Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Tất Thắng lên tiếng xung quanh các quyết định đầu tư gây tranh cãi của Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc Thiều Kim Quỳnh...

Từ câu chuyện của điện lực miền Bắc: Sự độc quyền tạo ra lãng phí xã hội

Xuân Quảng | 31/12/2016, 16:06

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Tất Thắng lên tiếng xung quanh các quyết định đầu tư gây tranh cãi của Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc Thiều Kim Quỳnh...

Vừa qua, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) Thiều Kim Quỳnh đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị biển báo an toàn phục vụ quản lý vận hành và phòng tránh tai nạn lao động.

Trong đó gói thầu số 1 mua sắm biển báo: “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người”, có dự toán giá trị lớn nhất, hơn 31 tỉ đồng. Những biển báo này được dùng để thay thế việc sơn cảnh báo trực tiếp lên cột điện (với nội dung tương tự) trị giá khoảng 1 tỉđồng.

Đáng chú ý, toàn bộ giá trị mua sắm biển báo sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí giá thành tiền điện của NPC năm 2016. Trước nhiều ý kiến cho rằng việc lựa chọn phương án mua sắm biển báo là lãng phí, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long).

PV: Vừa qua báo giới có phản ánh về việc Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) lựa chọn phương án lắp biển tốn kém hơn nhiều lần so với trước đây. Dưới góc độ một vị ĐBQH, ông thấy việc này như thế nào?

Ông Phạm Tất Thắng: Với những thông tin mà báo giới đã nêu thì tôi cho đó là một sự lãng phí. Đó là có thể có giải pháp khác tiết kiệm hơn ví dụ như sơn trực tiếp hoặc làm các biển báo có thể hình thức không đẹp, bền chắc bằng tấm biển trị giá 180.000 đồng/tấm kia. Miễn là chiếc biển báo đó hoặc cách thông báo đó đáp ứng được yêu cầu cảnh báo cho người dân. Nếu vậy thì nên chọn phương án ít tốn kém hơn.

Thứ hai là giá thành của một tấm biển cảnh báo so với việc sơn trực tiếp lên cột điện và tổng giá thành gói thầu đó hết sức lớn, tôi cho đó là một sự lãng phí.

Từ hai khía cạnh này, tôi cho rằng hành động của NPC là không tiết kiệm, ít nhất là có hình thức khác tiết kiệm hơn thì nên chọn hình thức khác. Mà giá thành đó lại để người dân phải gánh khi toàn bộ giá trị mua sắm biển báo sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí giá thành tiền điện của NPC năm 2016. Vì thế phải cân nhắc khi cộng thêm chi phí vào giá thành.

Đồng thời, tôi cho rằng việc trực tiếp cộng vào giá thành tiền điện là không hợp lý bởi nếu cho rằng đó là chi phí sản xuất thì không ổn.

Trong một lần trả lời báo giới gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng dưới góc độ kinh tế, quyết định này của sếp NPC là không khôn ngoan. Ông thấy quan điểm này như thế nào?

Tôi cho rằng đây là một biểu hiện độc quyền của ngành điện. Việc cung cấp điện hiện nay có thể có nhiều đối tác nhưng việc phân phối điện hiện nay vẫn thuộc thẩm quyền ngành điện.

Chính vì thế, việc muốn cộng cái gì vào giá thành tiền điện là toàn quyền của ngành điện mà không chú ý đến bài toán kinh tế, không hướng đến lợi ích của người dân mà chỉ hướng đến lợi ích của doanh nghiệp. Nếu phải cạnh tranh và phải hạ giá thành thì chắc chắc sẽ không có những quyết định đơn giản như thế.

Việc làm biển báo tốn kém như vậy và đơn giản cộng trực tiếp vào giá thành tiền điện bắt người dân phải gánh (trong khi có nhiều giải pháp tiết kiệm hơn), nếu như có cạnh tranh, có bài toán kinh tế thì chắc chắn phương án đó không phải là phương án được lựa chọn.

Đã đến lức chúng ta phải nghĩ đến việc cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào khi họ đủ điều kiện và năng lực mặc dù việc phân phối điện có những đặc thù riêng. Đương nhiên chúng ta cũng cần có cơ chế để quản lý chặt chẽ.

Tôi nghĩ rằng nếu có sự cạnh tranh thì chắc chắn sẽ không có những quyết định cảm tính như vậy.

Theo tính toán, với việc sơn trực tiếp lên cột điện thì tổng số tiền ước tính khoảng 1 tỉ đồng. Trong khi đó nếu theo phương án thay biển của NPC thì chi phí lên tới 31 tỉ đồng. Nếu là lãnh đạo NPC, ông có chọn phương án như họ?

Tôi lại quay trở lại câu chuyện độc quyền trong phân phối điện của ngành điện. Mặc dù NPC cũng là một doanh nghiệp, nhưng đây là bài toán kinh tế không phải cho người dân mà là bài toán kinh tế cho doanh nghiệp.

