Sau khi khoe khoang việc xây dựng sân bay phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa (quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép), Trung Quốc muốn xây thêm sân bay ở Nam Cực, vùng đất quanh năm đóng băng nằm xa hơn về phía nam nước này.
Trung Quốc hiện không có sân bay riêng ở Nam Cực và hầu hết việc vận chuyển con người và nguồn lực đến đây đều bằng đường biển vốn mất nhiều thời gian và phụ thuộc vào thời tiết.
"Vận tải hàng không sẽ làm tăng hiệu quả vận chuyển và sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học của Trung Quốc tại Nam Cực", Xue Lei - nhà nghiên cứu tại Trung tâm hàng hải ở Thượng Hải, cho biết. Các nhà khoa học tin rằng tốc độ của vận tải đường biển đã bị chậm lại trong bối cảnh băng tan ở gần cực do biến đổi khí hậu gần đây và khả năng đối mặt với rủi ro cũng tăng lên.
Trong chuyến thám hiểm mới nhất của Trung Quốc kết thúc vào tháng Tư năm nay, các nhà thám hiểm đã mở trạm nghiên cứu thứ tư của Trung Quốc tại Nam Cực với tên gọi là Thái Sơn, nằm ở độ cao 2.600m trên mực nước biển.
Trung Quốc lần đầu thám hiểm Nam Cực vào năm 1984 nhưng là đi nhờ tàu nước ngoài. Chỉ khi mua tàu phá băng cũ từ Ukraine năm 1993 (sau Trung Quốc đặt tên là tàu Tuyết Long) thì họ mới có khả năng xuống Nam Cực.
Tàu phá băng Trung Quốc dự kiến sẽ rời Thượng Hải vào 30.10 và tới Nam Cực để thăm dò đánh giá các khu vực phù hợp cho việc xây dựng một sân bay. Dự kiến, Tuyết Long sẽ đến Trạm Trung Sơn vào giữa tháng 12 năm nay.
Nam Cực được coi là một lục địa trung lập về chính trị. Hiện một số nước trên thế giới, đặc biệt là nam bán cầu như Úc, New Zealand, Chile, Argenina... đã tuyên bố chủ quyền trong một số khu vực nhất định nhưng chưa được Liên hợp Quốc công nhận. Các nhà địa chất đánh giá đây là khu vực giàu khoáng sản.
Anh Tú (theo Itar Tass)