Tiến sĩ Peter Palese nói có thể làm ra vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi với giá 30 xu một liều, so với 30 USD như vắc xin mRNA.

Vắc xin xịt mũi 30 cent/liều có tiềm năng ngăn nhiễm SARS-CoV-2 được phát triển thế nào?

Sơn Vân - Ảnh: USA Today | 09/05/2022, 21:47

Tiến sĩ Peter Palese nói có thể làm ra vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi với giá 30 xu một liều, so với 30 USD như vắc xin mRNA.

Tiến sĩ Peter Palese kéo cánh cửa của một phòng thí nghiệm trên tầng 16 tại Bệnh viện Mount Sinai, thành phố New York, Mỹ. Bên trong căn phòng ấm áp có những khay đựng trứng gà xếp chồng lên nhau, được giao vào thứ Ba hàng tuần.

Peter Palese cầm một chiếc đèn pin để xem những quả trứng này khác với trứng thường được ăn vào bữa sáng như thế nào. Các đường gân đỏ xuất hiện trên trứng.

vac-xin-xit-mui-co-the-ngan-nhiem-sars-cov-2-gia-30-xu-lieu.jpg
Tiến sĩ Peter Palese cho thấy một quả trứng sẽ được sử dụng để giúp phát triển vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi

Trong phòng thí nghiệm ở phía bên kia hành lang, các nhà nghiên cứu đã cẩn thận cho từng quả trứng lây nhiễm một loại vi rút gia cầm vô hại với con người. Khi vi rút gây bệnh Newcastle này nhân lên, nó cũng tạo ra các bản sao tương tự protein gai từ SARS-CoV-2 đã gây bất ổn trên thế giới trong hơn 2 năm qua.

Mỗi quả trứng có thể phát triển đủ cho khoảng 10-100 liều vắc xin thử nghiệm dùng để chống lại COVID-19. Thay vì tiêm vào cánh tay của ai đó, loại vắc xin mà các nhà nghiên cứu đang phát triển được thiết kế để nhỏ giọt vào mũi.

Các loại vắc xin COVID-19 hiện tại rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh nặng. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 ngay cả sau khi tiêm 2, 3 mũi vắc xin hoặc hơn thế.

Các nhà nghiên cứu hy vọng một cách phân phối khác sẽ tạo ra một loại vắc xin ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tốt hơn. Bằng cách đưa trực tiếp vào mũi, vắc xin có thể ngăn vi rút bám vào màng nhầy, nơi lần đầu tiên nó xâm nhập vào cơ thể.

Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để chứng minh liệu cách tiếp cận này có hiệu quả hay không. Ngay cả khi có, vắc xin này có thể sẽ mất 1 năm nữa để được phổ biến rộng rãi. Thế nhưng, các nhà khoa học rất vui mừng về khả năng của chúng.

Tôi không muốn nói quá vì chưa ai chứng minh được hiệu quả của chúng, nhưng tiềm năng của chúng là cực kỳ cao. Tôi thực sự rất phấn khích”, theo Tiến sĩ Paul Spearman, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Cincinnati Children ở bang Ohio (Mỹ), người đang phát triển một loại vắc xin COVID-19 xịt mũi khác không phát triển trong trứng.

Từ cúm đến COVID-19

Đều công tác tại Trường Y Icahn ở Bệnh viện Mount Sinai, Peter Palese và Florian Krammer đã làm việc nhiều năm để phát triển các loại vắc xin cúm phổ biến tiêm một lần có tác dụng trong vài thập kỷ thay vì mỗi năm một lần.

Florian Krammer là chuyên gia về kháng thể, còn Peter Palese tạo ra các cấu trúc vắc xin thực sự. Một đồng nghiệp của 2 người này là Adolfo Garcia-Sastre dẫn đầu nghiên cứu trên các mô hình động vật và tiến sĩ Sean Liu điều hành các thử nghiệm trên người.

Khi đại dịch bắt đầu, tất cả họ đều chuyển hướng nghiên cứu sang vắc xin COVID-19.

vac-xin-xit-mui-co-the-ngan-nhiem-sars-cov-2-gia-30-xu-lieu1.jpg
Tiến sĩ Peter Palese mang theo những quả trứng sẽ được sử dụng để giúp phát triển vắc xin COVID-19 xịt mũi

Florian Krammer cho biết nhóm nghiên cứu đã chọn nuôi cấy vắc xin của họ trong trứng gà vì vắc xin cúm về cơ bản được sản xuất theo cách tương tự (nhưng với một loại vi rút khác). Vắc xin mới, về mặt kỹ thuật được gọi là NDV-HXP-S, có thể được sản xuất bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng vắc xin cúm hiện có, tạo ra hàng triệu liều mỗi năm trên toàn thế giới.

Florian Krammer nói: “Chúng tôi có thể tạo ra nhiều loại vắc xin một cách nhanh chóng”.

Việt Nam và một số quốc gia sẵn sàng sản xuất vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi. Việt Nam đang chuẩn bị đưa vắc xin này vào các thử nghiệm lớn, giai đoạn 3.

