Theo TS. Nguyễn Văn Lạng, sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT lên đến hơn 4% là biện pháp bắt buộc, không thể nào làm khác được, bởi Trung Quốc đang gặp phải vô vàn vấn đề nội tại cần được giải quyết. Riêng với Việt Nam, cú sốc phá giá đồng NDT sẽ tác động đến nền kinh tế không phải là nhỏ.

TS Nguyễn Văn Lạng: 'Trung Quốc phá giá đồng NDT là bắt buộc"

Một Thế Giới | 25/08/2015, 17:15

Theo TS. Nguyễn Văn Lạng, sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT lên đến hơn 4% là biện pháp bắt buộc, không thể nào làm khác được, bởi Trung Quốc đang gặp phải vô vàn vấn đề nội tại cần được giải quyết. Riêng với Việt Nam, cú sốc phá giá đồng NDT sẽ tác động đến nền kinh tế không phải là nhỏ.

Xoay quanh sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT và phản ứng của NHNN Việt Nam khi lập tức điều chỉnh biên độ tỷ giá để "cứu nguy" nền kinh tế, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) về vấn đề này.
Sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) trong thời gian vừa qua đã gây rúng động thị trường tiền tệ thế giới. Ông có đánh giá thế nào về động thái này của Trung Quốc?
Trung Quốc là nền kinh tế mới trỗi dậy, có đặc thù là tăng trưởng rất mạnh trong hơn 30 năm qua, tăng trưởng nóng. Trung Quốc cũng đã đạt được mục tiêu của họ là trở thành cường quốc đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ, với lượng dự trữ ngoại tệ lên đến 5.000-7.000 tỷ USD. Tăng trưởng của Trung Quốc cũng đứng hàng đầu, với tiềm lực sản xuất mạnh. Nhưng Trung Quốc buộc phải phá giá đồng NDT và không thể nào làm khác được. 
Nguyên nhân đầu tiên là do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không đúng như vọng đặt ra, đã bắt đầu giảm dần xuống 7% và thậm chí sẽ còn xuống thấp hơn. Đây là điều không bình thường, tức là nền kinh tế đã bắt đầu chững lại, hệ thống sản xuất, phân phối bắt đầu có vấn đề.
Thứ hai, thị trường chứng khoán của Trung Quốc sụt giảm, hầu hết các chỉ số lao dốc, khiến Trung Quốc mất hàng ngàn tỷ USD. Đây cũng là điều không bình thường.
Thứ ba, sản xuất của Trung Quốc hướng theo xuất khẩu, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc đang không phát triển nữa, đang trì trệ nên buộc Trung Quốc phải giảm giá, phá giá đồng bạc để hỗ trợ sản xuất trong nước và đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng lên.
Thứ tư, Trung Quốc buộc phải trả giá cho phát triển nóng. Trong phát triển nóng thì lĩnh vực ngân hàng và bất động sản của Trung Quốc đã từng rất mạnh, nhưng hệ quả cho đến nay là nhiều hệ thống bất động sản, khu đô thị lớn và cả những đại gia bất động sản Trung Quốc đã gặp phải khó khăn, dẫn đến hiệu quả từ đầu tư bất động sản không tốt, kéo ngân hàng đi xuống theo.
Hiện nay, bất động sản và ngân hàng của Trung Quốc đang có vấn đề, hay nói cách khác là bắt đầu có tín hiệu Trung Quốc lặp lại bài học của Mỹ cách đây ít năm, cũng như bài học từ khu vực Đông Á, hay khủng hoảng năm 1997 của Thái Lan... Đây là vấn đề mà Trung Quốc đang vấp phải.
Cũng từ tình hình đó nên Trung Quốc phải phá giá đồng NDT liên tục. Ban đầu, Trung Quốc chỉ dự định phá giá một vài phần trăm, nhưng cuối cùng họ đã phải phá giá trên 4,6%, một con số không phải là nhỏ. 
Rõ ràng, sự phá giá này có thể kéo theo sự khởi đầu của cuộc chiến tranh tiền tệ trên toàn cầu, bởi nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay quá lớn và có sức ảnh hưởng. 
Trung Quoc pha gia dong NDT
 TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và tiến sĩ Alan Phan
Ông có thể phân tích rõ hơn về sức ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đến nền kinh tế của các nước khác?
Chúng ta đã thấy, khi Trung Quốc phá giá đồng bạc thì hàng loạt các đồng nội tệ của các nước trên thế giới buộc phải phá giá theo. Đồng Rupiah, đồng Ringgit... phá giá theo. Và nếu như đến tháng 9, tháng 10 tới đây, Fed nâng lãi suất thì tình hình sẽ còn biến động nữa và cuộc cạnh tranh này sẽ rất khốc liệt. Đây cũng có thể là cuộc cạnh tranh giữa đồng NDT và đồng USD.
Trong tình hình giá dầu thế giới xuống dưới mức 40 USD/thùng và bản thân nội tại Trung Quốc đang có cuộc chiến chống tham nhũng, cũng là những yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới. 
