Sau trận đại thắng U19 Myanmar, đội tuyển U19 Việt Nam ngập tràn trong những lời khen ngợi. Điều đó khỏi phải nói. Tôi thấy có một dòng trạng thái hiển thị trên facebook của mình: “Các mẹ ơi, có biết điểm chung của Maradona, Messi, Zidane, Totti, Dennis Bergkamp là gì không? Họ đều được so với các cầu thủ U19 Việt Nam đấy”.
Status vui, trích từ sự ví von của các BLV trên sóng truyền hình nhưng không thể khiến tôi không suy ngẫm, ngay cả khi vẫn đang lâng lâng với chiến thắng của các cầu thủ con cưng, lúc này đây.
Ở đời làm sao tránh khỏi có lúc muốn chửi hay muốn khen một ai đó. Chẳng riêng gì các BLV, ngay cả các bậc cao thủ tưởng đã tu nhân đắc đạo, cho dù đã học thiền, có luyện tâm đến mức độ nào thì cũng không tránh khỏi những lúc xúc cảm bột phát, ngoa thanh lộng ngữ, xuất cuồng ngôn...
Người Việt có câu: Thằng nào thích khen thì khen cho nó chết. Khen mà không biết hậu quả, khác gì hại nhau.
Khen cho nó chết, đúng là kế sách của bậc cao thủ! Bởi khi ta đã say vì khen, quen được khen thì mắt rồi sẽ mờ, tai rồi sẽ điếc, tim rồi sẽ chai, sớm muộn cũng hỏng... Ta nhìn đời mà chỉ toàn thấy ta, chỉ biết cho ta, chỉ nghĩ cho ta, chết là cái chắc! Nhất là khi ta được “bọn xấu” đồng tâm khen hội đồng, khen sớm tối, khen toàn phần lại càng chết sớm! Sao mà tránh khỏi!
Nhớ chuyện quan văn quan võ khi xưa: Thằng bé ngồi trên cây thấy ông quan văn đi qua, liền tè bậy vào đầu. Ông không đánh mắng mà còn gọi xuống khen, tè giỏi lắm, bảo xuống đây ông cho tiền.
Thằng bé thấy bở, lúc thấy quan võ đi qua cũng tè bậy, quan võ tuốt gươm chém chết thằng bé. Thằng bé thì chết, quan võ bị tước áo mũ và tống vào đại lao. Sau này người đời mới ngẫm ra: Khen kiểu quan văn.
Hãy tưởng tượng, khi chăm sóc, dạy dỗ con chúng ta, mình suốt ngày chỉ có khen, biểu dương, tung hô... và thậm chí còn đi nói xấu con hàng xóm, cố tìm ra lỗi của hàng xóm... mà không phân tích cái không được, cái hạn chế của con mình... thì đâu phải là cha mẹ! Phải không ạ?
Một số người chỉ biết khen các em U19 mà không phân tích điều còn hạn chế của họ, khi cầu thủ mình bị phạm lỗi thì có chiều hướng đổ cho đội bạn, khi đội mình bị thủng lưới thì nói đội bạn may mắn...
Vậy thì sao, điều này rất nguy hiểm và là tư tưởng dân tộc hẹp hòi! Làm cho những người xem, nhất là người cùng tư tưởng với những người đưa ra lời khen đó thường có xu hướng cực đoan, hẹp hòi, yêu đội mình khi thắng nhưng ngay lập tức có thể tẩy chay ngay khi thua vì hậu quả của lối bình luận, khen chê không có tầm nhìn đó. Nếu những bình luận đó trên phương tiện truyền thông rộng lớn thì lại càng nguy hiểm.
Theo tôi, có lẽ, điều mà đội tuyển U19 Việt Nam cần hiện nay là khen hoặc chê thật lòng. Cái hay thì nói hay, cái dở thì nói dở, chứ không phải cứ chê là bị phê bình “phá hoại sản xuất, ném đá đại hội”. Để rồi khen lấy được, vô tình đẩy đội bóng vào thế “khen cho nó chết”, bởi từ những lời khen đến thực tế đẳng cấp là một khoảng cách rộng. Và từ động viên đến đáng khen khác nhau một trời một vực.
Nhưng cũng may, U19 Việt Nam có cung cách ứng xử, cùng với tâm thế phần nhiều bình thản, trước cả lời khen hay chê dành cho họ. Như tôi đọc trên báo Thể thao & Văn hóa câu trả lời của đội trưởng Công Phượng trong buổi họp báo trước giải U19 Đông Nam Á: “Chúng em được học cả văn hóa nữa, được giáo dục tốt, nên không sợ mình bị sa ngã bởi những cám dỗ”.
Chỉ mong các cầu thủ U19 Việt Nam đứng vững trên mặt đất, như họ vẫn đang làm được.
Nam Hà (Thanh Xuân - Hà Nội)/TTVH