Ngày 1.4.2022, Viện Pasteur Nha Trang cho biết dự kiến tuyển khoảng 3.000 tình nguyện viên, từ 18 tuổi trở lên thử nghiệm vắc xin xịt mũi phòng COVID-19 giai đoạn 3 ở Khánh Hòa và Quảng Nam.

Những người đăng ký tham gia phải đảm bảo tiêu chí khỏe mạnh, bệnh nhẹ ổn định; tiêm liều vắc xin COVID-19 cuối cùng cách đây ít nhất 3 tháng; chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 và sẵn sàng tuân thủ 4 lần thăm khám của nghiên cứu.

Thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 kéo dài từ nay tới hết tháng 4. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm dự kiến kéo dài 1 năm, từ ngày sử dụng vắc xin COVID-19 dạng phun sương xịt mũi.

Khi đăng ký, tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, sau đó phun 2 liều vắc xin COVID-19 vào mũi, mỗi liều cách nhau 14 ngày. Họ sẽ được theo dõi sức khỏe trong một năm với bốn lần thăm khám. Một tình nguyện viên nhận hỗ trợ 900.000 đồng/một lần thăm khám.

Theo lãnh đạo Viện Pasteur, các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 1 và 2 của vắc xin COVID-19 dạng phun sương xịt mũi đã chứng minh tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch tốt. Nghiên cứu được xem xét và phê duyệt của cơ quan quản lý các cấp và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học.

Người dân có nhu cầu ứng tuyển có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố nơi đang sinh sống; Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam hoặc liên hệ tư vấn qua các số điện thoại đường dây nóng.

Vắc xin COVID-19 xịt mũi cực kỳ hữu ích ở các quốc gia không có nhiều người được đào tạo để tiêm phòng.

Vắc xin này có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường thay vì nhiệt độ âm sâu, điều này sẽ làm cho nó rẻ hơn, dễ dàng hơn trong việc cung cấp cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Peter Palese nói: “Chúng tôi có thể làm điều này với giá 30 cent một liều so với 30 USD như vắc xin mRNA”.

Ở Mỹ, vắc xin xịt mũi sẽ được sử dụng như một liều tăng cường. Trong một thử nghiệm giai đoạn đầu hiện tại ở Bệnh viện Mount Sinai, các nhà nghiên cứu đang thử nó trên những người tình nguyện, đo nồng độ kháng thể trong máu như với các loại vắc xin COVID-19 khác, cũng như trong nước mũi và nước bọt của họ để xem liệu vắc xin có thể kích hoạt đáp ứng miễn dịch bảo vệ ở đó hay không.

Nhóm nghiên cứu sử dụng vi rút gây bệnh Newcastle bởi rất ít người từng tiếp xúc với nó trước đây, đồng nghĩa hệ thống miễn dịch của họ sẽ không loại bỏ vi rút này trước khi nó có cơ hội hoạt động.

Florian Krammer nói: “Ngoại trừ trường hợp bạn là một nông dân nuôi gà, về cơ bản sẽ không có cơ hội để bạn tiếp xúc vi rút này”.

Họ cũng thử theo đuổi các biến thể khác nhau và nhận thấy sự bảo vệ rộng rãi hơn nhiều khi sử dụng ba biến thể trong một loại hỗn hợp thay vì chỉ một.

Các loại vắc xin COVID-19 xịt mũi khác đang được phát triển, mỗi loại sử dụng một cách tiếp cận hơi khác nhau.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nghiên cứu một loại vắc xin mũi tiềm năng khác do hãng Codagenix (New York) sản xuất. WHO đã chọn loại vắc xin này là 1 trong 4 loại để thực hiện trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, coi chúng có triển vọng nhất trong số 194 ứng viên.

Vắc xin Codagenix, giống như những loại khác, sẽ được sử dụng để ngăn ngừa COVID-19 ở các quốc gia chưa có sẵn vắc xin. Rob Coleman, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Codagenix, cho biết: “Vẫn có nhu cầu về vắc xin ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp”.

Nó cũng đang được thử nghiệm như một liều tăng cường cho những người đã được tiêm vắc xin COVID-19 và nhắm vào thị trường Mỹ.

Vắc xin này chứa một loại vi rút sống giảm độc lực, có nghĩa toàn bộ vi rút SARS-CoV-2 được điều khiển để không thể gây nhiễm trùng. Về mặt lý thuyết, bằng cách chứa toàn bộ vi rút, vắc xin có thể cung cấp khả năng bảo vệ rộng hơn so với chỉ protein gai.

Trong một thử nghiệm nhỏ ở giai đoạn đầu, hai liều vắc xin này đã cung cấp cho chúng ta khả năng miễn dịch rộng rãi, bao gồm cả chống lại biến thể Omicron, Rob Coleman nói.

Ông cho hay: “Giá trị quan trọng gia tăng ở đây không chỉ là chúng ta phá vỡ chu trình lây truyền mà còn cung cấp tất cả protein của vi rút SARS-CoV-2”.

