Giới chức trách của ít nhất 3 tỉnh của Trung Quốc đã yêu cầu các cặp vợ chồng nộp đơn xin ly hôn nên trải qua một đợt kiểm tra đặc biệt. Đây là biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ ly hôn ngày một tăng của nước này.
Bài kiểm tra giúp tìm hiểu xem quan hệ hai vợ chồng tại sao phai nhạt, và liệu có thể cứu vãn được hay không. Các cặp đôi sẽ trả lời các câu hỏi như “Kỷniệm ngày cưới của các bạn là ngày nào?”, hay “Những khoảnh khắc bên nhau ngọt ngào nhất là gì?”.
Lưu Xuân Linh, một cán bộ phụ trách công tác đăng ký tình trạng hôn nhân tại thành phố Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, cho biết biện pháp này sẽ giúp giảm những cuộc ly hôn do bốc đồng nhất thời. Theo cán bộ này, bài kiểm tra đem lại thời gian cho các cặp vợ chồng bình tĩnh lại và hồi tưởng những khoảnh khắc trong cuộc sống hôn nhân của mình, phản ánh vai trò lẫn trách nhiệm của từng người.
Bài kiểm tra hoàn toàn mang tính tự nguyện, có tổng điểm là 100. Những cặp đôi đạt trên 60 điểm được đánh giá có cơhội cứu vãn.
Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (CGTN) từng đưa tin về trường hợp được cứu vãn thành công. Một cặp vợ chồng tại thị trấn Nghi Tân thuộc tỉnh Tứ Xuyên lần lượt đạt 80 và 86 điểm.
Theo CGTN: “Điểm số cao cho thấy cuộc hôn nhân vẫn trong tình trạng tốt. Thẩm phán cho biết người vợ (đối tượng nộp đơn ly hôn) sau khi làm kiểm tra đã trở nên bình tĩnh hơn, và chấp nhận quyết định của tòa”.
Ngoài Giang Tô và Tứ Xuyên, thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây cũng đã đưa vào áp dụng biện pháp này kể từ tháng 2.2018.
Tuy có mục đích tốt, nhưng bài kiểm tra trước khi ly hôn cũng bị không ít cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích là can thiệp vào tự do hôn nhân.
Tỷ lệ ly hôn của quốc gia châu Á này trong những năm gần đây không ngừng tăng cao. Theo thống kê chính thức của Bắc Kinh, số vụ ly hôn của nước này từ năm 2002 đến nay luôn ở trong tình trạng tăng. Đến giữa năm 2017, toàn quốc ghi nhận 1.856 triệu cặp vợ chồng đăng ký làm thủ tục ly hôn, tăng 10,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, số cặp đăng ký kết hôn lại giảm 7,5%.
Ngoài tình trạng ly hôn, Trung Quốc còn phải khuyến khích các gia đình sinh thêm con, để giúp nước này giải quyết tình trạng già hóa dân số, hệ lụy của chính sách một con kéo dài trong 4 thập kỷ.
Cẩm Bình (theo The Telegraph, iFeng)