Trung Quốc đang càn quét một lượng lớn dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới để gây ảnh hưởng tới an ninh các quốc gia, nhằm bảo đảm tương lai chính trị của nước này, một báo cáo mới của Viện Chính sách chiến lược Úc lập luận.
Theo báo cáo này, Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng - và khi có thể kiểm soát - môi trường chính trị và trực tuyến toàn cầu để từ đó, nâng cao thiện cảm của công chúng trên toàn thế giới với nước này. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã mở rộng hoạt động ảnh hưởng sang các tổ chức như các trường đại học ở Anh, Mỹ và Úc.
Tiến sĩ Samantha Hoffman của Viện Chính sách chiến lược Úc, lập luận rằng nếu chỉ tập trung vào các hoạt động như công nghệ 5G hay gián điệp mạng liên quan tới Bắc Kinh, sẽ có nguy cơ bỏ qua một bức tranh lớn hơn về các hoạt động của Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tầm nhìn đầy tham vọng trong việc khai thác hệ thống công nghệ hiện tại và mới nổi để đảm bảo cho lợi ích của mình, bao gồm cả các thiết bị có thể được coi là tương đối lành tính, như công nghệ dịch thuật ngôn ngữ.
Ngoài ra, báo cáo trêncũng cho biết Trung Quốc đã thành lập một hệ sinh thái thu thập dữ liệu toàn cầu, sử dụng các doanh nghiệp nhà nước, các công ty công nghệ Trung Quốc và quan hệ đối tác với các tổ chức và tổ chức nước ngoài - bao gồm các trường đại học phương Tây - để tăng cường khai thác các lợi ích.
Báo cáo trích dẫn các hoạt động toàn cầu của công ty Trung Quốc Global Tone Communications Technology Co Ltd (GTCOM), một công ty con của một doanh nghiệp nhà nước được giám sát trực tiếp bởi Cục Tuyên truyền Trung ương Chính phủ Trung Quốc.
GTCOM, tự tuyên bố là công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, thu thập dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới bằng hơn 65 ngôn ngữ, phân tích và xử lý dữ liệu mà chính phủ và khách hàng doanh nghiệp sử dụng.
Một trong những nền tảng của GTCOM, Insidersoft, vốn tập trung thu thập dữ liệu từ các phương tiện truyền thông và truyền thông xã hội, đã thu thập 10 terabyte mỗi ngày - tương đương với 5 nghìn tỉtừ. Hàng năm, nền tảng này thu thập từ 2 đến 3 petabyte - tương đương với 20 tỉ ảnh trên Facebook. Nó còn thu thập thông tin thông qua các dịch vụ dịch thuật trực tuyến, dịch máy đa ngôn ngữ và phần mềm nhận dạng giọng nói và video.
Bên cạnh đó, báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc cho rằng các chính phủ nên tăng cường luật riêng tư dữ liệu và thường xuyên cập nhật các biện pháp minh bạch chính thức như Chương trình minh bạch ảnh hưởng nước ngoài của Úc.
Việc công bố báo cáo về Trung Quốc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm sâu sắc đối với quan hệ Úc -Trung, vốn đã dần trở nên tồi tệ hơn đối với một số vấn đề kéo dài, bao gồm cả sự can thiệp của nước ngoài vào giáo dục,chính trị, cùng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông vàsự hiện diện viện trợ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton cho rằng Trung Quốc đang cư xử theo cách không phù hợp với những giá trị của Canberra bằng việc nhằm vào các đảng chính trị và các trường đại học tại quốc gia châu Đại Dương, một tuyên bố có thể tiếp tục khiến căng thẳng giữa 2 nước leo thang.
"Chúng tôi có mối quan hệ thương mại rất quan trọng với Trung Quốc - cực kỳ quan trọng.Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không cho phép sinh viên đại học bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ không cho phép hành vi ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và chúng tôi sẽ không để cho các cơ quan chính phủ hoặc các cơ quan phi chính phủ của chúng tôi bị tấn công",ôngDutton cho biết.
Phản ứng trước bình luận của Bộ trưởng Nội vụ Úc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã gọi những lời nhận xét là “không hợp lý... gây sốc và vô căn cứ”, đồng thời cho rằng động thái này “cấu thành nên một sự khiêu khích hoàn toàn đối với người dân Trung Quốc”.
“Những phát ngôn vô lý như vậy làm tổn hại nghiêm trọng đến sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Úc và phản bội lợi ích chung của hai dân tộc”, Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố.
Hoàng Vũ (theo The Guardian)