Hãng thông tấn nhà nước hôm 18.7 cho biết Triều Tiên đang trên đường "cuối cùng xoa dịu" cuộc khủng hoảng từ đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên, trong khi các nước châu Á láng giềng đối mặt làn sóng dịch mới do Omicron BA.4 và BA.5 gây ra.
Triều Tiên cho biết 99,98% trong số 4,77 triệu bệnh nhân bị sốt ở nước này kể từ cuối tháng 4.2022 đã hồi phục hoàn toàn. Song do thiếu xét nghiệm, Triều Tiên đã không công bố bất kỳ số liệu nào về những người được chứng minh là dương tính với COVID-19.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết: “Chiến dịch chống dịch được cải thiện để cuối cùng xoa dịu hoàn toàn cuộc khủng hoảng”.
KCNA thông báo rằng Triều Tiên ghi nhận thêm 310 người có triệu chứng sốt.
Thông tin này khá ngạc nhiên vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng trước cho biết họ tin rằng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơnp.
Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Sejong (Hàn Quốc), nhận định: “Theo xu hướng hiện tại, Triều Tiên có thể thông báo trong vòng chưa đầy một tháng nữa rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 của họ đã kết thúc và đó có thể là bước dạo đầu cho việc nối lại thương mại xuyên biên giới”.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã sử dụng đại dịch để thắt chặt các biện pháp kiểm soát xã hội vốn đã nghiêm ngặt. Triều Tiên đổ lỗi cho sự bùng phát dịch của "những thứ bên ngoài" gần biên giới với miền nam, kêu gọi người dân tránh bất cứ điều gì đến từ bên ngoài.
Các ca sốt mới hàng ngày ở Triều Tiên được KCNA báo cáo giảm dần kể từ khi quốc gia này lần đầu tiên thừa nhận vào giữa tháng 5.2022 rằng đang chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19.
Thiếu nỗ lực tiêm vắc xin COVID-19 công khai, Triều Tiên cho biết đang tiến hành kiểm tra y tế chuyên sâu trên toàn quốc, với các xét nghiệm PCR mẫu nước được thu thập hàng ngày ở các khu vực biên giới.
Triều Tiên cũng cho biết đang phát triển các phương pháp mới để phát hiện tốt hơn vi rút SARS-CoV-2 và các biến thể của nó, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn bệnh đậu mùa khỉ.
Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh các nước láng giềng châu Á khác đang phải vật lộn với làn sóng SARS-CoV-2 mới. Trung Quốc báo cáo 691 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 16.7, gồm 154 trường hợp có triệu chứng và 537 ca không triệu chứng.
Trong số này, có 580 ca COVID-19 lây truyền trong cộng đồng, cao nhất kể từ ngày 23.5. Phần lớn được phát hiện ở tỉnh Quảng Tây và Cam Túc.
Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc, hôm 17.7 đã thông báo rằng các quận chính sẽ kéo dài thời gian phong tỏa tạm thời thêm 7 ngày nữa đến 24.7.
Thành phố Thành Đô, nơi đã báo cáo 7 ca COVID-19 tại địa phương vào ngày 17.7 tính đến 16 giờ, đóng cửa một số cơ sở kinh doanh giải trí như quán bar và karaoke, áp dụng giới hạn sức chứa tại các nhà hàng, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục. Một kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ cũng sẽ được yêu cầu với những người rời thành phố từ 18 giờ chiều 18.7, chính quyền địa phương cho biết.
Thủ đô Bắc Kinh báo cáo thêm một ngày không có ca COVID-19 mới. Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, ghi nhận 26 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng hôm 16.7, với một trường hợp được tìm thấy bên ngoài khu vực cách ly.
Ở Hàn Quốc, số ca mắc COVID-19 hàng ngày tăng vọt hôm 13.7 trên 40.000 lần đầu tiên sau 2 tháng, với các nhà chức trách và chuyên gia dự đoán hàng trăm ngàn ca mới trong những tuần tới.
Thủ tướng Han Duck-soo phát biểu tại cuộc họp COVID-19 của chính phủ, trích dẫn quan điểm của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) và các chuyên gia cho rằng: “Các ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày có thể tăng lên tới 200.000 từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9”.
Con số 40.266 được công bố hôm 13.7 thể hiện mức tăng 8% so với ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ 11.5 (43.908 ca). Mức 200.000 ca COVID-19 mỗi ngày được nhìn thấy lần cuối ở Hàn Quốc vào tháng 2.2022.
