Ở thời điểm hiện tại, khi sức ép lên hệ thống tài chính ngân hàng của Trung Quốc đang trở nên ngày càng lớn, thì những mặt trái của những gói kích thích tăng trưởng vốn đã đem lại vinh quang cho Bắc Kinh vài năm trước mới bắt đầu được nói đến nhiều hơn.

Trung Quốc và những hệ lụy của căn bệnh kích thích tăng trưởng

Nhàn Đàm | 28/07/2017, 08:38

Ở thời điểm hiện tại, khi sức ép lên hệ thống tài chính ngân hàng của Trung Quốc đang trở nên ngày càng lớn, thì những mặt trái của những gói kích thích tăng trưởng vốn đã đem lại vinh quang cho Bắc Kinh vài năm trước mới bắt đầu được nói đến nhiều hơn.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lên cao trào vào thời điểm năm 2009-2010, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đồng thời duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng đã nhận được khá nhiều lời tán tụng sau đó: tung ra các gói kích thích tài chính để tăng tổng cầu của nền kinh tế nội địa.

Tuy nhiên, điều ít người biết hơn về câu chuyện này, đó là việc Trung Quốc đã thực hiện giải pháp kích thích tài chính theo một cách hơi khác so với giải pháp nổi tiếng được nhà kinh tế học John Maynard Keynes đề xuất: khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Những khoản vay khổng lồ đã được các ngân hàng Trung Quốc thực hiện cho rất nhiều doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân của nước này. Phần lớn các khoản vay này được tài trợ bằng việc phát hành các sản phẩm quản lý tài sản (WMP).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi sức ép lên hệ thống tài chính ngân hàng của Trung Quốc đang trở nên ngày càng lớn, thì những mặt trái của những gói kích thích vốn đã đem lại vinh quang cho Bắc Kinh vài năm trước mới bắt đầu được nói đến nhiều hơn. Một bài báo nghiên cứu mới được công bố của nhà kinh tế học Viral Acharya, Jun Qian và Zhishu Yang đã cung cấp khá nhiều thông tin về những gì đã xảy ra cách đây 7-8 năm.

Theo đó, 4 ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu của nhà nước bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABOC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (CBOC) theo lệnh của Bắc Kinh đã thực hiện các chương trình cho vay quy mô lớn khi cuộc khủng hoảng đang đe dọa nền kinh tế nước này. Cụ thể, tăng trưởng cho vay của nhóm 4 ngân hàng này trong vòng 2 năm 2009-2010 là khoảng 7.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1.000 tỉ USD.

Điều này khiến cho các ngân hàng nhỏ hơn trong hệ thống tài chính của Trung Quốc phải chịu những sức ép lớn. Để duy trì tỷ lệ cho vay theo quy định, các ngân hàng phải tăng tỷ lệ huy động tiền mặt từ các hộ gia đình trong xã hội Trung Quốc, và họ thực hiện điều này chủ yếu bằng cách đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn và các ưu đãi khác. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các ngân hàng, thậm chí khiến họ buộc phải tìm kiếm các nguồn tài chính khác để bù vào, do không thể đẩy lãi suất huy động lên quá cao vì điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định.

Câu trả lời cho bài toán của các ngân hàng Trung Quốc trong vấn đề này là WMP, được phát hành một cách gián tiếp thông qua các giao dịch trung gian không chịu sự kiểm soát mà cụ thể là các ngân hàng ma. Sự cạnh tranh huy động tiền gửi từ người dân giữa các ngân hàng càng lớn, thì càng nhiều WMP được phát hành.

Những tác giả của bài báo nghiên cứu – Acharya và các cộng sự, đã đưa ra một số bằng chứng để chứng minh cho những hệ lụy nghiêm trọng của quá trình này. Khi tỷ lệ cho vay của ngân hàng tăng trưởng mạnh, lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng lênvà điều này khiến cho giá cổ phiếu của các ngân hàng bắt đầu sụt giảm. Những ngân hàng nào càng phát hành nhiều WMP, thì giá cổ phiếu của ngân hàng đó càng giảm mạnh. Nói cách khác, chính WMP đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, đó không phải là cách kích thích kinh tế độc đáo duy nhất đã được Chính phủ Trung Quốc thực hiện. Câu hỏi đặt ra là: phần lớn các gói kích thích tài chính trị giá lên tới 1.000 tỉ USD đó đã rơi vào tay ai? Một bài báo nghiên cứu khác của nhà kinh tế học Lin Cong và Jacopo Ponticelli mới đây đã chỉ ra rằng: phần lớn các gói kích thích tài chính đã rơi vào tay các công ty nhà nước có năng suất thấp và kém hiệu quả.

Từ năm 2.000 đến năm 2008, mọi thứ trong ngành công nghiệp Trung Quốc có vẻ như đã đi đúng hướng. Các khoản vay tiếp tục được dịch chuyển từ các công ty kém hiệu quả sang những công ty có năng suất cao hơn, và từ khu vực doanh nghiệp nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân. Đó là một dấu hiệu tích cực của một nền kinh tế lành mạnh.

Tuy nhiên, những biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới của Bắc Kinh kể từ sau năm 2008, mà cụ thể là các gói kích thích tài chính, đã đảo ngược xu thế lành mạnh này. Lin Cong và Ponticelli cho biết các công ty nhà nước bắt đầu chiếm một tỷ lệ lớn trong việc giành được các khoản cho vay từ các ngân hàng, hầu hết trong số đó là những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thấp hơn nhiều – nói cách khác là hiệu suất và doanh thu kém cỏi.

Tiền chảy vào các công ty kém hiệu quả luôn là tin xấu xét về khía cạnh điều hành nền kinh tế. Và giờ đây nó đang biến thành sức ép nặng nề lên hệ thống tài chính của Trung Quốc, do những công ty vay chủ yếu là có năng suất thấp dẫn tới việc khả năng trả nợ cũng thấp. Chất lượng các khoản vay thấp vì thế đã dẫn đến những rủi ro cho hệ thống tài chính tăng lên.

Dĩ nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng đang nhận thức được những rủi ro này và tìm kiếm những giải pháp cải thiện tình hình. Chẳng hạn như việc Bắc Kinh yêu cầu chuyển đổi các khoản nợ thành cổ phiếu và cho phép ngân hàng trở thành cổ đông trong công ty của con nợ. Tuy nhiên, những giải pháp như vậy đang có quá ít, và có vẻ như cũng đang quá trễ nữa.

Trong vòng hơn 7 năm qua, những khoản nợ tích tụ từ những khoản vay khổng lồ đang lớn đến mứcvượt khả năng kiểm soát, có thể đẩy Trung Quốc vào một giai đoạn tăng trưởng trì trệ do thiếu hụt nguồn vốn, thậm chí kịch bản xấu nhất là nước này có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc và những hệ lụy của căn bệnh kích thích tăng trưởng