Ngay khi đề tham khảo cũng như phương thức tuyển sinh của các trường được công bố, nhiều học sinh đã quan tâm đến việc tư vấn chọn trường, chọn nghề làm sao cho phù hợp giữa "rừng" thông tin đang tràn ngập.

Tư vấn tuyển sinh 2022: Định hướng nghề nghiệp là cốt lõi

Dạ Thảo | 07/04/2022, 18:17

Ngay khi đề tham khảo cũng như phương thức tuyển sinh của các trường được công bố, nhiều học sinh đã quan tâm đến việc tư vấn chọn trường, chọn nghề làm sao cho phù hợp giữa "rừng" thông tin đang tràn ngập.

Theo số liệu của một số trường ĐH công bố vừa qua, có gần 50% học sinh không biết chọn ngành, nghề phù hợp, hơn 40% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì và 77% mong muốn bản thân được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân.

Định hướng nghề nghiệp là "cốt lõi" để chọn ngành

Các số liệu trên cho thấy một thực tế rằng, việc định hướng nghề nghiệp mới là "cốt lõi" trước khi học sinh quyết định chọn ngành, chọn nghề hay chọn trường. Các chuyên gia tên tuổi có nhiều kinh nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn chuyên sâu về định hướng nghề nghiệp dựa trên các yếu tố: Thực tiễn hiện tại, xu hướng phát triển của xã hội. Nguồn lực gia đình và khả năng, sở thích của mỗi học sinh để chọn trường, chọn ngành học. Từ đó, học sinh có định hướng rõ ràng hơn trong việc lựa chọn ngành nghề, trường đại học phù hợp. Điều này giúp giảm tình trạng học sinh không xác định được đúng mong muốn, thế mạnh của mình, dẫn đến việc lựa chọn sai ngành nghề, ảnh hưởng tới cả tương lai của bản thân. Đây là thực trạng khá phổ biến hiện nay khi nhiều sinh viên học một vài năm hoặc khi ra trường phải đi học lại ngành khác.

Khác với các kỳ thi tuyển sinh trước, năm 2022 Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển đại học. Điều này đã gây ra những lo lắng nhất định cho các thí sinh vì suốt gần 2 năm qua các thí sinh đều học online, kiến thức tiếp thu không được nhiều. Việc thay đổi hình thức tuyển sinh dù ít, dù nhiều cũng sẽ tạo ra sự hoang mang, lo lắng cho các thí sinh.

tuyen-sinh-2.jpg
Việc tư vấn tuyển sinh trước kỳ thi rất quan trọng đối với các thí sinh

Bên cạnh đấy, do chưa tìm hiểu kỹ về các ngành học và các trường nên nhiều học sinh đã chọn nhầm ngành, không có mục tiêu học hoặc không hiểu các môn học cơ bản trong toàn bộ ngành học của mình. Theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp; hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau…

Chia sẻ với phóng viên, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết năm nay dự đoán mặt bằng điểm thi thấp nhưng không thấp quá nhiều so với các năm trước. "Điều quan trọng nhất là các thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào ngành học nào, điểm chuẩn cũng sẽ thay đổi theo từng ngành, từng trường. Các em nên thích trường nào, ngành nào thì mạnh dạn, tự tin đăng ký vào học ngành đó bởi vì có sự thích thú các em mới có động lực để học tập. Đa số năm nay các thí sinh sẽ lựa chọn khối ngành kinh tế và sức khỏe, còn các ngành khác vẫn còn nhiều thí sinh chưa để ý nên tất nhiên điểm chuẩn sẽ thấp hơn nhiều, nên việc lựa chọn đúng ngành phù hợp năng lực học tập sẽ tăng cơ hội đỗ vào các trường ĐH hơn".

Cần định hướng nghề nghiệp sớm để không "đi lạc"

Theo các chuyên gia giáo dục, việc định hướng ngành nghề sớm với học sinh có vai trò rất quan trọng, qua đó giúp các em hiểu được năng lực, sở thích và đam mê, để từ đó theo đuổi ước mơ nhằm lập thân, lập nghiệp, tránh "đi lạc, ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ". Tuy vậy, có một thực tế là không ít học sinh dù có tư duy và quan điểm rõ ràng về ngành nghề nhưng vẫn chấp nhận đăng ký vào ngành học mà bố mẹ đã định hướng, để rồi sau 2 năm theo đuổi ước mơ của người khác, các em phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát. “Hệ lụy của việc chọn đại, học đại đã khiến không ít sinh viên vất vả, chật vật theo đuổi việc học vì không cảm thấy hứng thú. Nhiều sinh viên thậm chí ngay cả trong quá trình bắt đầu học đã tỏ ra chán nản vì không thấy niềm vui trong học tập. Thực tế, tỷ lệ sinh viên “hụt hơi”, nghỉ bỏ học, chuyển ngành sau 2 năm chiếm từ 10-12%. Trong đó, số sinh viên chuyển ngành, bỏ học để thi lại ngành học mình yêu thích chiếm con số không nhỏ”, một chuyên gia chia sẻ.

