quan của cả hai bên đang gây ra một cuộc cải tổ trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Ngân hàng Đài Loan dự báo nền kinh tế hòn đảo này sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, bất chấp nhiều nơi khác rơi vào cuộc suy thoái do coronavirus gây ra.

Roy Chun Lee, Phó giám đốc điều hành của Trung tâm WTO & RTA tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua (Đài Loan), nói: “Các công ty Đài Loan có khả năng linh hoạt để thích ứng với các tình huống cung và cầu mới. Bà Thái Anh Văn cũng đã đảm bảo các khoản đầu tư trị giá 38 tỉ USD kể từ khi cam kết thu hút các công ty quay trở lại hòn đảo vào năm 2019 bằng các khoản vay được chính quyền hỗ trợ và nhượng quyền cho thuê. Cách an toàn nhất để phản ứng với sự không chắc chắn của cuộc chiến thương mại là trở về nhà hoặc ở nhà”.

Vào tháng 8, bà Thái Anh Văn đã loại bỏ một rào cản lớn với hiệp định thương mại song phương với Mỹ bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm với một số sản phẩm thịt lợn và thịt bò có chứa ractopamine - chất phụ gia gây tranh cãi giúp tăng cường độ nạc. Điều này gây ra phản ứng dữ dội ở Đài Loan về an toàn thực phẩm.

Một thỏa thuận thương mại giữa Đài Loan với Mỹ có khả năng là một trong những "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh và đe dọa quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vốn chiếm hơn 40% tổng thương mại của hòn đảo này.

Chih-yung Ho, Phó giám đốc các vấn đề quốc tế của Quốc Dân đảng ở Đài Loan (đối lập với Đảng Dân Tiến cầm quyền do bà Thái Anh Văn lãnh đạo), nói với trang Nikkei rằng những lợi ích từ mối quan hệ gần gũi hơn của Mỹ chỉ là "dịch vụ trên bờ môi". Ông cảnh báo Đài Loan đang trở thành "con tốt giữa hai cường quốc".

Các nhà kinh tế cũng cảnh báo lợi ích của một thỏa thuận thương mại song phương có thể bị phóng đại vì cả Đài Loan và Mỹ đều đánh thuế quan thấp với nhau.

Ông Biden ủng hộ các thỏa thuận đa phương và có khả năng sẽ theo đuổi việc gia nhập lại Thỏa thuận Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Đây là thỏa thuận mà ông Trump đã rút khỏi khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1.2017.

lan-ran-do-cua-trung-quoc-voi-dai-loan-khi-biden-noi-trump-mem-mong-voi-bac-kinh-hinh-anh.jpg
Tổng thống Donald Trump phản ứng khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên vào ngày 29.9 tại thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio - ảnh: AP

Chính quyền Đài Loan và nhiều nhà quan sát không tin rằng xung đột toàn eo biển sắp xảy ra. Song, các cựu quan chức hàng đầu Mỹ đã vẽ ra một tình huống xấu nhất, trong đó Trung Quốc lợi dụng sự hỗn loạn vì tranh chấp sau cuộc bầu cử  của Mỹ để xâm chiếm Đài Loan.

Bonnie Glaser cho biết động thái khiêu khích tiếp theo của Trung Quốc có thể là điều máy bay trực tiếp qua đảo. Đài Loan có quyền hạ máy bay Trung Quốc như một biện pháp phòng thủ, có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn. Nếu Đài Loan bỏ qua thì sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục gây hấn với mức độ lớn hơn.

Bà Thái Anh Văn đã cam kết tránh xung đột.  "Nếu Bắc Kinh có thể chú ý đến tiếng nói của Đài Loan, thay đổi cách họ xử lý các mối quan hệ xuyên eo biển và cùng nhau tạo điều kiện cho hòa giải và đối thoại hòa bình xuyên eo biển, tôi tin rằng căng thẳng khu vực chắc chắn có thể được giải quyết", bà Thái Anh Văn nói trong bài phát biểu nhân ngày Song Thập hôm 10.10.

Jessica Drun, một thành viên không thường trú tại Viện nghiên cứu Dự án 2049 (Mỹ), lý giải: “Nguyên nhân của các hành động khiêu khích là ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã leo thang căng thẳng với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử, thậm chí trước khi chính quyền của bà thắt chặt thêm mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây khác".

Kolas Yotaka, phát ngôn viên văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan, nói với trang Nikkei: “Xây dựng một mạng lưới kinh tế mạnh mẽ với các quốc gia như Mỹ, thắt chặt hơn hợp tác trong mọi lĩnh vực, khiến Trung Quốc khó bắt nạt chúng ta hơn về mặt quân sự. Hiện tại, cả hai bên đều ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường hợp tác Đài Loan - Mỹ và chúng tôi tin tưởng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục bất kể kết quả của cuộc bầu cử này như thế nào”.

Lằn ranh đỏ là thuật ngữ dùng để chỉ về một giới hạn, ranh giới vô hình được vạch ra nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua đó vì có nguy cơ phải đối diện với sự trừng phạt hoặc hậu quả bất lợi.



Bài liên quan
Trung Quốc bị tố đặt điều vì phát phim tài liệu ‘người Đài Loan đến Hồng Kông hỗ trợ biểu tình’
Đài Loan chỉ trích Trung Quốc sau khi truyền hình nước này phát sóng đoạn phim tài liệu cho thấy một công dân Đài Loan thú nhận đến Hồng Kông để hỗ trợ những người biểu tình chống chính quyền ở đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Lằn ranh đỏ' của Trung Quốc với Đài Loan khi Biden nói Trump mềm mỏng với Bắc Kinh