Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng nước ngoài muốn xâm nhập và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Ngân hàng Việt Nam sẽ ở đâu trong cuộc đua với ngân hàng ngoại?

Một Thế Giới | 22/04/2015, 06:00

Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng nước ngoài muốn xâm nhập và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Ngân hàng ASEAN đang “đổ bộ” vào Việt Nam

Mới đây, ngân hàng Kasikorn của Thái Lan đã thành lập hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP HCM. Trước Kasikorn, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) và Maybank (Malaysia) cũng có mặt tại thị trường Việt Nam.

Kasikorn cho biết sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam và tiếp tục mở thêm nhiều văn phòng và chi nhánh sau khi được NHNN cấp phép. Ngân hàng này có kế hoạch chinh phục đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Với sự hiện diện của Kasikorn tại Việt Nam, nước ta hiện có hơn 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 50 chi nhánh ngân hàng ngoại, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và một số ngân hàng liên doanh.

Đáng lưu ý là những năm trước, ngân hàng nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều vào Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…

Tuy nhiên, gần đây, ngân hàng các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều. Dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành cuối năm nay.

Ông Keith Pogson, phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng của Tập đoàn Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN sẽ cân nhắc khi đầu tư vào ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. 
Lý do là, cuối năm 2015, AEC được hình thành và có thể đến năm 2020, các ngân hàng trong khu vực sẽ được phép thành lập tự do tại Việt Nam. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ xem xét việc có nên mua một ngân hàng yếu kém rồi mất ít nhất 3 - 4 năm không có lãi, tốn nhiều công sức để xử lý hay là chờ đợi, bởi thời điểm 2020 không còn xa”.

Ngân hàng trong nước đứng ở đâu?

Sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với nhóm các ngân hàng Việt Nam.

Theo các chuyên gia, các ngân hàng ngoại sẽ có những lợi thế hơn các ngân hàng nội, do đa phần các ngân hàng ngoại đều có hoạt động ở rất nhiều nước trên thế giới và khách hàng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, các ngân hàng trong nước sống dựa chủ yếu vào khối DNNN và các tập đoàn tư nhân lớn, bên cạnh cho vay cá nhân. Số ngân hàng đủ sức vươn ra các nước trong khu vực còn ít và hiệu quả cũng chưa cao. 
Thời gian qua, các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… đều đặt kế hoạch mở rộng khách hàng sang khối ngoại, song để thực hiện được là việc không hề dễ dàng.
Trao đổi với Tạp chí Thuế ngày 24.3.2015, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, nhóm khách hàng FDI chiếm vai trò quan trọng trong giao dịch đối với các tổ chức kinh tế nói chung, đặc biệt là hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất khẩu. 
Bởi vậy, tiềm năng đẩy mạnh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đối với khách hàng FDI tương đối lớn. 
“Thời gian qua, Vietcombank đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ như tiền gửi, tài khoản thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM… cho DN FDI. Tuy nhiên, số lượng khách hàng và dư nợ vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu khách hàng và tổng dư nợ của Vietcombank”, ông Dũng thừa nhận.

Còn theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng VIB, cách đây mấy năm, VIB đã lập cả “đội” phụ trách DN FDI, song cho đến nay, kết quả đạt được chưa được như mong muốn.

Điều đáng lo là trong khi các ngân hàng trong nước đang chật vật khai phá khối khách hàng FDI, thì nhiều ngân hàng nước ngoài đã công khai bày tỏ mong muốn sẽ “nhắm” vào các DN nội, vốn là khách hàng của ngân hàng trong nước.

Theo ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc trung tâm phân tích và quản trị chiến lược của Techcombank, giải pháp duy nhất cho các ngân hàng nội là hợp tác với các ngân hàng ASEAN như DBS, OCBC hay Maybank, để cùng nhau phát triển.

Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cũng cho rằng việc thành lập cộng đồng kinh tế chung sẽ mang lại nhiều giá trị cho ngành ngân hàng trong nước còn lớn hơn những bất lợi về cạnh tranh. 
Bởi theo ông Ngọc, tài sản thuộc sở hữu của các ngân hàng ASEAN thực tế vẫn còn nhỏ nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế. Vì vậy, hội nhập sẽ góp phần tạo ra các ngân hàng hùng mạnh hơn cũng như giúp mở rộng hệ thống khách hàng.

Việc tăng cường hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, khối ngân hàng ngoại còn nhắm tới cả khối doanh nghiệp trong nước. Đây thực sự là thách thức lớn đối với ngân hàng trong nước.

Tuyết Nhung (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
14 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Việt Nam sẽ ở đâu trong cuộc đua với ngân hàng ngoại?