Cuốn sách giúp độc giả tiếp cận những thông điệp của một nhà tư tưởng lớn về nghệ thuật, đó là mối quan hệ giữa cái thật, cái tốt và cái đẹp, về phong cách phê bình, câu chuyện hội họa, kiến trúc và về diễn xuất.
Cuốn sách đóng góp những kiến thức nền tảng về mỹ học
Denis Diderot được biết đến qua công trình “Bách khoa toàn thư” đồ sộ, là nhà văn có nhiều đóng góp độc đáo, nhà triết học duy vật, nhà mỹ học, nhà lý luận và phê bình nghệ thuật nổi tiếng ở Pháp. Các công trình mỹ học và lý luận phê bình nghệ thuật xuất sắc của ông là những tác phẩm vô giá cho đến tận ngày nay.
Tác phẩm “Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật” được dịch giả GS. Phùng Văn Tửu lựa chọn, tổng hợp trong bảy công trình quan trọng bàn về mỹ học và văn học nghệ thuật của Denis Diderot: Luận về cái đẹp; Về những tác gia và các nhà phê bình; Những tùy bút về hội họa (bao gồm những tiểu luận nhỏ: Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi về hội họa, Những ý nghĩ vụn vặt của tôi về màu sắc, Tất cả những gì tôi đã hiểu trong đời tôi về sáng tối, Điều mọi người biết về biểu hiện và khía cạnh mọi người không biết, Đoạn về bố cục ở đấy tôi hy vọng là tôi sẽ nói đến nó, Vài lời của tôi về kiến trúc, Một hệ luận nhỏ từ những vấn đề trên); Châm biếm I; Tán dương Richardson; Trò chuyện với Dorval về Đứa con hoang; Ý kiến ngược đời về diễn viên.
Những tác phẩm nghiên cứu, phê bình nghệ thuật của ông không khô khan đơn điệu mà giàu sắc thái văn chương. Chính tác giả là người có ý thức hẳn hoi về sự gắn bó chặt chẽ giữa văn học và nghệ thuật. Trong Luận về cái đẹp, Diderot bàn về những phạm trù lõi cốt của mỹ học. Với ông, cái đẹp là tất cả những gì gợi nên trong tôi những ý niệm tương quan, đó là sự hài hòa, trật tự giữa màu sắc, hình dáng, âm thanh... Một câu thơ có đẹp hay không phải đặt trong một bài thơ, một con người có đẹp hay không phải đặt trong môi trường, cái đẹp có đẹp hay không phải có sự tổng thể.
Cái thật, cái tốt và cái đẹp rất khăng khít với nhau
Cuốn sách “Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật” là tuyên ngôn của Diderot về nghệ thuật, tác giả viết: “Cái thật, cái tốt và cái đẹp rất khăng khít với nhau” ngay trang đầu tiên của cuốn sách. Cái thật trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp nghiên cứu và phê bình nghệ thuật của ông.
Thuật ngữ “cái thật” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của ông, nó có thể bật ra bất cứ lúc nào, khi bàn đến bất cứ vấn đề gì, về hội họa, về kiến trúc, về diễn xuất của diễn viên, về lĩnh vực phê bình. Ông xem nó là tiêu chuẩn cao nhất đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Muốn đạt được cái thật, nghệ sĩ không được xa rời tự nhiên. Ông kêu gọi họa sĩ vẽ theo tự nhiên, nhà điêu khắc tạc tượng theo tự nhiên, nhà văn sáng tác theo tự nhiên: “Nếu sự quan sát tự nhiên không phải là thị hiếu chủ đạo của nhà văn hoặc của nghệ sĩ, ta đừng trông chờ ở họ tạo nên được cái gì đáng giá”.
Tính chân thật và sự mô phỏng tự nhiên gắn bó mật thiết với nhau như hình với bóng trong ý thức cũng như dưới ngòi bút của tác giả. Diderot khẳng định: “Tự nhiên không làm gì sai quy tắc cả”, ý nói quy tắc sự thật, quy tắc cái tốt và quy tắc cái đẹp. Nếu ta biết quan sát tự nhiên, các quy luật cấu tạo sự vật, của ánh sáng, màu sắc, âm thanh, bóng tối, sự phối trí, sự hài hòa…, biết mô phỏng quy luật của nó thì sẽ tạo ra tác phẩm vĩ đại, trong đó chân, thiện, mĩ thống nhất với nhau.
Diderot cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng nghệ thuật chỉ là để mô tả cái đẹp. Tác phẩm nghệ thuật xứng đáng với tên gọi của nó không thể thiếu “cái tốt”. Ông cho rằng cái thiếu trong phần lớn những sáng tác của thời đại bấy giờ chính là “tư tưởng lớn”. Cái tư tưởng lớn chứa đựng trong tác phẩm làm rung động mọi người chính là cái tốt mà Diderot nêu lên thành một luận điểm mỹ học quan trọng. Với ông, nghệ thuật phải giúp người đọc thấu hiểu bản chất của xã hội, giúp họ phân biệt rõ điều thiện, điều ác. Phải mô tả hiện thực xã hội như nó vốn có.
Diderot đi vào lịch sử như người tiên phong và cha đẻ của bộ môn phê bình nghệ thuật hiện đại, mang lại sức sống mới cho các ngành nghệ thuật và lần đầu tiên giúp chúng được cất lên tiếng nói “bằng ngôn từ”. Chỉ cần qua cuốn sách có thể thấy các vấn đề về văn học nghệ thuật mà Diderot đưa ra rất phổ rộng, ông bàn từ chuyện phê bình văn chương, tới hội họa, kịch nghệ, tiểu thuyết… Những điều mà Diderot đưa ra trong cuốn sách đã khá lâu, nên nó mang tinh thần thời đại ấy, có thể đến ngày nay có nhiều điểm chúng ta đã vượt qua, hoặc không phù hợp với thời đại chúng ta, song có nhiều điểm vẫn còn giá trị cho tới ngày nay.
Cuốn sách “Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật” được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Nghệ thuật – Mỹ học trong Tủ sách Nền tảng đổi đời. Độc giả có thể dễ dàng tìm đọc và chọn mua sách tại các không gian Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee trên toàn quốc hoặc tại App Trung Nguyên Legend Café.
Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật
TRI THỨC LÀ ÁNH SÁNG!
TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC!
(Đón đọc kỳ sau: “Thuật gây ảnh hưởng hay là truyền bá tư tưởng”)