Trưởng thành không phải là sự già đi theo thời gian, mà là hành trình con người đi sâu vào nội tâm của mình. Loài vật nào cũng có thể già đi, nhưng trưởng thành là đặc quyền của con người.
Từ tuổi thơ đến tuổi trẻ, rồi tuổi già - chúng ta đa phần đo các giai đoạn cuộc đời theo dòng thời gian, cùng với đó là sự biến đổi của cơ thể và trải nghiệm sống. Tuổi thơ là giai đoạn ta sống phụ thuộc, không biết gì, tò mò về mọi thứ; tuổi trẻ là khi ta khát khao tình yêu và sự thành công. Vậy còn tuổi già thì sao?
Chẳng còn gì nhiều để trông đợi nữa, sức khỏe suy yếu, xã hội thêm xa cách, cái chết thì ngày một gần hơn? Người già chỉ còn cách tiếc nuối quá khứ vàng son, đôi khi còn cay đắng về những điều chưa làm được? Thế nhưng, trong “Trưởng thành” (tựa gốc: “Maturity”), đạo sư, bậc thầy tâm linh Osho có một định nghĩa khác về cách phát triển của con người qua từng thời kỳ. Ông đơn giản là đưa ra một hệ quy chiếu khác - “Trưởng thành là sự phát triển trong nội tâm”.
Loài vật nào cũng có thể già đi, nhưng trưởng thành là đặc quyền của con người
Theo Osho, không phải với sự già đi theo năm tháng, trưởng thành phải là hành trình con người di chuyển vào sâu nội tâm của mình. Tâm thức con người rộng lớn như một vũ trụ bao la. Khi ta càng đi sâu vào nội tâm, càng biết mình, là ta càng trưởng thành và chín muồi. Đó cũng chính là hành trình hướng về sự giác ngộ, tỉnh thức, và bất tử.
Để đạt đến sự trưởng thành theo cách này, phương pháp duy nhất là thiền định, hay tự nhận thức. “Lão hoá cộng với nhận thức, trải nghiệm cộng với nhận thức, đó chính là trưởng thành”, Osho nói.
Định nghĩa của Osho như nhát búa phá vỡ quan niệm thông thường về sự trưởng thành. Bởi nếu nghĩ về sự chín muồi và phát triển của con người như ông, thì một người chưa thiền, chưa trưởng thành về tâm linh, chưa di chuyển vào bên trong tâm thức, người đó hẳn còn rất trẻ con dù bề ngoài họ có thể thành đạt, tháo vát, khôn ngoan hay già nua đến thế nào đi nữa.
Nếu chỉ già đi, ta hướng đến những thành tựu, kỳ vọng từ bên ngoài, và vẫn bị giày vò trong bể khổ của thăng trầm được - mất. Ngược lại, nếu trưởng thành, thế giới bên ngoài ngày một phù du hơn. Người trưởng thành không còn quan tâm đến người khác, đến tham vọng, đến kiến thức, nghi thức, tổ chức, hay nói như Osho, rằng khi đó, “Con người đánh mất mọi ràng buộc, kể cả ràng buộc của thể xác”.
Nếu chỉ già đi, con người trở nên khôn ngoan, cứng cỏi như chiếc khiên hoặc áo giáp, và tình yêu của họ đơn thuần là sự trao đổi. Trong khi đó, nếu trưởng thành, họ lại hệt một đứa trẻ: ngây thơ, dễ tin tưởng, mỏng manh và thật nhạy cảm; còn tình yêu của họ là “một dòng chảy tuôn tràn”, là sự cho đi vô điều kiện.
Và khi trưởng thành, ta trở nên bất tử
Nếu chỉ già đi, điểm kết thúc của hành trình cuộc đời là cái chết đáng sợ. Còn trong hệ quy chiếu của Osho, không có gì mất đi hay kết thúc, con người chỉ trở về với hiện hữu, hệt như lá cây rụng và trở về với đất - nơi cây đã được sinh ra.
“Trong hiện hữu, không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Buổi tối không phải là kết thúc, buổi sáng cũng không phải là khởi đầu. Mọi thứ chỉ đơn giản là đang chuyển sang những dạng thức khác”, vị đạo sư nói. Cái chết chính là ảo tưởng lớn nhất.
Thoạt nhìn, “Trưởng thành” như một quyển sách nói về cách sống của tuổi già viên mãn, êm đềm; hoặc sách để bạn trẻ nhìn vào và kiểm tra xem mình còn thiếu gì trong danh sách những-điều-chín-chắn. Nhưng không, tác phẩm này không nói riêng về một giai đoạn nào trong cuộc đời, nó nói về toàn bộ cuộc sống, cách sống, cách làm người. Ngắn gọn là, nếu hướng vào nội tâm thì trong mọi giai đoạn và khoảnh khắc, bạn đều hân hoan, sống động. Còn nếu bạn chỉ hướng ra bên ngoài, thì toàn bộ cuộc đời chỉ là sự chết đi từ từ bởi bạn đã bỏ lỡ việc sống.
Như Osho nói: “Con người không ngừng mơ về một chuyến tàu, và trong mơ, họ luôn bỏ lỡ chuyến tàu đó. Trong giấc mơ, người đó đang vội vã chạy tới nhà ga, và khi anh ta tới nơi, tàu đã rời sân ga. Giấc mơ này lặp đi lặp lại với hàng triệu người, đây là một trong những giấc mơ phổ biến nhất. Tại sao hàng triệu người lại mơ cùng giấc mơ ấy? Họ đang bỏ lỡ cuộc sống. Họ luôn chậm. Luôn có khoảng cách”.
Với những người đọc ở những mức độ hiểu biết tâm linh khác nhau, “Trưởng thành” sẽ có những ấn tượng và giá trị khác biệt: nó có thể đem lại những bài học nho nhỏ về cuộc sống, tình yêu, thiền định; hoặc nó có thể là tác nhân giải phóng toàn diện cuộc đời bạn.
Từng trang sách của Osho luôn đem lại một cảm giác tĩnh tại, an ủi, cùng với đó là những lời chất vấn sâu sắc nhất: “Tôi đã trưởng thành chưa?”, “Tôi đã thực sự sống chưa?”. Sách xứng đáng để bạn đọc lại nhiều lần trong hành trình trưởng thành của mình.
Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của Luân Đôn mô tả Osho là một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Midday của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.
Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hóa nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền chủ động của Osho giúp giải tỏa căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.
Những tựa sách cùng chủ đề của Osho đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ bạn đọc quốc tế và trong nước mà độc giả có thể tìm đọc thêm như “Thân mật”, “Sáng tạo”, “Từ bi”, “Hạnh phúc tại tâm”, “Can đảm”, “Trò chuyện với vĩ nhân”, và “Đạo”.