Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân được tổ chức tại TP. Vinh,  TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định, ngoài những điểm nhấn về sự ổn định thị trường, khó khăn nói chung vẫn nằm ở khâu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. 

TS Trần Đình Thiên: 'Phải thịt nợ xấu'

Một Thế Giới | 22/04/2015, 10:33

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân được tổ chức tại TP. Vinh,  TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định, ngoài những điểm nhấn về sự ổn định thị trường, khó khăn nói chung vẫn nằm ở khâu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. 

Phải xích và thịt nợ xấu

VAMC là công ty ra đời với sứ mệnh giải quyết nợ xấu bằng cách mua lại nợ xấu của các Ngân hàng thương mại. Dù đã có những tín hiệu lạc quan và hiệu quả nhất định trong việc “ghìm cương” con ngựa nợ xấu bất kham nhưng theo ông Trần Đình Thiên, cơ chế hoạt động của tổ chức VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu.

“VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, được mang giao dịch với NHNN để vay tiền; bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm, trích dự phòng rủi ro bằng 20% tổng giá trị tờ giấy cầm” – ông Thiên cho biết.

Ông cho biết thêm, hiện nay VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá.

Ông Trần Đình Thiên dẫn ra ví dụ so sánh tương quan với việc làm tương tự ở nước ngoài, khi cơ chế hoạt động của một tổ chức tương tự như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường.

Ông Thiên dẫn ra ví dụ: "Lấy 500 tỷ đồng, thậm chí 2.000 tỷ đồng vốn của VAMC có phá tan được “cục máu đông” 150.000 - 200.000 tỷ? 80.000 tỷ vốn trái phiếu của VAMC có đủ là nguồn lực thị trường để mua bán sòng phẳng nợ xấu? Đến lúc nợ xấu “thoát xích” thì hệ quả sẽ ra sao. "Xích" được nợ xấu thì phải "thịt" được, nếu để nó sổng thì gay”

Ông Thiên nhấn mạnh, nền tảng phục hồi của nền kinh tế còn yếu. Nợ xấu bị “xích” lại gần hết, nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường.

Không chỉ TS Trần Đình Thiên, ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, sau ba năm thực hiện tái cơ cấu, hệ thống Tổ chức tín dụng  đã có những dấu hiệu tích cực như thanh khoản ngân hàng ổn định, lãi suất có xu hướng giảm; tỉ giá tiếp tục được duy trì ổn định; tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng khá trở lại.

“Nợ xấu từng bước được xử lý qua nhiều hình thức như: sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, phát mại tài sản bảo đảm... theo đó chất lượng tài sản đã được cải thiện đáng kể” – ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, ông Hà Huy Tuấn cũng đưa ra những nhận định rằng, hiện nay vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được quan tâm nhưng tốc độ còn chậm.

Ông Tuấn cho biết, tỉ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu 3% của đề án tái cơ cấu. Các tổ chức tín dụng yếu kém tuy đã được khu biệt và xử lý nhưng tiến độ vẫn chậm. Để hoàn thành kết quả Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đưa tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng xuống dưới 3% thì cả hệ thống cần phải nỗ lực hơn nữa.

Thách thức không nhỏ

Trước đó, theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 1.2015 là 3,74% và cuối tháng 2.2015 là 3,86%. Cùng kỳ này năm trước, tỷ lệ nợ xấu tháng 1.2014 là 3,46% và tháng 2.2014 là 3,59%. Còn cuối tháng 12.2014, tỷ lệ nợ xấu đã bất ngờ giảm so với trước còn 3,25%.

Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV đưa ra nhận định rằng: “Diễn biến này cho thấy bóng dáng ban đầu của vấn đề là kết quả xử lý nợ xấu còn chưa thực sự vững chắc”.

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị phải giảm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng xuống dưới 3%. Điều đó được xem là một thách thức đối với các ngân hàng khi thông tư 02 về phân loại nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng có hiệu lực vào ngày 01.04.2015 thay thế Quyết định 780. Và như số liệu nói trên, tỷ lệ nợ xấu các tháng đầu năm 2015 đang có chiều hướng tăng so với cuối năm 2014.

Theo động thái mới đây, NHNN đã chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2015 của VAMC lên tới 80.000 tỷ đồng và yêu cầu mỗi NHTM phải bán số nợ xấu tối thiểu cụ thể theo ấn định của NHNN.

Với những biện pháp này, ông Cấn Văn Lực cho rằng tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có khả năng sẽ giảm xuống cùng với sự tăng tốc mua nợ xấu của VAMC.

“Với tốc độ bán nợ gần đây của các ngân hàng cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng có thể đạt 3% vào cuối năm 2015. Khi thông tư 02 có hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng thêm nhưng các ngân hàng lại được tạo điều kiện bằng việc bán nợ cho VAMC.” – ông Lực đánh giá.

Theo ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), con số 3% mà Thủ tướng chỉ thị là bình quân cả hệ thống, và không phải ngân hàng nào cũng phải đạt dưới 3%.

“Đối với các Ngân hàng có sở hữu tư nhân, việc giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% có thể nói là khó, nhưng các NHTM có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước thì tỷ lệ này không khó.” – ông Bắc Hà cho biết.
Cũng liên quan đến nợ xấu, trong Diễn đàn kinh tế mùa xuân, chuyên gia Lê Đình Ân nhìn nhận, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng có tín hiệu tích cực hơn, khi một mặt Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức 80.000 tỷ trái phiếu đặc biệt cho VAMC kỳ hạn 5 năm, để mua lại nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Đồng thời cơ quan này cũng đã trình Chính phủ phê duyệt những bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VAMC để tạo điều kiện xử lý thuận lợi hơn khối nợ xấu mua được, nhằm đạt mục tiêu đưa nợ xấu xuống dưới 3% trong 2015. 

Hoàng Long (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
5 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Trần Đình Thiên: 'Phải thịt nợ xấu'