Bởi nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu bong bóng là do thời gian trước đây Trung Quốc muốn phát triển nóng nên đã áp dụng rất nhiều biện pháp, trong đó có cả những biện pháp không chính thống, nói cách khác là các biện pháp tạo ra những khe hở của luật pháp, dư địa của lợi nhuận trong lĩnh vực bất động sản và tiền tệ, để cho rất nhiều người giàu lên nhanh chóng. Đây cũng là yếu tố buộc Trung Quốc phải phá giá đồng bạc.
Vậy đối với Việt Nam thì sao thưa ông?
Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến cả thế giới đều bị ảnh hưởng chứ không riêng gì Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam là khá nhỏ, GDP chỉ vào khoảng 200-300 tỷ USD, lượng dự trữ ngoại tệ cũng chỉ 36-37 tỷ USD. Nền kinh tế Việt Nam cũng đã phục hồi nhưng chưa có dấu hiệu rõ nét của sự bền vững. 
Bên cạnh đó, bất động sản hiện nay cũng nóng lên, nhưng nhìn toàn diện thì vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, chưa có sự phục hồi rõ nét. 
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn còn rất lớn. Nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất lại phụ thuộc vào FDI, mà FDI không phải bằng công nghệ của Việt Nam, FDI tại chỗ mà là của các công ty mẹ, nên vẫn là nền kinh tế xuất khẩu FDI gia công. 
Đồng thời, tỷ trọng nền kinh tế nông nghiệp vẫn còn lớn, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp lên đến 30-35 tỷ USD/năm và phần lớn xuất sang Trung Quốc. 
Cuối cùng, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực, so với Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. 
Với những điểm như vậy, với cú sốc phá giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam không phải là nhỏ.
Ngay khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, NHNN Việt Nam cũng lập tức nới rộng biên độ tỷ giá. Ông có nhận xét gì về phản ứng này của NHNN?
Khi Trung Quốc phá giá đồng NDT thì NHNN Việt Nam cũng có những động thái nhất định. NHNN đã nới rộng biên độ tỷ giá, tuy nhiên lời tuyên bố từ đầu năm của Thống đốc NHNN là: năm nay chúng ta chỉ nới biên độ 2%, song đến nay chúng ta đã nới 3% và liệu có giữ được mức 3% này hay không thì không ai dám khẳng định. 
Mặc dù NHNN vẫn khẳng định là sẽ làm được, nhưng nếu như tình hình Trung Quốc vẫn xấu đi, nếu như Fed vẫn tăng lãi suất thì tình hình sẽ không đơn giản như vậy. Khi đó, chúng ta phải trả cái giá thứ hai là nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc về là không phải nhỏ, một năm 20-30 tỷ USD, nên sẽ dẫn đến nhập siêu tăng lên. Khoảng cách giữa nhập và xuất giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ khác, rõ ràng năm nay chúng ta sẽ nhập siêu cao hơn năm ngoái.
Song song với đó, hàng Việt Nam sẽ khó tiêu thụ hơn vì hàng Trung Quốc tràn vào vì họ phá giá đồng bạc, kích thích phát triển và tăng cường xuất khẩu nên đương nhiên hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam sẽ nhiều hơn. Nên nhớ, Việt Nam vẫn là thị trường lớn của Trung Quốc và rõ ràng, các mặt hàng của Việt Nam cùng loại sẽ không chống chọi nổi với tình hình hiện nay của Trung Quốc.
Còn quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN theo tôi là chính xác và kịp thời. Tuy nhiên, ngay bây giờ sẽ chưa nhìn thấy hiệu quả bởi việc giải quyết trong thời gian rất ngắn nên chưa thể nói trước điều gì.
Theo tôi, cần phải tiếp tục cảnh giác, bởi có khả năng chúng ta buộc phải nới tỷ giá thêm một vài lần nữa, nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục như hiện nay, giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc và Fed vẫn quyết định tăng lãi suất, thì chúng ta chưa thể dừng lại ở con số 2 lần điều chỉnh như vừa qua.
Xin cảm ơn ông!
Thụy Miên
Bài liên quan
Hàng vạn nhân viên Big Tech Trung Quốc bị quá tải phải nghỉ việc, một số trở thành doanh nhân có tiếng
Zoe Du từng là nhân viên điển hình tại một Big Tech (hãng công nghệ lớn) ở Trung Quốc, làm việc nhiều giờ, 6 ngày một tuần. Có lần cô ngất xỉu trong văn phòng sau nhiều tuần làm việc đến 11 giờ đêm hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
3 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Văn Lạng: 'Trung Quốc phá giá đồng NDT là bắt buộc"