Một cách tiếp cận khác

Tiến sĩ Paul Spearman tại Bệnh viện Cincinnati Children sử dụng một loại vi rút cúm chó để mang lại hiệu quả cao. Nó chưa bao giờ được sử dụng ở người trước đây nhưng được cho là vô hại.

Ông nói: “Dữ liệu về động vật rất hứa hẹn”.

Giống các loại vắc xin COVID-19 khác, nó được dùng như một liều tăng cường ở Mỹ, nhưng cũng có thể hữu ích như một loại vắc xin độc lập ở những nơi trên thế giới thiếu nguồn cung.

vac-xin-xit-mui-co-the-ngan-nhiem-sars-cov-2-gia-30-xu-lieu112.jpg
Tiến sĩ Paul Spearman, người đang dẫn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 xịt mũi tại Bệnh viện Cincinnati Children

Các thử nghiệm ban đầu cho thấy vắc xin an toàn, thách thức tiếp theo là quyết định liều nào trong hai liều là hiệu quả nhất, Paul Spearman nói.

Ông hy vọng nó sẽ cung cấp sự bảo vệ lâu dài hơn so với các loại vắc xin COVID-19 hiện tại, vốn cần liều tăng cường để duy trì hiệu quả. Về mặt lý thuyết, các loại vắc xin như của Paul Spearman và Peter Palese tái tạo trong cơ thể, có thể tồn tại lâu hơn.

Thế nhưng, bằng chứng sẽ nằm trong đáp ứng miễn dịch", Paul Spearman nói.

Hiện tại, với sự hợp tác của công ty CyanVac ở Georgia, Paul Spearman đang thử nghiệm trên 22 người mà ông hy vọng sẽ đủ tốt để mở rộng vào cuối năm nay. “Nếu cuộc thử nghiệm cho thấy nó có triển vọng ở người cũng như động vật thì chúng tôi thực sự có động lực để tiếp tục", ông nói.

Dan Wagner tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin của Paul Spearman vì anh lo lắng mình có thể truyền SARS-CoV-2 cho người khác.

Ở tuổi 33, cực kỳ sung mãn và có thể làm việc tại nhà, Dan Wagner đã tạm dừng việc tiêm vắc xin vào cánh tay vì không lo lắng về việc bản thân nhiễm SARS-CoV-2. Song, anh lo cho cha mẹ mình và những người khác dễ bị tổn thương hơn.

vac-xin-xit-mui-co-the-ngan-nhiem-sars-cov-2-gia-30-xu-lieu1122.jpg
Dan Wagner tình nguyện thử nghiệm vắc xin COVID-19 xịt mũi vì hy vọng có thể ngăn truyền SARS-CoV-2 cho người khác

Dan Wagner nói: “Tôi muốn một loại vắc xin có thể bảo vệ những người khác, không chỉ bản thân mình”.

Dù một số người thích nhận vắc xin qua đường mũi như một cách để tránh tiêm, Dan Wagner cho biết anh không gặp vấn đề gì với kim tiêm. Cuộc thử nghiệm bao gồm một số lần rút máu, điều này không khiến Dan Wagner bận tâm.

Trở lại vào tháng 1.2022, khi nhận vắc xin COVID-19 dạng xịt, Dan Wagner phải ngồi xuống và cúi đầu về phía sau.

"Bạn có thể cảm thấy nó đang chảy xuống cổ họng của bạn. Tôi không bị tổn thương hay bất cứ điều gì, chỉ cảm thấy hơi kỳ lạ", Dan Wagner nói.

Dan Wagner hoàn toàn không có tác dụng phụ - không bị đau đầu, ớn lạnh hay mệt mỏi mà nhiều người phàn nàn sau khi tiêm loại vắc xin COVID-19 khác.

Paul Spearman vẫn đang tìm ra liều vắc xin hiệu quả nhất của mình và không rõ liệu Dan Wagner có được bảo vệ chống lại việc nhiễm hoặc lây truyền SARS-CoV-2 không, dù đến nay anh cố gắng tránh việc đó.

Bán phụ tùng xe hơi qua internet, Dan Wagner cho biết đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn một chút kể từ khi nhận vắc xin xịt mũi, đi ra ngoài thường xuyên hơn, trở lại thói quen tập thể dục 5 ngày một tuần và cảm thấy an toàn hơn một chút.

Dan Wagner hy vọng vắc xin xịt mũi sẽ có tác dụng. Qua đó, những người không cần tiêm vắc xin COVID-19 vì bản thân vẫn có thể nhận nó để giúp bảo vệ người khác.

Anh nói: “Tôi biết rất nhiều người đã tiêm các loại vắc xin khác mà vẫn dương tính với COVID-19. Tôi hy vọng lần này sẽ khác”.

Bài liên quan
Thử nghiệm vắc xin xịt mũi ngăn ngừa, làm chậm phát triển bệnh Alzheimer: Bước đột phá sau 20 năm
Chỉ vài tháng trước, việc tìm ra phương pháp điều trị bệnh Alzheimer dường như là một viễn cảnh khó xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
36 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin xịt mũi 30 cent/liều có tiềm năng ngăn nhiễm SARS-CoV-2 được phát triển thế nào?