Ngày 27.11, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội thảo giáo dục đại học Việt Nam 2020 “Tự chủ giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn”.

Tự chủ đại học, chỉ nên quy định mức học phí tối thiểu

Tú Viên (Tổng hợp) | 27/11/2020, 16:47

Ngày 27.11, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội thảo giáo dục đại học Việt Nam 2020 “Tự chủ giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn”.

Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu chính thức, bao gồm đại diện các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học...

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, bản chất của tự chủ ĐH, đó là vấn đề tự quyết và chịu trách nhiệm của trường ĐH về những hoạt động của mình. Ngoài ra, trường ĐH có hệ thống quản trị nội bộ để phân quyền và trách nhiệm, đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.

hoithaogd27.11.jpg
Toàn cảnh hội thảo-Ảnh: TTXVN

Mục tiêu của tự chủ đại học là tối ưu hoá hoạt động của toàn hệ thống. Theo đó, các trường ĐH năng động, sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn; cơ quan quản lý tập trung làm tốt hơn chức năng giám sát và hỗ trợ; cùng với đó là nâng cao chất lượng, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, giáo dục đại học (GDĐH) với chức năng là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ra tri thức, sản phẩm mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trên 30 năm đổi mới, GDĐH Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Đặc biệt có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDĐH, tuy nhiên trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của GDĐH Việt Nam.

Bên cạnh đó là trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH, nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải nghiêm túc thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trước chủ sở hữu, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong đó, làm rõ vai trò của Bộ GD-ĐT vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý nhà nước của mình.

Điều đáng chú ý tại hội thảo, ông Chorítophe Lemiere, Quản lý chương trình phát triển con người - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng giáo dục phổ thông Việt Nam khá tốt, nhưng GDĐH lại không được như vậy, chất lượng GDĐH Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN. “Dù chất lượng GDĐH Việt Nam đã tăng khá ấn tượng trong thời gian qua nhưng so với các nước khác thì chưa như kỳ vọng”, ông Chorítophe Lemiere nhận xét.

tu-chu-dai-hoc.jpg

Bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội tại Hội thảo Giáo dục năm 2020. Ảnh: Thế Đại

Theo ông, một thách thức dễ nhìn thấy trong GDĐH Việt Nam là kỹ năng quản lý và các kỹ năng cần thiết cho phát triển kinh tế, nhất là kỹ năng về quản lý và công nghệ. Sinh viên ra trường thiếu hụt về mặt kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. Tỷ lệ nghiên cứu khoa học trong GDĐH rất thấp so với Hàn Quốc, Trung Quốc. Về mặt hệ thống, GDĐH còn manh mún. Về quản trị, có tới 3 bộ có trách nhiệm quản lý khối đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học là Bộ GD-ĐT, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học-Công nghệ, nhưng không có sự liên kết tốt giữa 3 bộ này. Ông Chorítophe lemiere đánh giá, quá trình thí điểm tự chủ đại học ở Việt Nam chưa thấy rõ sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học trong quá trình đào tạo.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, trao quyền tự chủ thì tính giải trình phải rất cao, trong đó có cơ chế bảo đảm chất lượng đào tạo, phải được giải trình rõ. Ông Chorítophe lemiere cho rằng, tự chủ và giải trình là 2 vấn đề phải liên hệ mật thiết với nhau. Các trường cần được trao quyền nhiều hơn, nhất là về vấn đề nhân sự, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, theo ông, chỉ nên có một bộ duy nhất quản lý về GDĐH thay vì 3 bộ như hiện nay.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Trần Đức Viên nhận xét, nhận thức về tự chủ đại học của chính các trường chưa được đầy đủ, tự chủ chỉ thực sự khi hội đồng trường có thực quyền và khi đó mới có thể bàn tới việc xoá bỏ cơ chế chủ quản. Mấu chốt để nâng quyền lực thực chất của hội đồng trường là nhà nước nên rút vai trò của mình, chỉ quy định mức học phí tối thiểu, không quy định mức học phí tối đa để hướng chất lượng ra thế giới, để xã hội tự điều chỉnh, ông Viên nêu quan điểm.

Theo Bộ GD-ĐT, sẽ đẩy nhanh xây dựng, ban hành các quy chế, quy định, cẩm nang hướng dẫn. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục đại học. Hỗ trợ nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học qua các đề án, dự án. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và quản lý chất lượng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đổi mới và tự chủ đại học.

Song song đó, Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ về quy định cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách cho GDĐH.

Đáng chú ý, Bộ kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học với sự tham gia cả các bộ ngành liên quan với Bộ GD-ĐT là thường trực. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn thực hiện tự chủ đại học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự chủ đại học, chỉ nên quy định mức học phí tối thiểu