Theo Washington Post, Mỹ đã viện trợ hơn 60 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào tháng 2.2022.
Một phân tích gần đây cho thấy các gói viện trợ khác nhau của Mỹ dành cho Ukraine bao gồm khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá 42 tỉ USD đã biến nước này trở thành quốc gia nhận được khoản tài chính lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II.
"Đây là những con số nằm ngoài bảng xếp hạng", ông Michael O’Hanlon của tổ chức tư vấn Brookings Institution nói với Washington Post.
Ông O'Hanlon cho rằng hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Ukraine chỉ có thể được so sánh về mặt lịch sử với Kế hoạch Marshall - gói viện trợ của Mỹ giành cho Tây Âu sau khi Thế chiến II kết thúc. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, sáng kiến đó đã tài trợ cho các nỗ lực phục hồi sau chiến tranh với số tiền khoảng 150 tỉ USD trong hơn 3 năm.
Khoản hỗ trợ tài chính của Washington giành cho Ukraine còn vượt xa một số đối tác nước ngoài truyền thống của Mỹ. Mỹ đã viện trợ 8,6 tỉ USD cho Israel trong năm 2022 và 2023. Trong cùng kỳ, Mỹ đã hỗ trợ cho Ai Cập và Jordan số tiền là 6,2 tỉ USD.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 18, một số dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kyiv đã suy yếu.
Một cuộc khảo sát vào tháng 6 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 44% đảng viên Cộng hòa và những người ủng hộ đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine. Song ông O'Hanlon nói Mỹ có thể tiếp tục tài trợ vô thời hạn cho Ukraine.
"Chúng ta có thể làm điều đó mãi mãi. Điều đó không phải là không bền vững về mặt kinh tế. Nhưng nó có thể không bền vững về mặt chính trị", ông O'Hanlon nói thêm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19.7 ca ngợi và cảm ơn sự hỗ trợ vững vàng của Mỹ, cho rằng số viện trợ sẽ giúp cứu nhiều người Ukraine và đưa nước này đến gần hơn với chiến thắng.
Trong khi đó, Nga nhiều lần cảnh báo dòng tiền và vũ khí Mỹ bơm cho Ukraine chỉ khiến kéo dài xung đột và không giúp giải quyết nhiều vấn đề.