tu-van-tuyen-sinh.jpg
Các thí sinh đều được tư vấn kỹ càng trước khi đặt bút ghi nguyện vọng của bản thân

Trao đổi với phóng viên về việc định hướng nghề nghiệp cụ thể tới từng thí sinh, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An thì cho rằng hệ lụy của việc chọn ngành, chọn nghề sai của học sinh không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc, thanh xuân mà còn khiến các bạn bắt nhịp với thị trường lao động bằng sở đoản. “Điều này khiến các em tụt lại, chậm hơn người khác bởi bắt đầu mọi thứ ở thế chông chênh và không thuộc sở trường. Vì vậy, tôi cho rằng việc chọn ngành, nghề các bậc cha mẹ hãy để cho học sinh tự lắng nghe và trả lời các em cần gì, muốn gì và thích gì. Việc định hướng nghề nghiệp cho con chỉ nên đứng ở vai trò khuyến khích, tham vấn dựa trên thế mạnh nổi trội và đam mê của con thay vì đó là sự ép buộc”, ông An cho hay.

Có thể nói, việc chọn ngành, chọn nghề không đúng sở trường chắc chắn sẽ mang đến cho sinh viên nhiều vất vả trong việc học tập. Phần đông sinh viên phát hiện ra mình đã bước sai nghề thường rơi vào năm 2 hoặc năm 3, khi đó rơi vào trạng thái khá loay hoay, không tìm được hướng ra. Có học sinh chán nản thì bỏ học hẳn hoặc chuyển ngành, thi lại, học sinh nào cố gắng và hoàn thành xong luôn chương trình học 4 năm thì sau khi ra trường cũng khó có thể trụ và phát huy tốt nhất thế mạnh bản thân ở vị trí công việc mình học, buộc phải làm việc trái với nghề đã học, không tìm được cơ hội để vươn lên trong cuộc sống với công việc của mình.

Đưa ra kinh nghiệm về việc tư vấn của mình, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho biết hiện nay những ngành ngôn ngữ được đa số các học sinh lựa chọn xét tuyển, điểm chuẩn của các khoa cũng khá cao. Tuy nhiên có nhiều bạn học sinh lựa chọn ngành này vì thấy nó đang "hot" chứ không thật sự hiểu học xong mình ra trường thì làm công việc gì. "Các em cần lưu ý rằng, ngành hot mà bản thân không chịu học hay không yêu thích, không giỏi được ở ngành đó thì cũng sẽ bị đào thải. Những ngành tưởng chừng kém hot hơn nhưng nếu các em làm thật tốt thì cơ hội công việc vẫn rất rộng mở”.

Đưa ra lời khuyên của mình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết trước kỳ thi tuyển sinh nào cũng đều có những áp lực nhất định riêng và học sinh cần học cách điều chế, cân bằng cảm xúc của bản thân để tự tin trong việc làm bài. Học sinh nên coi áp lực chính là động lực để cố gắng, các em có thể chia sẻ với bạn bè, thầy cô, học theo nhóm để có cơ hội hiểu hơn từ ngành nghề cho tới việc học của mình, biết mình yếu ở môn nào để khắc phục. Hơn hết, trước khi tới kỳ thi các em cần giữ thói quen thư giãn để lấy lại cân bằng bản thân, hiểu được bản thân học tới đâu thì thi tới đó, không cố quá ở các ngành học không phù hợp với năng lực học của mình.

Việc định hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công trong tương lai. Khi có định hướng đúng đắn, mỗi cá nhân sẽ phát huy khả năng của mình để tiếp cận tới công việc của bản thân. Từ đó học sinh sẽ phát huy được khả năng của mình, luôn tự tin vững bước hướng đến tương lai với công việc yêu tích và đạt hiệu quả cao trong việc mình đã lựa chọn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tư vấn tuyển sinh 2022: Định hướng nghề nghiệp là cốt lõi