Dưới góc độ một lãnh đạo doanh nghiệp, cứ việc gì làm lợi cho doanh nghiệp (trong đó có thể có cả lợi ích cá nhân khi doanh nghiệp đạt được lợi ích) thì người ta sẽ làm trong khi không bị cạnh tranh, không bị bắt buộc phải hạ giá thành.

Vì thế tôi cho rằng quyết định của NPC cũng có thể hiểu được. Tất nhiên, đây là lợi cho doanh nghiệp và trong đó có những cá nhân cũng có thể được hưởng từ việc làm lợi đó. Nhưng đó lại không phải là phương án có lợi cho người dân. Nếu nghĩ đến lợi ích của người dân, người ta sẽ chọn phương án in lên cột điện và mất 1 tỉ đồng thay vì mất 31 tỉ đồng đi treo biển cảnh báo kia.

Ông có so sánh gì giữa hai phương án này khi NPC đưa ra một số lý do (biển bền hơn, có sơn phản quang...) để đi đến quyết định làm biển cảnh báo với giá 180.000 đồng/cái?

Nếu cứ cho rằng năm nào cũng phải sơn lại thì với số tiền làm biển cảnh báo kia, NPC có thể sơn được 31 năm. Và ai dám chắc cái biển trị giá 180.000 đồng/cái kia của NPC có thể bền hơn 30 năm?

Và những nỗi lo về nguy cơ bị mất biển cảnh báo vẫn thường trực không phải là không có cơ sở khi trước đây, truyền thông thỉnh thoảng vẫn đưa thông tin về việc các hộ lan ở đường cao tốc hoặc đường quốc lộ bị tháo dỡ trộm.

Trong bối cảnh Bộ Chính trị và Ban Bí thư vừa có những yêu cầu về sự tiết kiệm, chống lãng phí, ông có cho rằng quyết định chọn phương án tốn tiền hơn của NPC có vấn đề khi Ban Bí thư vừa đưa ra yêu cầu "Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách"?

Việc chọn phương án tốn kém của NPC cũng không hoàn toàn phù hợp vì đây chỉ là tiết kiệm trong một phương án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hiện nay, không chỉ là khi Ban Bí thư ra chỉ thị về tiết kiệm mà chủ trương của chúng ta từ trước đến nay cũng đã là phải tiết kiệm, chống lãng phí thì rõ ràng quyết định của NPC không phù hợp với quyết định đó.

Thứ hai là NPC là một doanh nghiệp nhưng không đơn thuần là một doanh nghiệp kinh doanh mà còn có yếu tố xã hội vì đó là công ty của Nhà nước cung cấp điện, đảm bảo cho cuộc sống của nhân dân nên còn có yếu tố công ích ở đây. Đáng lẽ cùng với chủ trương phải tiết kiệm thì dù không bị sức ép cạnh tranh đi chăng nữa thì việc giảm giá thành, tiết kiệm trong sản xuất để giảm giá điện cho người dân ở một mức giá hợp lý cũng là một mục tiêu phải được lãnh đạo NPC đặt ra.

Và tôi nghĩ rằng đây cần là một mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoạt động của NPC nói riêng và ngành điện nói chung khi có bất cứ một quyết định nào.

Bên cạnh việc lựa chọn phương án thay thế biển cảnh báo gây tốn kém, NPC còn liên quan đến những thông tin về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp điện kế điện tử trong thời gian vừa qua. Ông có cho rằng cơ chế giám sát đối với NPC chưa được thật chặt chẽ?

Tôi nghĩ rằng có thể bản thân giám sát nội bộ của NPC không chặt chẽ. Tuy nhiên, qua các vụ việc như báo chí đã phản ánh, liệu có đơn thuần chỉ là do cơ chế giám sát chưa thật chặt chẽ hay không?

Bởi vì biết là không phù hợp, là lãng phí mà vẫn quyết định chọn thì ngoài yếu tố trách nhiệm của người vận hành doanh nghiệp không thật cao, liệu có yếu tố lợi ích gì hay không? Câu hỏi này hoàn toàn có thể được dư luậnđặt ra.

Và ở đây lại quay lại câu chuyện mà tôi đã nói ở trên: Đó là cơ chế độc quyền trong phân phối điện. Tôi cho rằng cần xoá bỏ độc quyền trong việc cung cấp và phân phối điện.

Ngoài ra, đây là vấn đề dân sự, tôi nghĩ rằng nếu có những biểu hiện lãng phí và dư luận có những ý kiến không đồng thuận thì các cơ quan quản lý trực tiếp có thể có yêu cầu thanh tra, kiểm tra. Trong trường hợp thanh, kiểm tra phát hiện ra những vấn đề khác, tuỳ mức độ có thể yêu cầu các cơ quan khác cùng phối hợp để xử lý.

Xin cám ơn ông!

Xuân Quảng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ câu chuyện của điện lực miền Bắc: Sự độc quyền tạo ra lãng phí xã hội