Han Duck-soo cho biết những người ở độ tuổi 50 và những ai mắc các bệnh nền sẽ đủ điều kiện để tiêm mũi vắc xin nhắc lại lần hai. Đến nay, chỉ những người Hàn Quốc từ 60 tuổi trở lên mới đủ điều kiện tiêm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp nhận thấp, chỉ 32% chọn nhận mũi vắc xin COVID-19 thứ tư.
Hàn Quốc hồi tháng 5.2022 đã bãi bỏ hầu hết hạn chế liên quan đến đại dịch, bao gồm cả quy định về đeo khẩu trang ngoài trời, vì các trường hợp mắc COVID-19 chậm lại sau khi đạt đỉnh hơn 600.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 3.2020.
“Chính phủ không có kế hoạch ngay lập tức để khôi phục các hạn chế nhưng không loại trừ chúng nếu có một thay đổi quan trọng trong tình hình COVID-19”, Han Duck-soo cho hay. Ông nói thêm, yêu cầu cách ly 7 ngày với những người mắc COVID-19 vẫn được áp dụng.
Nhật Bản cũng cảnh báo rằng một làn sóng dịch COVID-19 mới dường như đang lây lan nhanh chóng khi Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi người dân đặc biệt cẩn thận trước kỳ nghỉ hè ở trường.
16.878 ca mắc COVID-19 mới của thủ đô Tokyo hôm 13.7 là cao nhất kể từ tháng 2.2022, trong khi tổng số ca trên toàn quốc tăng trên 110.000 vào ngày 16.7, trong đợt bùng phát dịch lớn chưa từng thấy kể từ đầu năm nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản - Shigeyuki Goto cho biết: “Số ca mắc COVID-19 mới đang tăng lên ở mọi tỉnh ở Nhật Bản và nó dường như đang lây lan nhanh chóng”.
Một làn sóng dịch COVID-19 mới đang nhanh chóng lan rộng khắp châu Á, khiến người dân nhiều nước được cảnh báo về các biện pháp phòng ngừa để làm chậm sự bùng phát và giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải.
Sự gia tăng các ca mắc COVID-19, hầu hết do biến thể Omicron BA.4 và BA.5 gây ra, mang đến một thách thức cho các nhà chức trách đang vật lộn với sự suy thoái kinh tế từ các đợt đại dịch trước đó, trong khi cố gắng tránh mở rộng hoặc áp dụng lại các hạn chế.
Người trẻ và trung niên nhiễm biến thể Omicron trước đó có thể tránh tái nhiễm BA.4/BA.5
Các nhà nghiên cứu cho biết những người trưởng thành trẻ tuổi và trung niên nhiễm phiên bản Omicron trước đó (chẳng hạn BA.1 hay BA.2) có khả năng được bảo vệ mạnh mẽ chống tái nhiễm BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra nếu họ nhiễm một biến thể lưu hành trước Omicron (chẳng hạn Delta), theo một nghiên cứu từ Qatar.
Các nhà nghiên cứu ở Qatar phát hiện ra rằng sau khi tính đến tình trạng tiêm vắc xin, việc nhiễm biến thể trước Omicron dường như chỉ có 15,1% hiệu quả trong việc ngăn ngừa tái nhiễm BA.4/BA.5 có triệu chứng và 28,3% hiệu quả trong việc ngăn ngừa bất kỳ sự tái nhiễm BA.4/BA.5 nào. Tuy nhiên, một trường hợp nhiễm biến thể Omicron trước đó có hiệu quả 76,1% tránh tái nhiễm BA.4/BA.5 có triệu chứng và 79,7% với bất kỳ sự tái nhiễm BA.4/BA.5 nào.
Nghiên cứu không đánh giá mức độ nghiêm trọng của tái nhiễm BA.4/BA.5.
Trong một báo cáo đăng trên trang medRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những phát hiện này có thể không áp dụng được ở những người lớn tuổi, vì Qatar chỉ có 9% cư dân trên 50 tuổi.
“Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiễm biến thể trước Omicron có khả năng bảo vệ tránh tái nhiễm BA.4/BA.5 yêu hơn so với BA.1/BA.2”. Điều đó cho thấy rằng BA.4/BA.5 có khả năng lớn hơn BA.1/BA.2 để thoát khỏi phản ứng của hệ thống miễn dịch, theo trưởng nhóm nghiên cứu, Laith Jamal Abu Raddad thuộc Trường đại học Weill Cornell Medicine-Qatar.