Làm đại biểu Quốc hội là một nghề rất khó, nếu không muốn nói là một trong những nghề khó nhất.

TS.Nguyễn Sĩ Dũng bàn về bầu cử và năng lực thể chế

Theo Người Đô Thị | 23/05/2021, 12:56

Làm đại biểu Quốc hội là một nghề rất khó, nếu không muốn nói là một trong những nghề khó nhất.

Trong cuộc bầu cử ngày 23.5.2021, số ứng cử viên là đại biểu Quốc hội khóa XIV được giới thiệu tái cử là 205. Nếu tất cả những ứng cử viên nói trên đều trúng cử, mà khả năng này là không cao, thì số đại biểu Quốc hội đã có kinh nghiệm nghị trường chỉ chiếm 41% trong tống số đại biểu Quốc hội khóa XV. Số đại biểu “lính mới” sẽ chiếm đến 59%. Tuy nhiên, nếu các tỷ lệ trên đạt được sau bầu cử, thì đó vẫn là một tiến bộ rất lớn so với nhiều nhiệm kỳ trước đây. Vì thông thường, qua mỗi cuộc bầu cử, các đại biểu Quốc hội tái cử chỉ chiếm khoảng 1/3. Trên dưới 70% là các đại biểu mới được bầu lần đầu.

Thực tế trên cho thấy thất thoát năng lực thể chế là vấn đề rất lớn của Quốc hội nước ta. Làm đại biểu Quốc hội là một nghề rất khó, nếu không muốn nói là một trong những nghề khó nhất. Trước hết, làm đại biểu là làm người đại diện. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”.

Cử tri ở đơn vị bầu cử thường là 400 - 450 ngàn người. Nhân dân ở đơn vị bầu cử chắc chắn sẽ lớn hơn vì bao gồm cả những người chưa đủ tuổi đi bầu. Giữ mối liên hệ với trên dưới nửa triệu người là hoàn toàn không dễ. Phản ánh được ý chí, nguyện vọng của họ lại còn khó hơn. Đó là chưa nói đến việc cử tri luôn luôn mong muốn đại biểu phải giúp giải quyết được những khiếu nại, kiến nghị của mình.

Thứ hai, làm đại biểu là làm nhà lập pháp. Một nhà lập pháp thì phải tác động được lên chương trình nghị sự, phải thúc đẩy được những chính sách mà mình hoặc cử tri của mình quan tâm. Muốn làm được điều này thì phải biết Quốc hội vận hành như thế nào, phải rất giỏi quy trình, thủ tục. Rồi kỹ năng thẩm định các dự án luật cũng rất quan trọng. Đọc hiểu văn bản chỉ là yêu cầu tối thiểu, tham luận, thuyết phục các đại biểu khác mới là quan trọng. Bởi vì Quốc hội quyết định theo đa số, không có sự ủng hộ của các đại biểu khác, không thể thông qua bất cứ vấn đề gì.

Thứ ba, làm đại biểu là làm nhà giám sát. Muồn giám sát phải có kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng chất vấn.

Rủi ro lớn nhất ở đây, là làm thì cũng có thể cắp sách đi học lấy bằng rồi mới hành nghề. Trong lúc đó, làm khó nhất này - làm đại biểu Quốc hội, thì không được học ngày nào. Hôm trước trúng cử, hôm sau phải làm đại biểu ngay. Các đại biểu chỉ có thể học tập, nâng cao trình độ thông qua hoạt động thực tế tại nghị trường. Chính vì vậy, càng nhiều đại biểu Quốc hội được tái cử thì năng lực thể chế của Quốc hội càng dễ được bảo tồn.

Ở các nước trên thế giới, các đại biểu tái cử thường chiếm đến 70-75%, nên thất thoát năng lực thể chế không phải là vấn đề quá lớn. Một số nước còn thiết kế hệ thống bầu cử theo cách mỗi lần bầu cử chỉ bầu 1/3 đại biểu để năng lực thể chế không bị thất thoát quá lớn. Ở ta, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách đã được tăng lên đến 40%. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hy vọng các đại biểu chuyên trách sẽ được tái cử với tỷ lệ cao hơn. Nhờ đó năng lực thể chế cũng sẽ được bảo tồn tốt hơn.

Để giải quyết vấn đề về năng lực thể chế, Quốc hội nước ta đã thành lập Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử. Vấn đề đặt ra là Trung tâm phải nhanh chóng triển khai chương trình đào tạo cho các đại biểu mới trúng cử lần đầu.

baucutruongsa.jpg
Tại 20 điểm bỏ phiếu thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày 16.5 đã diễn ra lễ chào cờ và tổ chức bầu cử sớm, bầu chọn đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong ảnh: Đưa hòm phiếu bầu cử ra đảo Sinh Tồn. Ảnh: CTV

Chỉ số thứ hai ảnh hưởng rất lớn đến năng lực thể chế của Quốc hội là số lượng ứng cử viên do Trung ương giới thiệu. Số lượng các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu đã tăng lên đáng kể trong cuộc bầu cử lần này: 203 so với lần trước là 197. Tương ứng, tỷ lệ ứng cử viên của Trung ương trong tổng số ứng cử viên tăng từ 22,64 lên 23,38%. Mặc dù không có gì bảo đảm tất cả các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu đều trúng cử, tỷ lệ các đại biểu của Trung ương chắc chắn sẽ được tăng lên.

Quốc hội là thiết chế đại diện cho quốc gia, nhưng ở nước ta tính chất đại diện cho địa phương lại rất lớn, do thường xuyên có đến trên dưới 2/3 các đại biểu Quốc hội là do địa phương giới thiệu. Đại diện cho địa phương thì rất khó xác lập ưu tiên của quốc gia và rất khó vận hành chức năng giám sát. Các đại biểu của địa phương thường đối mặt với xung đột lợi ích khi thực hiện chức năng giám sát. Họ rất khó giám sát, khó truy vấn các bộ trưởng mà không sợ lợi ích của địa phương bị ảnh hưởng. Nhiều nước phải thành lập quốc hội gồm hai viện để một viện đại diện cho quốc gia và một đại diện địa phương. Ở nước ta, Quốc hội chỉ có một viện nên việc đại diện song trùng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ đại biểu do Trung ương giới thiệu quá thấp thì việc đại diện cho quốc gia sẽ rất khó khăn.

tsnguyensidung-.jpg
TS.Nguyễn Sĩ Dũng 

Thực tế cho thấy mặc dù tỷ lệ các ứng cử viên của Trung ương thấp hơn, nhưng về cơ bản tỷ lệ các ứng cử viên của Trung ương trúng cử thường cao hơn. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, chỉ có 15 ứng cử viên của Trung ương bị thất cử. Trong cuộc bầu cử này, hy vọng các ứng cử viên của Trung ương trúng cử sẽ cao hơn để năng lực vận hành thể chế của Quốc hội sẽ được tăng cường.

TS.Nguyễn Sĩ Dũng

 

Bài liên quan
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ công bố báo cáo điều tra về ông Trump liên quan đến kết quả bầu cử năm 2020
CNN đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Mỹ vừa công bố báo cáo của công tố viên đặc biệt Jack Smith về cuộc điều tra âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 đối với Tổng thống Donald Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS.Nguyễn Sĩ Dũng bàn về bầu cử và năng lực thể chế