Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý liên quan COVID-19 được công bố gần đây.

Vắc xin dạng uống tạo kháng thể cao ở niêm mạc mũi, nhiễm Omicron 3 tháng cuối thai kỳ có thể sinh non

Sơn Vân | 22/07/2022, 09:49

Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý liên quan COVID-19 được công bố gần đây.

Vắc xin COVID-19 dạng viên uống của Vaxart tạo kháng thể cao ở niêm mạc mũi

Một loại vắc xin COVID-19 thử nghiệm ở dạng viên uống đã cho thấy các đáp ứng miễn dịch đầy hứa hẹn trong một thử nghiệm sơ bộ nhỏ được thiết kế chủ yếu để đánh giá tính an toàn của nó, theo nhà sản xuất thuốc Vaxart.

Công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco, California, Mỹ trước đó cho biết vắc xin dạng viên này được dung nạp tốt, không có ai bỏ nghiên cứu vì tác dụng phụ. Họ vừa báo cáo về đáp ứng miễn dịch ở 35 tình nguyện viên khỏe mạnh uống viên thuốc này.

Trong khi các loại vắc xin COVID-19 hiện được phê duyệt tạo ra kháng thể trong máu, viên thuốc này tạo ra kháng thể trong niêm mạc - các mô lót mũi và đường thở là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi rút SARS-CoV-2, theo một báo cáo được đăng trên trang web y tế medRxiv trước khi đánh giá ngang hàng.

Gần một nửa số người tình nguyện cho thấy sự gia tăng các kháng thể kéo dài có khả năng liên kết với nhiều vị trí trên biến thể Delta và Omicron. Các mẫu nước bọt và mũi cho thấy một nửa số người tham gia nghiên cứu có lượng kháng thể cao hơn những người tương tự có lượng kháng thể là kết quả của các lần nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Các nhà nghiên cứu nói khả năng trung hòa vi rút SARS-CoV-2 nâng cao kéo dài trong 6 tháng.

Trong tương lai, các nghiên cứu lớn hơn được thiết kế đặc biệt để kiểm tra tính hiệu quả của vắc xin dạng viên là cần thiết, cũng như các nghiên cứu để kiểm tra xem liệu vắc xin vectơ adenovirus này có hoạt động tốt ở những người từng tiêm vắc xin mRNA từ Pfizer - BioNTech hoặc Moderna.

vac-xin-dang-uong-tao-khang-the-cao-o-niem-mac-mui.jpg
Vắc xin COVID-19 dạng viên uống của Vaxart mang đến kết quả đầy hứa hẹn trong thử nghiệm, tạo kháng thể cao ở niêm mạc mũi

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ nhiễm Omicron nghiêm trọng

Một nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra rằng huyết áp cao làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ nhập viện khi nhiễm biến thể Omicron, ngay cả ở những người đã được tiêm vắc xin đầy đủ và nhận mũi tăng cường.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở thành phố Los Angeles, Mỹ đã nghiên cứu 912 người mắc COVID-19 khi Omicron là biến thể chiếm ưu thế dù nhận ít nhất ba liều vắc xin mRNA từ Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, trong đó có 145 người phải nhập viện.

Nguy cơ mắc bệnh nặng tăng lên ở những người có các yếu tố nguy cơ phổ biến như tuổi già, suy tim hoặc bệnh thận, các nhà nghiên cứu đã báo cáo trên Tạp chí Hypertension.

Tăng huyết áp có liên quan đến mức độ rủi ro lớn nhất, làm tăng gấp đôi tỷ lệ người mắc COVID-19 sẽ phải nhập viện, các nhà nghiên cứu nói thêm.

Họ phát hiện ra ngay cả khi chỉ xem xét những người trẻ hơn với các cơ quan nói chung khỏe mạnh, tăng huyết áp vẫn có liên quan đến "những rủi ro đáng kể và có ý nghĩa".

"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người nhập viện vì COVID-19 bị tăng huyết áp và không có yếu tố nguy cơ nào khác. Điều này đáng lo ngại khi bạn xem xét rằng gần một nửa số người Mỹ trưởng thành bị cao huyết áp", trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Susan Cheng, cho biết trong một tuyên bố.

Nhiễm Omicron 3 tháng cuối thai kỳ liên quan sinh non

Theo các nhà nghiên cứu Israel, nhiễm biến thể Omicron trong 3 tháng cuối thai kỳ có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non.

Các bác sĩ ở đó đã so sánh 2.753 bệnh nhân mang thai có xét nghiệm PCR dương tính với COVID-19 trong năm nay với cùng số lượng người mang thai tương tự nhưng không nhiễm SARS-CoV-2.

Nhiễm Omicron không liên quan đến sinh non khi được chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai, nhưng ảnh hưởng gần một nửa số phụ nữ nhiễm Omicron trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ).

Trong nhóm này, tỷ lệ sinh non là 5,8%, so với 2,3% ở những phụ nữ không nhiễm SARS-CoV-2 cùng giai đoạn của thai kỳ, nghiên cứu cho thấy.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác, phụ nữ được chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ ba có nguy cơ sinh non sớm hơn gần 3 lần so với phụ nữ không nhiễm SARS-CoV-2. Những người được chẩn đoán sau 34 tuần tuổi thai kỳ có nguy cơ sinh non cao hơn khoảng 7 lần, theo một báo cáo được xuất bản trên Tạp chí PLOS One. Nhiễm Omicron có triệu chứng làm tăng nguy cơ hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu viết: “Phụ nữ trong tam cá nguyệt thứ ba, đặc biệt là sau 34 tuần tuổi thai, nên thực hành giãn cách xã hội và bảo vệ hô hấp để giảm nguy cơ kết quả thai kỳ bất lợi”. Họ nói thêm rằng phụ nữ ở giai đoạn đầu của thai kỳ không nên mất cảnh giác vì nghiên cứu không đánh giá "những khác biệt tiềm ẩn khác với người mẹ hoặc trẻ sơ sinh".

Bài liên quan
Pfizer công bố hiệu quả vắc xin mới nhắm đến Omicron để cạnh tranh với Moderna
Hôm 25.6, Pfizer và BioNTech cho biết liều tăng cường phiên bản cập nhật vắc xin COVID-19, được sửa đổi nhắm vào Omicron, tạo ra đáp ứng miễn dịch cao hơn chống lại biến thể đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin dạng uống tạo kháng thể cao ở niêm mạc mũi, nhiễm Omicron 3 tháng cuối thai kỳ có thể sinh non