Quyết định của Nhật Bản xả nước thải từ lò phản ứng hạt nhân Fukushima đã gây ra một chiến dịch lên án kéo dài, dẫn đầu là Trung Quốc với việc Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh lên tiếng bị quấy rối hôm 29.8.

Trung Quốc và Nhật căng thẳng vụ xả nước thải phóng xạ ra biển

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 30/08/2023, 13:59

Quyết định của Nhật Bản xả nước thải từ lò phản ứng hạt nhân Fukushima đã gây ra một chiến dịch lên án kéo dài, dẫn đầu là Trung Quốc với việc Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh lên tiếng bị quấy rối hôm 29.8.

Theo Newsweek, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết một viên gạch được ném vào đại sứ quán nước này ở thủ đô Trung Quốc, các công dân Nhật ở Trung Quốc cũng đang bị quấy rầy.

Các nhân viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc cho biết họ đang bị nhiều cuộc gọi điện thoại xuất phát từ bên trong lãnh thổ Trung Quốc để quấy rối, dù các cá nhân và tổ chức ở Nhật Bản không liên quan đến vụ xả nước nhiễm phóng xạ. Đại sứ quán Nhật Bản đã kêu gọi giới chức Trung Quốc nên có hành động nghiêm khắc với những hành vi này theo pháp luật.

fukusshima1.jpg
Các bể chứa nước thải đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima chụp từ trên cao - Ảnh: AFP

Theo hãng tin Jiji Press của Nhật Bản, trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều đoạn video cho thấy người dùng mạng ở Trung Quốc đang gọi điện quấy rầy các số điện thoại ở Nhật Bản để phản đối việc xả nước nhiễm phóng xạ. Trong khi đó, một "danh sách đen" các sản phẩm của Nhật Bản được lan truyền trên mạng khiến người dân Trung Quốc hạn chế mua mỹ phẩm và các hàng hóa khác từ Nhật Bản.

Văn phòng thị trưởng địa phương ở Fukushima - nơi xả nước thải nhiễm phóng xạ ra biển - cho biết họ đã nhận được 200 cuộc gọi làm phiền trong hai ngày.

Trong cuộc họp báo hôm 29.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Trung Quốc bảo vệ và đảm bảo sự an toàn cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước ngoài tại Trung Quốc theo luật pháp. Bất chấp sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, chính phủ Nhật Bản đã đơn phương xả nước nhiễm phóng xạ ra biển khiến nguồn nước bị ô nhiễm, làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Đây là nguyên nhân sâu xa của tình hình hiện nay".

“Để đối phó với hành động sai trái ích kỷ và vô trách nhiệm của Nhật Bản, Trung Quốc và các bên liên quan khác có quyền và trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa hợp pháp, hợp lý và cần thiết để bảo vệ môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân”, ông Uông nói thêm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cùng ngày đưa tin các cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh tại Nhật Bản là mục tiêu của những kẻ quấy rối.

Tờ China Daily hôm 29.8 cho biết, Wu Jianghao, đặc phái viên hàng đầu của Bắc Kinh tại Tokyo, đã đưa ra "những tuyên bố nghiêm túc về các phiền toái mà Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Nhật Bản phải gánh chịu".

“Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc đã nhận được một số lượng lớn các cuộc điện thoại quấy rối từ Nhật Bản, điều này đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động bình thường của chúng tôi”, ông Wu cho hay.

Trung Quốc trước đó áp lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản có nguồn gốc từ toàn bộ tỉnh thành của Nhật sau khi Tokyo ngày 24.8 bắt đầu xả 1,34 triệu tấn nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển. Đây là lượng nước dùng để làm mát lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong thảm họa kép động đất và sóng thần hồi năm 2011.

Về phần mình, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi 29.8 nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ thực hiện những hành động cần thiết theo nhiều hướng khác nhau để phản đối việc Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu hải sản, trong đó có khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bộ trưởng An ninh Kinh tế Nhật Bản Sanae Takaichi cho biết, việc nộp đơn khiếu nại lên WTO có thể được thực hiện nếu biện pháp phản đối qua con đường ngoại giao không hiệu quả.

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng phản ứng về hành vi xả thải của Nhật Bản.

Bộ Đại dương Hàn Quốc đã xét nghiệm phóng xạ nước ở vùng biển gần Hàn Quốc và cho kết quả an toàn để sinh hoạt. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm ở các địa điểm khác nhau cho thấy hàm lượng Caesium và Tritium (một đồng vị phóng xạ của hydro) vẫn dưới mức tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra đối với nước uống. Chính phủ Hàn Quốc hiện tăng cường hệ thống quản lý phóng xạ đối với hải sản.

Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 24.8 cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động của Nhật Bản, cho rằng nó gây nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng an ninh và tương lai nhân loại và yêu cầu Tokyo ngừng xả nước thải ra biển.

Đáp lại, Bộ Môi trường Nhật Bản cuối tuần trước cho biết các cuộc kiểm tra nước biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima không phát hiện bất kỳ chất phóng xạ nào. Nhật Bản cho rằng nước mà họ thải ra Thái Bình Dương an toàn vì đã được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ Tritium. Vì Tritium khó tách nước nên nước từ Fukushima đã được pha loãng cho đến khi nồng độ Tritium giảm xuống dưới mức quy định.

Trong cuộc họp trực tuyến với phía Nhật Bản hôm 25.8, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi khẳng định, IAEA đã lấy mẫu xét nghiệm chất thải từ Fukushima và xác minh rằng mức chất phóng xạ Tritium thấp hơn nhiều so với giới hạn.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy mẫu và giám sát độc lập cho đến khi hoàn thành các xét nghiệm. Chúng tôi sẽ ở đó cho đến khi xả hết giọt cuối cùng”, ông Grossi nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc và Nhật căng thẳng vụ xả nước thải phóng xạ ra biển