“Tăng trưởng giai đoạn tới không còn lãng mạn 7 - 8% như chúng ta nghĩ, chỉ 4 - 6% là tốt lắm rồi. Do đó, cần bỏ bớt tư tưởng tăng trưởng cứ phải trên 7 - 8% vì vĩnh viễn điều đó không quay trở lại”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Thị trường và chính sách

TS Lê Xuân Nghĩa: Tăng trưởng sẽ không còn lãng mạn 7 - 8% nữa, chỉ 4 - 6% là tốt lắm rồi

Lam Thanh 19/06/2024 17:50

“Tăng trưởng giai đoạn tới không còn lãng mạn 7 - 8% như chúng ta nghĩ, chỉ 4 - 6% là tốt lắm rồi. Do đó, cần bỏ bớt tư tưởng tăng trưởng cứ phải trên 7 - 8% vì vĩnh viễn điều đó không quay trở lại”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Kinh tế dần hồi phục

Trôi qua một năm 2023 đầy “sóng gió” với nền kinh tế Việt Nam, nửa đầu năm 2024 đã xuất hiện những tín hiệu tươi sáng hơn. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5 - 6%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. Tuy nhiên trong trung hạn, IMF kỳ vọng Việt Nam có nhiều cơ hội từ số hóa, chuyển đổi xanh và tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%.

tang-truong.jpg
Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trong năm 2024 là 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2025 mức độ tăng trưởng có thể lên tới 6%.

Ngoài ra, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% năm 2024 và 6,2% năm 2025. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đưa ra cảnh báo nhu cầu toàn cầu suy yếu, việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế khác, cùng những căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng của Việt Nam khi đang dựa vào xuất khẩu.

Kém lạc quan hơn, Ngân hàng Standard Chartered ngay từ giữa tháng 4.2024 đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,3% trong quý 2/2024, sau đó tăng dần lên 6% trong quý 3 và kỳ vọng lên tới 6,7% trong quý 4.

Trong khi đó, Ngân hàng UOB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6% trong quý 2/2024. Mức tăng trưởng này đạt được dựa trên các hoạt động kinh tế đang đi đúng hướng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực, sản xuất, dịch vụ đều trong đà hồi phục.

“Số liệu gần đây nhất do Tổng cục Thống kê công bố tiếp tục khẳng định triển vọng tích cực về quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5, ở mức 50,3 điểm và là lần tăng thứ 4 tích cực trong 5 tháng đầu năm”, UOB nhận định.

tang-truong-2.jpg
Bức tranh kinh tế có thêm gam màu sáng

Với những tín hiệu tích cực của sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, UOB dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6%.

Giai đoạn tăng trưởng 7 - 8% khó trở lại

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đưa ra 2 kịch bản với tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng và sẽ đạt con số từ 5,5 - 6,5% với các điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô nhưng giao thương quốc tế vẫn trì trệ, nền kinh tế thế giới tăng trưởng không như mong muốn, lạm phát vẫn cao. Ở kịch bản thứ 2, các yếu tố trên được cải thiện tốt hơn thì có thể kỳ vọng GDP có thể đạt được từ 6,2 - 7%.

Với sự thận trọng bởi còn nhiều rủi ro bất định phía trước, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng tăng trưởng có thể trong khoảng 5,5 - 6%.

Theo TS Việt, cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công).

tang-truong-4.jpeg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và nâng tầm chất lượng tăng tưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một số xu hướng lớn trên thế giới có thể kể đến hiện nay là tăng trưởng xanh, đa cực…, do đó tăng trưởng khó có thể cao như giai đoạn trước đây.

Theo ông Nghĩa, cuộc chiến lớn nhất mà thế giới đang đương đầu là biến đổi khí hậu. Các quốc gia lớn sẽ phải ngồi lại với nhau để khoanh vùng xung đột và cùng ứng phó với thách thức này.

Một biểu hiện là năm 2026, tất cả hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều phải báo cáo phát thải khí nhà kính. Báo cáo này phải được kiểm toán bởi các công ty độc lập của châu Âu. Không riêng châu Âu, hiện nay Mỹ cũng đang soạn thảo quy định tương tự và nội dung có thể còn khắc nghiệt hơn.

nghia.jpg
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Về xu thế đa cực, ông Nghĩa cho rằng điều này là tất yếu. “Chiến tranh, cấm vận, trừng phạt… là sự “giãy giụa” của chủ nghĩa đơn cực khi chuyển sang xu thế đa cực”, ông Nghĩa nói.

Đối với Việt Nam, theo ông Nghĩa, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sớm muộn gì kinh tế cũng phải phục hồi. Tuy nhiên, đi cùng với xu thế tiết kiệm tài nguyên, xu thế tiêu dùng xanh… thì tăng trưởng kinh tế khó có thể cao.

“Tăng trưởng không còn lãng mạn 7 - 8% như chúng ta nghĩ, chỉ 4 - 6% là tốt lắm rồi. Do đó, cần bỏ bớt tư tưởng tăng trưởng cứ phải trên 7 - 8% trở lên. Vĩnh viễn điều đó không quay trở lại nữa”, ông Nghĩa nói.

Trước những thách thức trên, điều TS Lê Xuân Nghĩa băn khoăn là “sự thay đổi của thể chế có kịp với sự thay đổi của các xu hướng lớn trên thế giới hay không”.

“Vô vàn những thay đổi công nghệ chúng ta không làm nổi vì thể chế. Chúng ta không có khả năng thay đổi thế giới, thậm chí không thay đổi được bà hàng xóm, chúng ta chỉ có khả năng thay đổi chính mình - chính là thay đổi thể chế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Lê Xuân Nghĩa: Tăng trưởng sẽ không còn lãng mạn 7 - 8% nữa, chỉ 4 - 6% là tốt lắm rồi